Độc đáo như vải len “bền vững”

24/12/2023 - 07:04

PNO - Là loại sợi cổ điển có nguồn gốc thuần động vật, len dường như rất khó hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Ngành sản xuất vải len luôn gây quan ngại về nạn bóc lột gia súc, sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi và phát thải khí nhà kính. Trào lưu sáng tạo chất liệu len bền vững - nhân văn hơn đang góp phần xóa bỏ những góc khuất này.

 

Chất len chiengora cách nhiệt tốt, mềm mại không thua kém len cashmere cao cấp -  Nguồn ảnh: YarnSustain
Chất len chiengora cách nhiệt tốt, mềm mại không thua kém len cashmere cao cấp - Nguồn ảnh: YarnSustain

Mùa hè năm 2021, đôi bạn trẻ Ugo Apuzzo và Floriano Bollettini (bấy giờ đang học tại Trường thương mại Paris - Pháp), quay về quê nhà - nước Ý - vì một dự án lập nghiệp đặc biệt. Họ bôn ba khắp nơi để thu gom một loại chất liệu may mặc kỳ lạ. Sau 5 tháng kiên trì, cả 2 gặt hái thành quả đầu tiên - khoảng 1 tấn lông động vật mua lại từ các cá nhân và cửa hàng dịch vụ chăm sóc thú nuôi. Chủ nhà xưởng chuyên xe sợi len họ liên hệ tại Ý nhận xét, thứ Apuzzo và Bollettini mang đến có chất lượng thậm chí còn vượt qua cả len cashmere thượng hạng. Len chất lượng cao cả 2 lựa chọn không đến từ cừu, dê hay lạc đà. Nó thuộc về một loài vật thân quen với chúng ta: những chú chó cưng. 

Giải pháp lý tưởng đang tồn tại ngay trong nhà bạn  

Chiengora - tức “nghệ thuật dệt vải len từ lông chó” - đã tồn tại cách đây hàng ngàn năm. Người Salish - dân tộc bản địa ở Bắc Mỹ có nền văn hóa dệt may đặc sắc - thậm chí từng xem hoạt động nuôi và nhân giống chó lấy lông như một nghề buôn bán quan trọng. 

Ngày nay, xu thế tiêu dùng nhanh khiến việc dệt len từ lông chó không còn phổ biến. Tuy nhiên, khi sức ép ô nhiễm kéo theo một cuộc khủng hoảng nguyên liệu sạch trong ngành may mặc, những chất liệu thay thế mang tính bền vững trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. 

“Riêng ở Đức, khoảng 1.600 tấn lông chó bị vứt đi mỗi năm. Số lông này hoàn toàn có thể được xử lý và chuyển đổi thành chất liệu dệt may chất lượng cao. Chúng có khả năng thay thế rất tốt cho lông cừu truyền thống. Vì sao chúng ta không tìm cách tận dụng?” - Ann Cathrin Schönrock - doanh nhân người Đức điều hành một hãng sản xuất len chiengora tiên phong - chia sẻ. 

Vớ thể thao với chất liệu sợi len tổng hợp Trino -  Nguồn ảnh: Allbirds
Vớ thể thao với chất liệu sợi len tổng hợp Trino - Nguồn ảnh: Allbirds

Modus Intarsia - thương hiệu chuyên doanh quần áo và phụ kiện len chiengora của Schönrock - được sáng lập dựa trên tiêu chí “chất lượng - bền vững - thân thiện với động vật”. Nữ doanh nhân trẻ bày tỏ: “Gia đình tôi rất yêu chó. Trong một lần cùng mẹ chải lông cho 3 chú chó cưng, tôi chợt tò mò muốn biến những đoạn lông mềm mại ấy thành một loại sợi len bền vững”. 

Tùy từng giống chó, len chiengora có thể đạt đến độ bền của len lạc đà, với chất lượng thậm chí vượt xa nhiều loại len phổ biến từ lông gia súc. Bác sĩ thú y Rachel Casey, hiện điều hành một trung tâm giải cứu động vật tại Anh, ủng hộ ý tưởng thương mại hóa chiengora. “Suy xét đến sức khỏe vật nuôi, hành động chải lông thật ra sẽ giúp các chú chó khỏe hơn. Tận dụng lông của chúng cũng là một cách góp phần bảo vệ môi trường” - cô nói. 

Năm 2021, dự án thu mua lông vật nuôi do Bollettini và Apuzzo khởi xướng, chính thức sáp nhập vào công ty của Schönrock. Họ muốn tạo nên một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp, 100% thân thiện môi trường. Schönrock nhấn mạnh: “Chiengora vẫn còn được xem là một loại hình dệt may thủ công nhỏ lẻ. Chúng tôi còn cả chặng đường dài phải vượt qua nhưng tôi tin, mở rộng nguồn cung ứng và các kênh quảng bá sẽ giúp mọi người tiếp nhận chất liệu tuyệt vời này. Khi khách hàng nói rằng sản phẩm họ cầm trên tay mềm mại không khác len cashmere, tôi càng vững tin mình đang đi đúng hướng”.     

Mở rộng góc nhìn về len 

Song song đó, sự phối hợp đa chất liệu đang góp phần định hình hướng đi bền vững hơn của ngành sản xuất len. Len merino kết hợp cùng sợi cellulose nguồn gốc từ gỗ bạch đàn của hãng giày và hàng may mặc Allbirds (Mỹ) đã gây tiếng vang thời gian qua.  

