Doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Nếu không làm, sau này sẽ muộn

28/05/2018 - 06:00

PNO - Phút trải lòng của giám đốc chuỗi nhà hàng Khoái hẳn sẽ khiến chúng ta ngộ ra được nhiều điều và thêm can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn, bắt đầu lại với điều trái tim mình mách bảo.

“Nếu không bắt đầu một việc gì đó mà mình muốn thì sau này có thể sẽ muộn. Ở tuổi 34, nếu thất bại, tôi vẫn còn sức trẻ để làm lại từ đầu…” - phút trải lòng của doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Giám đốc chuỗi nhà hàng Khoái - hẳn sẽ khiến chúng ta ngộ ra được nhiều điều và thêm can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn, bắt đầu lại với điều trái tim mình mách bảo.

Doanh nhan Nguyen Thi Ngoc Diep: Neu khong lam, sau nay se muon
 

Thất bại sẽ làm lại từ đầu

Tốt nghiệp đại học ngành marketing, sau vài năm đi làm, tôi đã có vị trí tương đối cao trong một tập đoàn đa quốc gia. Thế nhưng sau nhiều năm làm việc, tôi vẫn không thỏa mãn về những gì mình có. Tôi nhận ra mình có rất nhiều ý tưởng và muốn được tự do thể hiện vào công việc của riêng mình. Tôi còn là người có chút máu liều, không ngại khó và luôn muốn thử xem sức mình tới đâu. Mong muốn khởi nghiệp nung nấu trong tôi, dù tôi biết đó là việc không hề đơn giản.

34 tuổi, nếu không bắt đầu một việc gì đó mà mình muốn thì sau này có thể sẽ muộn. Ở tuổi 34, nếu thất bại, tôi vẫn còn sức trẻ để làm lại từ đầu. Nếu chần chừ cho đến 40, tôi sẽ ngại, sẽ lười, sợ sệt. Hiểu khát vọng của tôi, chồng tôi bảo: em cứ làm việc gì mình muốn. Anh có khả năng làm việc nuôi em mà. 

Có ý muốn, có hậu phương vững chắc làm đường… lui binh nhưng tôi cũng phải đấu tranh nội tâm lắm mới có thể quyết định. Đang làm việc cho một công ty đa quốc gia, đi công tác thì ở khách sạn năm sao, lương tính bằng USD, tết còn có thưởng, có lương tháng 13, ra làm riêng điều kiện sẽ không được như vậy, phải chắt bóp chi tiêu, lễ, tết phải thưởng cho nhân viên… - tất cả những chi tiết đó cũng được bày ra để suy nghĩ cân nhắc. Tôi định cứ bước ra làm riêng, trong vòng 1 năm đến 1 năm rưỡi mà không thành công thì sẽ… tính lại.

Doanh nhan Nguyen Thi Ngoc Diep: Neu khong lam, sau nay se muon
Ảnh minh họa

Quyết định bước ra khỏi vùng an toàn rồi thì lại phân vân: chọn con đường nào đây? Tôi vốn mê thời trang và rất muốn làm về ngành này. Nhưng thời điểm đó khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, ngành thời trang cũng bị ảnh hưởng sâu sắc, nên tôi quyết định đi vào ẩm thực. Tôi thích thưởng thức món ăn ngon, thích bài trí không gian đẹp, thích giao tiếp với mọi người và nhà hàng thỏa mãn cho những đam mê đó. 

Học để khởi nghiệp

Nhiều người khi đang trong vùng an toàn sẽ chọn cách làm chân trong chân ngoài ở hai bên để nếu thấy khó thì rút lui. Tôi lại cài bản thân vào thế không có đường lùi, nghĩa là quyết định nghỉ hẳn việc để có thể tập trung toàn bộ sức lực, ý chí, tinh thần vào niềm đam mê mới. Tôi bắt đầu con đường khởi nghiệp bằng việc ghi danh các khóa học quản trị doanh nghiệp, học cách tư duy mới. Tôi học từ sách vở của những người có nhiều kinh nghiệm hơn mình, học từ những người xung quanh, tham gia vào cộng đồng doanh nhân, tiếp xúc và học hỏi. Tôi học từ những người dân có liên quan đến công việc của mình, vào bếp của họ xem cách họ chế biến một món ăn, ra biển học ngư dân cách bảo quản cá tôm tươi ngon… Tôi học mọi lúc, mọi nơi. Những kiến thức học được giúp tôi tự tin và trưởng thành. 

Doanh nhan Nguyen Thi Ngoc Diep: Neu khong lam, sau nay se muon
Ảnh minh họa

Tháng 5/2010 nghỉ làm ở tập đoàn đa quốc gia, tháng 12 tôi ra mắt nhà hàng Khoái đầu tiên. Vừa làm, tôi vừa tiếp tục học, vừa quan sát xem mình yếu ở đâu để sửa. Đến nay tôi đã có 3 nhà hàng Khoái. Điều quan trọng là nhìn lại mình của 7 năm trước, tôi thấy mình khác nhiều, trưởng thành, tin vào bản thân hơn và cảm thấy hạnh phúc vì đã vượt lên chính mình.

Thúy Trâm (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI