Độc đáo nghi lễ rửa mặt Phật lúc nửa đêm về sáng

12/11/2019 - 09:08

PNO - Đi xem lễ rửa mặt Phật ở Mandalay (Myanmar), không phải du khách nào cũng có dịp được tận mắt chiêm ngưỡng, nhất là du khách Việt.

Có lẽ vì lễ diễn ra từ rất sớm: 4 giờ sáng, không dễ để bạn có thể thức dậy thật sớm sau một hành trình dài đến Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Và nơi đây cũng không phải là tuyến điểm hay được đưa vào tour du lịch đến xứ sở này.

Doc dao nghi le rua mat Phat luc nua dem ve sang
Trời vẫn còn tối đen, người đi lễ Phật đã rất đông, không kém ban ngày

Với công dân xứ Việt như tôi, nghi thức Phật giáo quen thuộc nhất là tắm Phật. Nghi thức này chỉ thấy diễn ra trong dịp lễ Phật đản. Ngoài ra, tôi cũng có dịp nhìn thấy nghi thức tắm Phật khi sang Thái Lan, Lào... Riêng lễ rửa mặt Phật thì mới chỉ thấy ở Mandalay, tại ngôi chùa trứ danh Mahamuni. Đây là một nghi thức độc đáo ít nơi có dù các quốc gia theo đạo Phật ở châu Á rất nhiều. Cho nên, dù đến Mandalay khá trễ, tôi ngủ rất chập chờn chỉ vì háo hức đợi đến thời điểm đi xem rửa mặt Phật.

Lễ Phật lúc 4 giờ sáng

Nửa đêm về sáng, tôi khoác ba-lô đến Mahamuni Paya, ngôi chùa vào hàng danh tiếng nhất xứ này, được xây dựng năm 1784. Trời vẫn còn tối đen, người đi lễ Phật đã rất đông, không kém gì ban ngày. Nhưng tất cả đều diễn ra trong trật tự và tĩnh lặng. Tôi hòa trong dòng người, vào chánh điện, ngồi xuống hướng về pho tượng Phật to lớn màu vàng đặt trong bảo tháp, đợi chờ nghi thức độc đáo này bắt đầu. Chùa có bức tượng Phật đúc bằng đồng cao 4m, nặng 6,5 tấn, là nơi sẽ diễn ra nghi thức rửa mặt Phật. Tiếng động duy nhất tôi nghe được lúc này là tiếng cầu kinh đều đều vang xa gần khắp gian chánh điện.

Doc dao nghi le rua mat Phat luc nua dem ve sang
 

Hỏi thăm người dân bản địa, tôi được biết nghi lễ này đã có từ khi tượng Phật được mang về chùa và chỉ vị sư có vị trí cao trong Phật giáo Mandalay mới có thể đảm nhận công việc quan trọng này. Cùng đứng quanh tượng Phật là những người phụ việc cho nhà sư trong trang phục trắng. 

Doc dao nghi le rua mat Phat luc nua dem ve sang
 

Pho tượng khá lớn, có một giàn giáo bắc ngang trên đầu gối tượng để nhà sư đứng lên trên vừa tầm với khuôn mặt đức Phật. Sau những bài kinh tụng, vị sư này phủ tấm vải màu vàng quanh phần thân tượng. Tiếp đến, ông cầm chiếc bình đựng nước, là thứ nước tinh khiết được lấy từ nguồn nước sạch nhất ở Mandalay, bắt đầu nghi thức xịt nước làm ướt khuôn mặt tượng Phật. Sau đó ông dùng tấm mút lau một cách cẩn thận khuôn mặt đức Phật từ trán, xuống mắt, má, hai cánh mũi. 

Riêng phần môi, nhà sư cầm cây cọ mềm, nhẹ nhàng chải qua lại nhiều lần. Sau cùng, vị sư dùng quạt quạt thật nhẹ để làm khô nước trên mặt Phật. Tất cả đều được thực hiện một cách cẩn trọng, thành kính và từ tốn từng bước một, không cầu kỳ nhưng nghiêm cẩn. Trong lúc buổi lễ diễn ra, người dân Mandalay tập trung giữa chánh điện, thành kính quỳ lạy, mắt hướng về tượng Phật và đều đặn tụng kinh, cạnh những mâm hương hoa bánh trái hành lễ.

Nếu mỗi sáng ta chỉ cần dăm ba phút cho xong việc rửa mặt, thì trong buổi lễ rửa mặt Phật ở đây, hành động ấy là một nghi thức tôn giáo đầy kính cẩn kéo dài gần một giờ đồng hồ. Sự thành kính ấy truyền sang cả du khách như tôi. Chỉ cần một buổi ngồi cùng những người dân nơi đây, ngắm cảnh tượng lạ lùng ấy trong tiếng tụng kinh đều đặn thành kính vang lên chung quanh, tôi hiểu sức mạnh và sự tôn kính cùng đức tin với người dân nơi này lớn đến mức nào.

Doc dao nghi le rua mat Phat luc nua dem ve sang
Nghi lễ rửa mặt Phật luôn diễn ra trong trật tự và tĩnh lặng

Buổi sớm mai ấy cũng cho tôi hiểu rằng chẳng có gì phải vội vàng, hấp tấp khi mọi thứ trong dòng đời vội vã đã được để lại bên ngoài sân chùa. Nếu là người hay nóng vội, có lẽ bạn sẽ không đủ kiên nhẫn ngồi lặng yên trong một buổi hừng đông như thế này để xem cảnh rửa mặt Phật. Nhưng nếu ngồi lại được, bạn sẽ thấy đây là dịp mình được thong dong, tĩnh tâm và có nhiều ý nghĩ sáng suốt trước khi bắt đầu một ngày mới cùng những năng lượng tích cực. 

Pho tượng nặng dần theo thời gian 

Điểm đặc biệt ở ngôi chùa này, bên cạnh lễ rửa mặt Phật, còn ở chỗ pho tượng Phật nơi đây mỗi ngày một nặng thêm theo thời gian.

Doc dao nghi le rua mat Phat luc nua dem ve sang
 

Pho tượng có vẻ ngoài rất đặc trưng của các tượng Phật ở Miến Điện, tai dài có khuyên, trên đầu Phật đội nón, mình khoác áo bào làm bằng đồng nặng 6,5 tấn, cao khoảng 4m. Pho tượng và tòa tháp tỏa ra sắc vàng rực rỡ vì lượng vàng được dát lên nó liên tục suốt bấy nhiêu năm qua.

Không biết bao nhiêu triệu lượt người gần xa hành hương đến đây cúng dường bằng những lá vàng dát mỏng, có kích thước khoảng hai ngón tay. Chuyện xưa kể rằng để thể hiện sự sùng đạo và sức mạnh về quyền lực của mình, nhà vua Sanda Thuriya thời bấy giờ thường đem vàng dát lên tượng.

Tập tục này theo thời gian được thực hiện qua nhiều thế hệ, ăn sâu vào tiềm thức của người dân Myanmar. Nghi lễ này vẫn được thực hiện mỗi ngày vào lúc trời chưa sáng, bất kể nắng mưa, chưa ngày nào ngưng nghỉ.

Cho đến ngày nay, tượng Phật ngày càng to bởi lớp nón và lớp áo bào được dát bởi vô số vàng lá. Mỗi người ít nhất một lá, sự bồi đắp mỗi ngày khiến lớp vàng dát thân tượng bây giờ đã dày lên, ước tính khoảng trên 15cm. Trừ khuôn mặt, bức tượng bây giờ tròn trịa, “bụ bẫm” hơn theo thời gian.

Trong chùa có các tấm hình chụp bức tượng Phật những ngày mới dát vàng và khoảng hơn chục năm sau đó, đủ để bạn cảm nhận về mức độ vàng dát lên tượng nhiều đến mức nào theo năm tháng. 

Doc dao nghi le rua mat Phat luc nua dem ve sang
Cận cảnh tượng Phật được dát vàng lấp lánh

Người Miến Điện rất thích dát vàng lên chùa và tượng Phật, như một cách bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình. Những lần lang thang xứ này, tôi thường bắt gặp các công trình kiến trúc đẹp đẽ nổi tiếng được dát vàng. 

Pho tượng Phật ở chùa Mahamuni Paya là một thí dụ minh họa cho ấn tượng của du khách về chuyện dát vàng. Nên cũng dễ hiểu vì sao ở một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Mahamuni Paya luôn có sẵn những quầy bán vàng lá phục vụ nhu cầu của Phật tử và du khách gần xa muốn mua để dát lên tượng Phật.

Lạ một điều, theo tục lệ xứ này, phụ nữ không được bước lên gian chánh điện, đến gần tượng Phật. Tất cả đều ngồi cầu nguyện ở một khoảng cách khá xa, sau một hàng rào tượng trưng. Thế nhưng, phụ nữ lại là những người chăm chỉ dát vàng nhất.

Họ đều có thể nhờ những người phụ lễ ở chùa, những người đàn ông quen biết hoặc không quen, đang hành lễ cùng với mình, dát vàng lên tượng Phật, giúp họ bày tỏ tấm lòng thành với đức Phật trên cao. 

Ghi vào sổ tay:

- Thường các đền chùa nổi tiếng và nhiều điểm tham quan dành cho khách du lịch ở xứ này đều bán vé và thu phí chụp ảnh. Ở một số nơi, người ta rất gắt gao về việc này. Thế nên bạn phải xác định, nếu đã đưa máy ảnh lên bấm là phải trả tiền. Một số đền tháp không thu phí nhưng người coi đền có thể xin tiền. Tương tự, một số người dân và cả nhà sư khi bắt chuyện, cung cấp thông tin cho bạn có thể sẽ xin tiền tip. 

- Ở chùa Mahamuni không thu vé vào cổng, chỉ tốn phí chụp hình là 1 USD/máy. Bạn phải chuẩn bị tinh thần đi chân không từ cổng vào khu vực sân chùa đến bên trong. Tất cả các đền, chùa khác ở Myanmar cũng vậy: bạn đều phải đi chân trần ở những nơi linh thiêng. Bạn không phải lo mất giày dép vì có nơi để gửi hoặc bạn có thể mang theo túi để đựng. 

- Myanmar có rất nhiều đền chùa, tháp và đây cũng là những điểm tham quan chính khi đến xứ sở này. Việc tuân thủ quy định về phục trang (kín đáo, nghiêm túc) khi đến những nơi này được thực hiện rất nghiêm. Bạn nên mua một tấm vải mà đàn ông Miến Điện mặc hằng ngày, gọi là longyi (một dạng váy của nam với một miếng vải lớn quấn cột trước bụng), với giá trung bình khoảng 150.000 đồng. Khoác longyi bên ngoài, bạn sẽ thoải mái “nhập gia tùy tục” đi lại tham quan các đền, chùa.

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI