PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương - nhận định, qua hơn 3/4 thế kỷ, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế vẫn còn nguyên giá trị để xây dựng văn hóa doanh nhân, phát triển kinh tế trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ.
Phóng viên: Từ lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương không lâu sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, ông thấy Người đã nhìn nhận thế nào về vai trò, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp?
Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước, giữa bộn bề việc nước, việc dân, việc bang giao quốc tế, Bác vẫn dành tình cảm đặc biệt cho giới công thương Việt Nam. Một việc rất đặc sắc là ngày 3/9/1945, chỉ 1 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã gửi thư cho toàn thể quốc dân đồng bào để thông báo: Chính phủ bắt đầu tiếp dân từ hôm nay. Trong danh mục các đối tượng mà Bác tiếp, có cả các nhà công thương Việt Nam. Trong Chính phủ lúc ấy, có cả đại diện của giới tư sản dân tộc yêu nước, giới công thương.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành tại một khu nhà trọ ở phường 7, quận 8, TPHCM dành cho công nhân, người lao động - Ảnh: Phùng Huy
Ngày 13/10/1945, Người viết thư gửi giới công thương Việt Nam. 78 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, Người đánh giá rất cao vai trò đóng góp của giới công thương Việt Nam. Bác cũng kêu gọi những nhà sản xuất, kinh doanh, những người hoạt động kinh tế tư nhân hăng hái tham gia vào việc kiến thiết đất nước, cùng nhau tự giác, vận động gia nhập tổ chức Công Thương cứu quốc đoàn.
Bác kêu gọi các nhà công thương tham gia Công Thương cứu quốc đoàn là bởi mỗi người sản xuất, kinh doanh cũng là một công dân yêu nước. Trong mặt trận đại đoàn kết chung toàn dân tộc, giới công thương cũng có một vị trí xứng đáng. Bác nhìn nhận, để xây dựng đất nước giàu mạnh thì phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Người nói “thực túc thì binh cường”, “tăng gia sản xuất là cái thiết thực nhất của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về kinh tế là nền tảng xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, để cùng phát triển kinh tế đất nước.
* Bác cho rằng: “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng, thịnh vượng”. Như vậy, Người đã xác định rõ nhiệm vụ của doanh nhân là đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước chứ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận. Hẳn đây cũng nên trở thành tư tưởng chủ đạo của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp, thưa ông?
- Hoàn toàn đúng. Phải coi đây là một tư tưởng lớn, xuyên suốt đối với mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Đã sản xuất, kinh doanh thì đương nhiên người ta muốn tìm kiếm lợi ích. Đó là nhu cầu chính đáng. Nhưng, phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên cao nhất chứ không nên thuần túy tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường, càng không nên tìm kiếm lợi nhuận một cách bất chấp. Đây chính là mục đích chính trị, ý nghĩa văn hóa của hoạt động kinh doanh, nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của giới công thương.
Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn chặt kinh tế với chính trị, với văn hóa và rất chú trọng vấn đề đạo đức của người kinh doanh. Nếu mỗi chủ doanh nghiệp thẩm thấu tư tưởng chủ đạo này thì sẽ không có các vụ tiêu cực như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… như vừa qua. Mỗi doanh nhân vì lợi nhuận cho mình nhưng phải quan tâm đến công nhân, người lao động và đóng góp vào lợi ích chung của xã hội, của đất nước.
* Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo: “Muốn xây dựng một lâu đài mới thì phải phá cái lều cũ ọp ẹp. Muốn xây dựng những tiến bộ mới trong nền kinh tế thì phải chống những cái cũ kỹ và lạc hậu”. Theo ông, quan điểm “vừa xây, vừa chống” có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày nay?
- Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch nước, lại có 10 năm làm Thủ tướng; những ngày đầu cách mạng thành công, Bác lại kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để lo công việc vừa nội trị vừa đối ngoại. Chính ở tầm vóc như thế, Người đặc biệt quan tâm đến mọi hoạt động của xã hội, trong đó có sản xuất, kinh doanh. Người có rất nhiều chuyến đi cơ sở, thăm các xí nghiệp, nhà máy, tiếp xúc với nhà buôn, chủ xí nghiệp và cả công nhân, người lao động. Bác vừa động viên, khen ngợi sự cố gắng của mỗi xí nghiệp, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm để kịp thời uốn nắn, sửa chữa.
