Chính họ, bằng trí, lực và hơn cả là tấm lòng, đã quay về đất mẹ, vượt bao gian khó, góp phần kiến tạo một Việt Nam mỗi ngày một khác. Và trong nỗi thiết tha về sự đổi thay cần phải có của Việt Nam khi thế giới đã vươn quá xa rồi, có một điều lớn lao hơn, là từ họ, đã toát ra nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ, truyền lửa cho những công dân tương lai lèo lái vững vàng con tàu đất nước bằng tri thức và tình yêu Tổ quốc...
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng sự thông thoáng của chính sách đã mở đường cho sự trở về của đông đảo doanh nhân Việt kiều. Và sự đóng góp của họ đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi bộ mặt đất nước trong những năm gần đây.
Từ giáo dục…
Đông đảo người Việt ở nước ngoài đều không khỏi trăn trở về nền giáo dục Việt Nam, khi so sánh với giáo dục các nước tiên tiến. Vì vậy, không ít Việt kiều đã trở về để góp sức mình trong lĩnh vực giáo dục.
Với ước mơ sinh viên đi học không phải trả tiền, giáo sư Dương Nguyên Vũ, Cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu không lưu châu Âu (Eurocontrol), đã quyết định thành lập Viện John von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Thực tế, Viện John von Neumann đã trải qua những giai đoạn phát triển chật vật với nguồn tài chính có hạn, nhưng nay đã tạo được môi trường khoa học chuyên nghiệp, nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học chuẩn mực thế giới. Phần lớn sinh viên của viện được tạo điều kiện để có học bổng miễn giảm học phí và có năng lực nghiên cứu những đề tài khoa học cấp quốc gia.
Hay như vị “giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành, đã từ chối tương lai tốt đẹp với chức danh giáo sư cao cấp và là một trong những nhà khoa học có triển vọng tại trường đại học Utah (Mỹ), để trở về Việt Nam với đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, mục tiêu hàng đầu của viện là xây dựng môi trường nghiên cứu hiện đại với phong cách làm việc như các nước tiên tiến. Hình ảnh hai vị giáo sư này, cùng nhiều người thành đạt trong lĩnh vực giáo dục ở nước ngoài trở về, cho chúng ta niềm tin rằng, những mong muốn cống hiến của họ cho nền khoa học - giáo dục Việt Nam sẽ thành hiện thực, để họ có thể tự cởi trói cho chính mình trước những cơ chế quản lý tài chính khi về nước công tác.
Không chỉ ở lĩnh vực giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học mà lĩnh vực dạy nghề cũng được các Việt kiều xông xáo tham gia giải quyết. Từ năm 2008, các doanh nghiệp thiếu thợ nghiêm trọng, trong khi chương trình dạy nghề trên cả nước thiếu tính nhất quán, giáo trình đào tạo ngành kỹ thuật còn nghèo nàn.
Những Việt kiều nhiều năm làm việc ở Đức trở về đều mong muốn sinh viên trong nước được dạy nghề theo phương pháp “học đi đôi với hành”, trong đó có kỹ sư Lê Tùng Hiếu, cố vấn chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật (Technisch Gewerbliche Ausbildung - TGA) của trường trung cấp Cơ điện Đông Nam bộ (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Ngoài ra, kỹ sư Lê Tùng Hiếu còn kết hợp với nhóm dịch sách Nhất nghệ tinh thực hiện những cuốn sách dạy nghề chất lượng. Đến nay, tủ sách của nhóm Nhất nghệ tinh đã có rất nhiều cuốn sách nghề thuộc các lĩnh vực khác nhau như: chuyên ngành điện - điện tử, chuyên ngành ô tô, chuyên ngành cơ điện tử, cẩm nang hóa học, cẩm nang sinh học và một số sách dự kiến hoàn thành trong năm tới như: chuyên ngành chất dẻo, môi trường, cẩm nang cơ khí, chuyên ngành xây dựng...
Nhưng nhìn lại, con số nhà khoa học Việt kiều thực sự về nước làm việc vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân là họ chưa có được môi trường làm việc cũng như sự đãi ngộ xứng đáng. Trong khi đó, ngay các nước láng giềng như Singapore, Hàn Quốc, cũng đã có bậc lương riêng cho giới nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cơ chế thông thoáng và hỗ trợ hiệu quả cho công việc của các Việt kiều này. Khi đó, bài toán “1.000 nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục Việt Nam” mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra mới đây sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa.
... Đến kinh tế
Câu chuyện về những doanh nhân Việt kiều quay trở về Việt Nam đầu tư bởi nhìn thấy cơ hội tuyệt vời từ trong nước đã được hãng tin Bloomberg đăng tải từ những ngày đầu năm 2017.
Theo Bloomberg, Việt Nam hôm nay đã có một bộ mặt khác so với trước đây nhờ sự tích cực của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, giáo dục đã được cải thiện, các điều kiện sống cũng tốt hơn và đặc biệt là sự trở về của nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài.
Năm 2015, Việt Nam đón lượng kiều hối chiếm 7% GDP, tương đương khoảng 14 tỷ đô la được chuyển về nước. Rõ ràng, một phần không nhỏ kiều hối đổ vào thị trường bất động sản, sau khi khung pháp lý được nới rộng.
Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy một lực lượng doanh nhân Việt kiều hồi hương và đầu tư vào đa dạng các lĩnh vực của nền kinh tế. Nổi bật trong giới doanh nhân Việt kiều về nước là ông Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Mỹ Lan Group, người tự nhận là “khởi nghiệp lớn tuổi nhất” trong giới.
Tập đoàn Mỹ Lan hiện có nhiều đối tác ở Mỹ, Canada, Singapore, Nhật Bản với bốn công ty thành viên gồm công ty hóa chất Mỹ Lan, công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan, công ty quang điện tử và công ty American Dye Source ở Canada với hơn 500 nhân viên ở độ tuổi dưới 27.
Mới đây, ông lại quyết định khởi nghiệp lần thứ ba ở tuổi 60 với Rynan Agrifoods, công ty sản xuất phân bón thông minh giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, giúp tăng doanh thu cho nông dân, đồng thời giảm tối đa lượng khí thải ra do canh tác hóa học.
Không chỉ đóng góp kiều hối cho phát triển kinh tế trong nước, doanh nhân Việt kiều còn đóng vai trò cầu nối cho doanh nhân ở trong nước tiếp xúc với các tổ chức thương mại, các doanh nghiệp ở bên ngoài bằng cách đưa hàng Việt Nam ra thế giới thuận lợi hơn, thúc đẩy chất lượng hàng hóa và xây dựng thương hiệu quốc tế cho sản phẩm Việt Nam.
Hiện cộng đồng người Việt ở nhiều nước đã hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại đầu mối, đồng thời giúp tăng cường vai trò cầu nối của doanh nhân Việt ở nước ngoài trong việc giao thương, xuất khẩu hàng hóa Việt.
Ngoài việc tăng đầu tư, một số Việt kiều còn thể hiện tâm huyết muốn minh bạch hóa thị trường, như doanh nhân John Lê - top 40 doanh nhân thành đạt dưới 40 tuổi tại Mỹ. Năm 2015, anh mang mô hình công nghệ bất động sản Propzy về Việt Nam với mong muốn đem đến sự minh bạch trong thông tin thị trường nhà đất.
John Lê chia sẻ rằng, TP.HCM đang là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Lực lượng doanh nhân Việt kiều có tiềm lực kinh tế rất lớn đang có xu hướng chuyển nguồn vốn đầu tư về Việt Nam ngày càng cao nhờ các chính sách kêu gọi đầu tư.
Cùng với kiều hối, đây là nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, những doanh nhân Việt kiều như anh rất mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ thực tế hơn nữa để có thể triển khai các dự án tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong quá trình đầu tư, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng các nguyện vọng và mong muốn của cộng đồng kiều bào, nhà đầu tư còn gặp nhiều rào cản khi về đầu tư tại Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam đến nay vẫn chưa thể khai thác được thế mạnh các nguồn lực từ kiều bào.
Cảm hứng cho thế hệ trẻ
Tại hội nghị Forbes Under 30 Summit được tổ chức tại TP.HCM mới đây, thế hệ trẻ Việt Nam đã thực sự khiến giới chuyên gia kinh tế kinh ngạc vì những sáng tạo mang tầm thế giới.
|
Đông đảo doanh nhân Việt kiều có mặt tại hội nghị Forbes Under 30 Summit 2018 để tạo động lực cho giới khởi nghiệp trẻ trong nước. |
Như Lưu Thế Lợi và Trần Huy Vũ (Victor Trần), hai đồng sáng lập của mô hình giao dịch tiền mã hóa Kyber Network, vừa huy động được 52 triệu đô la Mỹ từ hơn 21.000 thành viên trên thế giới.
Hay Nguyễn Văn Huy, 28 tuổi, đồng sáng lập kiêm giám đốc kỹ thuật (CTO) của Holistics, công ty cung cấp dịch vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu và phân tích báo cáo, với lượng khách hàng khổng lồ trên 16 nước, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á, trong đó có Grab và Traveloka… Những người trẻ này cho thấy, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và hầu như không có ranh giới cho sáng tạo và đầu tư.
Nhận định của nhiều chuyên gia tại hội nghị này cho rằng, chất xúc tác quan trọng cho khởi nghiệp trong nước chính là những người Việt thành công khắp thế giới. Đó là Tần Lê, Founder & CEO của Emotiv System, với chiếc mũ đọc sóng não EPOC gây tiếng vang lớn trong lĩnh vực công nghệ, thu hút vốn lên tới hơn 10 triệu đô la.
Hay Hùng Trần, nhà sáng lập công nghệ gây tiếng vang tại thung lũng Silicon với sản phẩm Got It, giúp kết nối tri thức ở mọi lĩnh vực… Chính những thành công này đã tạo cảm hứng cho những người trẻ, đặc biệt là những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Thêm vào đó là sự tham gia tích cực của những Việt kiều ở khắp mọi nơi đã đưa ý tưởng sáng tạo của Việt Nam ra thế giới.
Chẳng hạn như ông Huỳnh Kim Tước, với cổng kết nối chính thức giữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp Việt Nam và thế giới SIHUB. Hay ông David Vũ Nguyễn, Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore, được xem là người “mai mối” đưa doanh nghiệp Việt sang Singapore. Ông còn rất tích cực trong việc hỗ trợ do các bạn khởi nghiệp về công nghệ trẻ như Lưu Thế Lợi, kêu gọi đầu tư từ cộng đồng các nhà đầu tư trên thế giới.
Có thể thấy, cộng đồng hơn 4 triệu người Việt Nam tại nước ngoài có vai trò, vị trí rất quan trọng trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Mỗi năm có khoảng 300 lượt chuyên gia, trí thức kiều bào nổi tiếng về tham gia các hoạt động với nhiều cơ quan ở trong nước.
Họ đầu tư về nước sẽ bổ sung tốt về mặt công nghệ, về phương thức quản trị chuyên nghiệp, hiện đại trong quản lý sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao lợi thế về năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, đội ngũ này còn là cầu nối cho hợp tác kinh tế quốc tế, trên đường Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao nhân dân.
Giáo sư Trương Nguyện Thành: Chỉ cần đóng góp của mình được trân trọng
Theo tôi, Việt kiều xa quê sẽ cảm thấy hứng thú trở về quê hương khi tài năng của mình được phát huy tối đa, đóng góp của mình được trân trọng, cũng như cơ hội thăng tiến rõ ràng. Khi đó, người quản lý có thể an tâm là công việc sẽ được hoàn tất tốt chứ không phải chỉ là bù nhìn, tạo danh cho một cơ quan nào đó.
Ngược lại, người Việt ở nước ngoài cũng không nên tự phụ cho rằng, mình có những kiến thức, kinh nghiệm hàng đầu thì phải được trả giá cao. Thật ra, không cách quản lý nào hoàn hảo khi áp dụng từ tổ chức này sang tổ chức khác. Người đã quen với mô hình quản lý ở Mỹ chưa chắc làm quản lý tốt ở Việt Nam, vì mỗi xã hội, mỗi tổ chức có một nét văn hóa riêng.
Việc sống ở Việt Nam từ 2-3 tháng/năm trong quá trình 10 năm qua đã giúp tôi hiểu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có những thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ: Thu nhập không phải là rào cản để trở về
Kết quả khảo sát với gần 500 sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học Việt Nam đang học tập và sinh sống tại khắp nơi trên thế giới cho thấy, có đến 83% người được hỏi cho biết sẽ về nước đóng góp chất xám khi có môi trường làm việc tốt chứ không phải chỉ là vấn đề thu nhập.
Như vậy, vấn đề thu nhập thấp đôi khi không phải là rào cản lớn nhất cho người xa quê trở về Việt Nam. Điều quan trọng là làm sao để tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học theo phương pháp tiên tiến và chuẩn mực thế giới…
Nếu Việt Nam có thể tạo ra được các điều kiện tốt cho các nhà khoa học trẻ trong việc tiếp cận kiến thức với chất lượng hàng đầu, mở ra cho họ các cánh cửa để có những cơ hội việc làm tốt, ở trong nước cũng như quốc tế, và họ không phải lo lắng về tài chính cho việc học thì tôi tin rằng hiện tượng chảy máu chất xám sẽ không còn là nỗi lo của chúng ta.
Cần tầm nhìn dài hạn và mạnh mẽ hơn về vấn đề kiều bào
Về nước từ những năm tháng đất nước còn khó khăn, khi Việt Nam bắt đầu chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, sự góp mình có trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân Việt kiều đã giúp cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam thành công hơn.
“Cách đây khoảng 15 - 20 năm, những Việt kiều xa quê lâu năm như tôi cảm thấy rất khó khăn khi trở về đóng góp cho quê hương, dường như những kiến thức mình mang về không giúp ích được nhiều cho đất nước. Thậm chí, chúng tôi còn nhận được ánh mắt hoài nghi từ chính quyền, xã hội.
Nhưng nay, chúng tôi đã có cơ hội và cùng với sự chung tay hỗ trợ tích cực của người Việt ở nước ngoài đã mở đường cho các ý tưởng sáng tạo trong nước. Và trong thế giới phẳng ngày nay, trí thông minh Việt sẽ được thế giới tìm đến đầu tư, hoàn toàn không cần phải tranh cãi về hệ sinh thái khởi nghiệp hay các thể chế liên quan đến khởi nghiệp nữa”, tiến sĩ Trần Sĩ Chương, Cố vấn về kinh tế và tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Mỹ, nhận định.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục và đối xử với doanh nhân kiều bào bình đẳng với các đối tượng doanh nghiệp khác nếu họ muốn đầu tư về quê hương. Họ cần tự do trong kinh doanh hơn là những ưu đãi”.
Theo ông Thiên, nguyên nhân chưa thu hút được nguồn lực kiều bào tương xứng chủ yếu do môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng. Ngoài ra, rất cần tầm nhìn dài hạn và mạnh mẽ hơn trong vấn đề kiều bào.
|
Xuân Lộc