Chất liệu len cải tiến của dòng nội y thể thao Allbirds êm dịu với làn da và thân thiện với môi trường - Nguồn ảnh: Allbirds
Chất liệu len cải tiến của dòng nội y thể thao Allbirds êm dịu với làn da và thân thiện với môi trường - Nguồn ảnh: Allbirds

Cộng tác cùng những đồn điền trồng bạch đàn tại Nam Phi, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn nông lâm nghiệp bền vững, từ năm 2021, Allbirds bắt đầu sản xuất một loại sợi hữu cơ độc đáo. Chất liệu được mệnh danh “siêu sợi” có tên Trino, tạo thành bởi sợi gỗ bạch đàn và len lông cừu merino.

Vì sao lại là cây bạch đàn? Nữ chuyên viên nghiên cứu ngành khoa học môi trường, Hana Kajimura - trưởng nhóm phát triển sản phẩm bền vững của Allbirds - lý giải: “Loài cây này dễ gây thiện cảm với nhà nông lẫn người yêu môi trường. Bạch đàn hấp thu khí thải CO2 qua toàn thân, vỏ, lá trong khi không đòi hỏi điều kiện chăm sóc đặc biệt. Chúng chỉ cần nguồn nước tưới tự nhiên từ những cơn mưa. Cây phát triển nhanh, mạnh mà không cần phân bón, hóa chất…”.
Thành lập năm 2016, Allbirds bắt đầu tạo dựng danh tiếng nhờ các sáng kiến thú vị giúp tái định hình chất liệu len cổ điển. Sản phẩm bán chạy hàng đầu của hãng là giày len thể thao có thiết kế trẻ trung, chất vải cải tiến vừa mềm nhẹ vừa thoải mái cho da. 

Sau thời gian miệt mài nghiên cứu hoàn thiện, Allbirds chính thức ra mắt vớ và nội y thể thao bằng chất liệu Trino từ năm 2019. Loạt sản phẩm nhận về nhiều lời khen vì yếu tố chất lượng lẫn thông điệp kinh doanh tôn trọng môi trường. “Chúng tôi không có ý định khai thác duy nhất chất liệu len hay chỉ sản xuất giày. Buổi đầu tạo dựng công ty, nhiều người cho rằng bền vững hóa ngành sản xuất len là bất khả thi. Tôi muốn chứng minh điều ngược lại” - Tim Brown - Giám đốc sáng lập Allbirds - cho biết.

Túi xách của thương hiệu IKKS (Pháp) làm từ 100% len tái chế cung ứng bởi Manteco, công ty danh tiếng tại Ý với mô hình sản xuất tuần hoàn tiên tiến - Nguồn ảnh: IKKS
Túi xách của thương hiệu IKKS (Pháp) làm từ 100% len tái chế cung ứng bởi Manteco, công ty danh tiếng tại Ý với mô hình sản xuất tuần hoàn tiên tiến - Nguồn ảnh: IKKS

Doanh nhân người New Zealand tin rằng có rất nhiều cơ hội sáng tạo, kết nối và đổi mới chất liệu mà chúng ta chưa khám phá hết.  Cách thức truyền thống cũng có thể tạo ra chất liệu len bền vững. Bên trong thành phố cổ Prato, Ý - nơi còn có tên gọi “thiên đường của len tái chế”, một công ty lâu đời đã phát triển hệ thống tái chế len ấn tượng theo mô hình sản xuất tuần hoàn suốt 80 năm qua. Manteco (thành lập năm 1943) đã hoàn thiện các kỹ thuật tiên tiến giúp “tái sinh” hàng may mặc bằng len. Thành tựu tiêu biểu gần đây của họ là MWool - chất liệu len tái chế chất lượng vượt trội có thể “tái tạo” nguyên trạng kể cả sắc màu đồ len cũ cùng tiềm năng tự hủy sinh học. 

Matteo Mantellassi - Giám đốc đương nhiệm của Manteco - nói về MWool: “Đội ngũ nghệ nhân áp dụng tiến trình phân loại kỹ lưỡng nhằm chọn lọc và tái sinh nguyên liệu gốc theo nhóm màu cụ thể. Cũng như chất lượng, sắc màu vốn có của sản phẩm có thể được gìn giữ nguyên vẹn mà không cần đến hóa chất nhuộm”. 

Thu thập nguyên liệu thô (quần áo cũ, phế liệu dệt may…) từ nhiều nguồn khác nhau để “hồi sinh” chúng thành các sản phẩm hữu dụng, Manteco hiện là một doanh nghiệp hiếm thấy sở hữu dây chuyền tái chế len hiệu quả và tuần hoàn khép kín. “Tại nhà xưởng của chúng tôi, len có thể được tái sử dụng vĩnh cửu theo nhiều cách. Việc không ngừng cải tiến quy trình tái chế còn giúp chúng tôi giảm đáng kể nguồn nước, khí thải và tổng năng lượng trong hoạt động sản xuất. Sự sáng tạo đi cùng thông điệp ý nghĩa về môi trường đem lại sức hút khác biệt cho những chất liệu len bền vững” - Mantellassi bày tỏ. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI