Doanh nhân nữ thoát vỏ ốc thành kiến

29/11/2022 - 11:13

PNO - Nhiều phụ nữ đang rụt rè bước ra khỏi vỏ ốc tự ti về giới để khởi nghiệp. Các chuyên gia khẳng định họ cần mạnh mẽ thoát khỏi chiếc vỏ đó, vượt qua các định kiến giới của xã hội và ngay cả trong chính họ.

Chiếc vỏ vô hình
Marina Tran-Vu - nữ doanh nhân sáng lập startup EQUO, người Canada gốc Việt - không khỏi bỡ ngỡ khi nhận thái độ thiếu tin tưởng từ đối tác vì ngoại hình trẻ đẹp của mình: “Đánh giá năng lực qua ngoại hình của phụ nữ khi ra ngoài làm kinh doanh xuất phát từ định kiến về giới. Tôi nhận thấy ở Việt Nam, nhiều người có suy nghĩ áp đặt rằng người đẹp thì không giỏi. Một nữ doanh nhân phải nhìn thật đạo mạo”.

“Những người đã từng đánh giá thấp tôi đã phải ngạc nhiên bởi cách tôi làm việc và cách tôi tạo ra thành quả. Tôi lại tạo thêm một cú sốc khác cho họ vì dám tự tin mạnh mẽ khi trình bày quan điểm, thay vì phải tỏ ra khiêm tốn đoan trang. Đã đến lúc họ cần hiểu rằng hình ảnh một nữ doanh nhân không đóng khung trong bất cứ ngoại hình lý tưởng nào. Phụ nữ cũng có quyền bày tỏ chính kiến”, Marina nói. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê vượt qua nỗi sợ, sự chán nản để đưa doanh nghiệp của mình đến thành công
Chị Nguyễn Thị Hồng Lê vượt qua nỗi sợ, sự chán nản để đưa doanh nghiệp của mình đến thành công

“Hiện có thực trạng phần lớn nhà đầu tư chỉ chọn rót vốn vào các doanh nghiệp có nam giới làm chủ hay cùng sáng lập, chỉ có 2,6% nữ sáng lập doanh nghiệp nhận được vốn rót”, Marina trích dẫn một nghiên cứu. Con số này phần nào nói lên sự bất bình đẳng giới trong kinh doanh. Thái độ thiếu bình đẳng trong xã hội đã không làm nữ doanh nhân gốc Việt Marina chùn bước. Trong lớp khai vấn tâm lý của chương trình Phụ nữ hợp tác kiến tạo tương lai của dự án Co4Growth thuộc Startup Vietnam Foundation (SVF), những doanh nhân nữ đang thoát dần chiếc vỏ ốc vô hình này. 

Nữ kiến trúc sư Phạm Thị Phương Thanh thì cứ chần chừ mãi chưa dám mở công ty chỉ vì còn độc thân. Chị để ước mơ của mình trôi dài, mỗi ngày chị đều chờ đến tối để lên các diễn đàn thiết kế thủ công trang trí nhà cửa giao lưu. Người đầu tiên đặt hàng thiết kế trang trí của chị là một chủ homestay ở Sa Pa. Tiếp theo đó là những đơn hàng liên tiếp nhưng chị vẫn chưa tự tin nên không dám nhận. Đến năm 2020, công việc trên thành phố không suôn sẻ, chị mới quyết định về quê ở Huế, túc tắc làm theo đơn đặt hàng nhiều hơn. Phải đến khi gia đình và bạn bè ai nấy đều thúc giục chị mở Doanh nghiệp tư nhân Toong Macrame.

Trong lớp khai vấn tâm lý của chương trình Phụ nữ hợp tác Kiến tạo tương lai, Phương Thanh phá vỡ được sự tự ti dù chỉ là từng bước nhỏ. Chị dần mạnh dạn áp dụng những kiến thức kinh doanh được học trong lớp khác tại Phụ nữ hợp tác Kiến tạo tương lai. Giờ chị đã mạnh dạn làm tiếp thị sản phẩm cho mình ở những chương trình lớn như đi thi khởi nghiệp. Đứng trước sân khấu lớn trình bày từng là nỗi ám ảnh về tâm lý của người rụt rè như chị, bây giờ chỉ còn là một thử thách chị dấn thân.

Thuyết phục chồng, vượt nỗi sợ của bản thân

Chị Phạm Thị Duy Mỹ - nữ dược sĩ, cũng là chủ hộ kinh doanh Ngũ cốc Duy Anh - luôn muốn cải thiện thu nhập cho gia đình nên hằng ngày đều nhỏ to với chồng để mở bán bột ngũ cốc. Chồng chị vẫn luôn nói không nhưng chị quyết tâm làm. Lần đầu tiên làm bột ngũ cốc, mồ hôi chị chảy đầm đìa, bột bay tung tóe trong căn nhà mái tôn. Chị nhớ lại: “Cả hai vợ chồng đều trắng xóa, nhìn anh mình lại thương hơn. Anh cũng không muốn vợ quá vất vả và không tin mình làm nổi. Mình muốn nói chuyện để chồng thật sự an tâm mà cũng không biết nói như thế nào”.

Quyết tâm cùng với sự nhẹ nhàng, chị Phạm Thị Duy Mỹ đã thuyết phục chồng đồng hành cùng mình trong việc kinh doanh
Quyết tâm cùng với sự nhẹ nhàng, chị Phạm Thị Duy Mỹ đã thuyết phục chồng đồng hành cùng mình trong việc kinh doanh

Lần căng thẳng nhất giữa hai vợ chồng là lúc ngũ cốc bắt đầu có khách hàng nên chị muốn khuếch trương lên thành cơ sở nhưng không được chồng đồng ý. Đem chuyện tâm sự trong lớp tham vấn tâm lý, chị về làm theo lời khuyên, về nhà tìm niềm tin của ông xã. Chị tìm cách trò chuyện cởi mở với anh về ước mơ được xây nhà khang trang, con lớn lên rồi không phải ở trong căn nhà mái tôn nóng bức nữa. Lần này, ý tưởng và sự bình tĩnh nhẹ nhàng của chị đã thuyết phục được anh.

“Thuyết phục được chồng là chiến thắng lớn nhất đối với người phụ nữ Quảng Nam như tôi. Dù bên ngoài giỏi giang như thế nào nhưng mối quan tâm lớn nhất của tôi vẫn là gia đình. Gia đình không hạnh phúc thì cũng là không thành công nên tôi phải giữ gìn. Bây giờ mỗi khi tôi đi các tỉnh giới thiệu cho cơ sở Duy Oanh, một tay chồng tôi chăm sóc con cái mà anh không buồn nên tôi thêm động lực phát triển kinh doanh”.

Với chị Nguyễn Thị Hồng Lê - ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam - chị đã lần thứ hai muốn buông xuôi cơ sở Quế Trà My của mình. Lần trước, xót tiền vốn bỏ ra nên chị cứ tiếp tục làm. Đến khi quy mô cơ sở lớn hơn, chị quay cuồng với quản lý nhân sự, tài chính, sản xuất, marketing, bán hàng…, chị lại muốn buông lần nữa.

Chị Phạm Thị Phương Thanh đang rất tự tin với Doanh nghiệp tư nhân Toong Macrame của mình
Chị Phạm Thị Phương Thanh đang rất tự tin với Doanh nghiệp tư nhân Toong Macrame của mình

Sau buổi học ở lớp khai vấn tâm lý của chương trình Phụ nữ hợp tác Kiến tạo tương lai, chị Hồng Lê mới hiểu được khó khăn phần nhiều đến từ tâm lý. Đáng lẽ phải tìm hiểu về những việc xoay quanh công việc kinh doanh của mình thì chị chỉ thấy trở ngại. Đơn cử, vì không hiểu gì về tâm lý khách hàng nên chị đánh đồng tất cả đều giống nhau. Chị cũng tự ti không dám bán giá cao cho sản phẩm cao cấp nên cuối cùng phải trầy trật cạnh tranh với vô vàn sản phẩm trôi nổi. Được trang bị kiến thức, được lớp học truyền cảm hứng, chị mạnh dạn cho ra dòng sản phẩm tinh dầu vỏ quế cao cấp, hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp. Thành công đối với chị là chiến thắng nỗi sợ của bản thân làm mình nhỏ bé hơn trước những khó khăn. 

