Tấp nập khán giả
Đã có khoảng 20.000 người từ các địa phương xa gần và du khách quốc tế đến xem lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2024 (ngày 29/9/2024 tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Từ sáng sớm, khách thập phương đã hào hứng thưởng thức các món đặc sản như bánh bò thốt nốt, thịt bò bảy món, gà đốt, bánh xèo núi Cấm, gỏi sầu đâu, lẩu mắm, bún cá, cháo bò… Ông Trần Văn Tâm - 60 tuổi, quê ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng - bộc bạch: “Mỗi năm, cứ đến lễ hội là anh em chúng tôi rủ nhau thuê xe tới Bảy Núi, vừa cổ vũ đua bò, vừa đi du lịch, thích nhất là được ăn nhiều món ngon ở đây. Lễ hội xong, mọi người sang khu di tích núi Sam viếng Bà Chúa Xứ sau đó tiếp tục đi thăm một số thắng cảnh núi Cấm…”.
|
Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước |
Anh Thạch Sê - ngụ xã Tân An, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh - cho biết đã hàng chục lần đến xem đua bò. Anh chia sẻ: “Trà Vinh quê tôi có rất đông bà con Khơ Me sinh sống. Với chúng tôi, giải đua bò An Giang là một thương hiệu rất hấp dẫn”.
Ông Chau Mane - ngụ thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - cho hay, hằng năm trước khi diễn ra lễ hội khoảng 2-3 tháng, những người trực tiếp tham gia giải đấu phải dành nhiều thời gian tập luyện và chăm sóc đôi bò chu đáo.
Ông tiết lộ: “Thời gian này, chúng tôi hạn chế hoặc không cho bò đi cày, kéo lúa, kéo hàng hóa… nhằm tránh mất sức; đồng thời phải tăng cường bồi bổ những đôi bò thi đấu bằng việc cho ăn thêm cháo, cho uống nước dừa với trứng gà… để bò có thể trạng tốt nhất”.
|
“Làng bè sắc màu” ở ngã ba sông Châu Đốc |
Là người từng đoạt hàng chục giải cao ở các lễ hội đua bò Bảy Núi, ông Nguyễn Thành Tài - ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn - tâm sự: “Mỗi lần ra sân thi đấu, tôi vừa hồi hộp vừa rất nhiều cảm xúc, bởi xung quanh là hàng chục ngàn người đang theo dõi, cổ vũ. Đôi bò chiến thắng phải trải qua nhiều vòng đua quyết liệt, căng thẳng nên rất mệt. Bù lại là niềm vui không gì tả được khi đứng trên bục chiến thắng”.
Ông Nguyễn Thành Tài cho biết: “Giá trị những đôi bò giành chiến thắng ngay lập tức tăng cao, giải thưởng là niềm tự hào, kiêu hãnh cho chủ nhân, phum, sóc… Giải thưởng cũng cho thấy chúng tôi có bò khỏe mạnh, sức dẻo dai, cày bừa tốt, giúp cho người dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi, bội thu, no ấm”. Cũng từ những ý nghĩa đó mà lễ hội đua bò Bảy Núi được tỉnh chăm chút từ khâu tổ chức, người thi đấu được huấn luyện bài bản; tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt.
Phát triển du lịch căn cơ, bền vững
Những năm qua, đua bò đã là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với An Giang. Các sở ngành của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thêm các chương trình nghệ thuật trình diễn Dù kê, Rô băm; hoạt động thương mại dịch vụ giới thiệu sản phẩm đặc sản; tổ chức các tour khám phá vùng đất, con người Bảy Núi… tạo thêm sức hấp dẫn với du khách và tăng giá trị cho ngành du lịch.
|
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu du khách mỗi năm |
Năm 2024, An Giang đón khoảng 9 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 25.000 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 10.250 tỉ đồng; trở thành một trong những địa phương mạnh về du lịch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để du lịch phát triển bền vững, bên cạnh việc tổ chức chu đáo và hấp dẫn các lễ hội truyền thống hằng năm, tỉnh đang tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng nhằm đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tạo sinh kế cho cộng đồng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
UBND tỉnh An Giang đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở ngành liên quan tận dụng tối đa công nghệ số để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang đến với đông đảo người dân, du khách trên các phương tiện truyền thông, nền tảng mạng xã hội… theo những phương thức phù hợp, hấp dẫn. Qua đó, du khách và người dân các nơi không chỉ biết về lễ hội đua bò Bảy Núi, lễ hội Vía Chúa Xứ núi Sam… mà còn rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn như núi Cấm, khu di tích Óc Eo, thánh đường Hồi Giáo, hồ Búng Bình Thiên, chợ nổi Long Xuyên, rừng tràm Trà Sư… Năm 2025, An Giang đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách lưu trú đạt trên 1 triệu lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 11.000 tỉ đồng.
Ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh An Giang - lưu ý các địa phương trong tỉnh tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy, xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu, thị trường và động lực để thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Tới đây, tỉnh sẽ xây dựng lại các tour, tuyến du lịch bài bản, kết nối với những địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và các nước Đông Nam Á, nhằm phát triển đa dạng sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Đua bò là một dạng thức lễ hội nông nghiệp có một không hai của đồng bào dân tộc Khơ Me vùng Bảy Núi tỉnh An Giang nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.Năm 2016, lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, lễ hội đã qua 29 lần tổ chức với quy mô ngày càng lớn… |
Huỳnh Trọng - Duy Anh