Người đặc biệt chú trọng đến tư duy “vừa xây, vừa chống” trong quản lý kinh tế: xây những điều tích cực, hợp lý, chống lại những điều tiêu cực, lỗi thời, cản trở sự phát triển. Cuộc vận động “3 xây, 3 chống” mà Bác phát động, cụ thể là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Riêng khối doanh nghiệp nhà nước, Bác rất quan tâm đến chống quan liêu, lãng phí, tham ô; ra sức thực hành tiết kiệm, tiết kiệm cả nguyên vật liệu, sức lao động và thời gian sản xuất.
Trải qua hơn 3/4 thế kỷ nhưng những tư tưởng ấy của Người vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay khi chúng ta đẩy mạnh cải tiến quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế thế giới.
* Nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất (tháng 5/1956), Bác Hồ cho rằng, đoàn thể phụ nữ và cơ quan phụ trách cần chú ý dìu dắt, giúp đỡ hơn nữa để nhiều chị em có thể thay nam giới trong công việc buôn bán. Đây có thể xem là quan điểm bình đẳng giới của Người trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp không, thưa ông?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chủ trương bình đẳng nam nữ, Bác còn nhấn mạnh: “Không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”. Ngày 2/9/1945, Bác đã đích thân chọn 2 phụ nữ Việt Nam điển hình để kéo cờ giữa Quảng trường Ba Đình trong thời khắc Người đọc Tuyên ngôn độc lập.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo được mệnh danh là “Người kể chuyện Bác Hồ”, “Pho sử sống về Bác Hồ” vì đã dành hàng chục năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Theo Bác, người phụ nữ không chỉ đảm việc nhà mà còn phải giỏi việc nước; không chỉ làm nội trợ mà phải vươn ra xã hội, tham gia vào hoạt động kinh tế, chính trị. Bác còn có lời khuyên chân thành là phụ nữ phải tự tin, phải chủ động vươn lên để giành lấy quyền bình đẳng. Như vậy, cần tôn trọng, tin cậy, tạo mọi điều kiện cho phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế, để họ đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.
* Trong văn hóa doanh nghiệp thì văn hóa doanh nhân là hạt nhân. Theo ông, cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào để hình thành văn hóa trong mỗi người tham gia hoạt động kinh tế?
- Văn hóa là câu chuyện rất lớn, Bác từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người cũng đưa ra luận điểm rất quan trọng là văn hóa không đứng bên ngoài mà ở bên trong chính trị, kinh tế. Chính vì văn hóa ở bên trong kinh tế, cho nên phải xây dựng văn hóa kinh tế, văn hóa sản xuất, kinh doanh, cụ thể là văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân.
Muốn xây dựng văn hóa doanh nhân thì cốt lõi ở 3 yếu tố. Trước hết là đạo đức, đây là linh hồn của văn hóa, không có gì ngoài 4 chữ “cần, kiệm, liêm, chính”. Đây là 4 đức để làm người, doanh nhân muốn biểu hiện mình là một chủ thể của văn hóa thì phải học và hành cho được 4 chữ này của Bác.
Thứ hai, doanh nhân phải có học vấn và trình độ. Cái đức là gốc nhưng cái tài rất quan trọng. Muốn có tài thì phải có trình độ, làm chủ khoa học công nghệ. Như vậy, doanh nhân phải là tấm gương tiêu biểu của tinh thần tự học, học tập suốt đời. Chỉ khi không ngừng mở mang tri thức, có tầm hiểu biết rộng lớn thì mới ứng xử có văn hóa và giữ được đạo đức trong sạch.
Yếu tố thứ ba rất quan trọng, đó là chính trị. Người sản xuất, kinh doanh không được nghĩ thuần túy kinh doanh là để mưu sinh, kiếm lợi mà phải có ý thức chính trị, phát huy lòng yêu nước, ý thức dân tộc, chia sẻ trách nhiệm xã hội, hướng tới cộng đồng.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.