Đừng “tự gồng” trước nam giới

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Phi Yên - học và làm việc tại một phòng khám ở Pháp trong hơn 10 năm - chia sẻ kinh nghiệm tại lớp Phụ nữ hợp tác Kiến tạo tương lai: “Mình đã trải qua tuổi 30 cũng nhiều thăng trầm và cũng phải học cách cân bằng tâm hồn. Vì vậy, tôi rất hiểu và thông cảm cho chị em doanh nhân. Hãy nuông chiều mình một tí, muốn buồn thì cứ buồn, nhưng hãy cho mình hạn mốc để quay lại thực tại. Và đừng quên động viên mình từ những thành tích mình đã đạt. Phụ nữ mình biết chăm sóc bản thân là mình đẹp rồi, đẹp từ trong ra ngoài đấy”.

Phụ nữ Việt Nam vẫn được tôn trọng quyền tự do hơn một số nước trong châu Á, nhưng vẫn còn nhiều thiệt thòi. Sinh nở rồi chăm lo con cái đang thuộc về nữ giới nên nếu bận rộn làm việc thì chính họ cũng phân vân trong lòng, khó toàn tâm toàn ý với công việc. Tâm lý này gây ra cảm giác họ phải hy sinh nhiều thứ. Nếu chưa lập gia đình thì họ băn khoăn có nên dấn thân vào sự nghiệp, lỡ bỏ mất cơ hội lấy chồng sinh con cho đúng độ tuổi thì sao, hoặc bị ám ảnh bởi suy nghĩ có chồng hay có sự nghiệp. Ai đã lập gia đình thì không tin rằng mình may mắn có cả hai. 

Dù là nam hay nữ, trong xã hội vẫn có thành kiến, theo nghiên cứu được gọi là “Chứng ghét phụ nữ”, bà Vũ Phi Yên chia sẻ. Thành kiến đã bắt rễ sâu mà không xóa bỏ nên phụ nữ vẫn bị quy kết là cảm tính hơn, không sáng suốt bằng, hay hờn dỗi, không biết tính toán lợi hại. Phụ nữ cũng tự nhận những điểm yếu này về mình dù rất nhiều trường hợp được các nhà chuyên môn kiểm tra đều không có những đặc điểm này. 

Vì thế mà không hiếm trường hợp phụ nữ “tự gồng” khi đối mặt với nam giới, đôi khi là rào cản tiến đến vị trí lãnh đạo. Có khi là thuyết trình trước đám đông nam giới, họ tự gồng bằng cách trang điểm và ăn mặc quá thiên về nữ tính, hoặc nghiêng đầu khi nói chuyện - một tư thế mà nghiên cứu ngôn ngữ hình thể nhận định là bày tỏ sự yếu đuối và quá tin cậy đối phương - là lộ rõ gót chân Achilles. Khi giới nữ ăn mặc cá tính quá hay thoải mái quá thì lại va phải những ánh mắt mang màu bất bình đẳng về giới. Bà Vũ Phi Yên gợi ý thêm rằng trang phục và ngôn ngữ hình thể của các doanh nhân truyền thống cũng là vũ khí trong những cuộc thương lượng trong thương trường mà phụ nữ có thể chủ động sử dụng để rút ngắn quãng đường chiếm niềm tin 
đối tác. 

Việc chúng tôi đang làm là xóa bỏ cảm giác có lỗi với người nhà mỗi khi nữ doanh nhân phải làm việc bên ngoài nhiều, xóa bỏ mặc cảm giới tính để mỗi khi thất bại lại tự mình và mọi người xung quanh lấy giới tính ra trách móc. Chúng tôi giúp họ tách rời công việc để không mang khó khăn khi về nhà. Thay vào đó, họ cùng trò chuyện để gia đình có thể đồng cảm với mình để nhà là tổ ấm mình có cảm giác thoải mái nghỉ ngơi, phục hồi sau một ngày mệt mỏi.

Vũ Phi Yên

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI