Doanh nhân Loan Trần: Những khúc quanh trên hành trình hạnh phúc

08/02/2024 - 09:00

PNO - Chị hay nhắc về sự biết ơn, chị biết ơn cả những nỗi khát khao có quần áo mới, bởi chính điều ấy đã đưa cô gái nhỏ miệt ruộng đến với thời trang - một thế giới vốn xa vời.

Nắm rồi buông là chuyện không dễ. Nhưng chị đã vài lần phải làm việc đó, để tìm hạnh phúc trên con đường thời trang. Chị nói chị mê phụ nữ, hiểu những vất vả mà họ phải đối diện, cả về thể chất, lẫn tinh thần. Điều đó thôi thúc chị mang niềm vui đến cho phụ nữ.

Hơi nước mù mịt bốc lên từ những chiếc bàn ủi, những cánh tay thợ thoăn thoắt trên bàn ủi, bàn cắt; xe hàng liên tục vào ra… trong không khí tất bật của mùa làm hàng cuối năm tại Công ty Phi Loan (quận 12, TPHCM). Từ xưởng may này, các sản phẩm thời trang sẽ có mặt trong những cửa hàng sang trọng rồi xuống phố trong ngày xuân rộn ràng.

Nhiều năm qua, mùa làm hàng tết tại Công ty Phi Loan luôn sôi động như vậy. Đây là kết quả những chuỗi ngày “đi tìm hạnh phúc” của người phụ nữ quê Cần Thơ. Giọng nói hào sảng của chị vẫn phảng phất chất đồng nội, nơi chị lớn lên. Đó là một vùng quê miền Tây nghèo, nhìn đâu cũng chỉ thấy ruộng đồng. Gia đình chị không tới mức thiếu ăn, nhưng suốt chục năm, mái ấm nhỏ không thể có những cái tết trọn vẹn. Ông nội bệnh, cha mẹ chị phải dồn sức chăm sóc. Quần áo ngày tết của chị và những đứa em là đồ cũ xin lại từ người khác và mẹ chị “hô biến” thành quần áo “mới”.

Năm lớp Bốn, bạn đến rủ chị lên huyện chơi vào chiều mùng Một tết. Cha mẹ chị từ chối khéo, dặn các bé sáng hôm sau quay lại. Chiều ấy, trên con đường nhỏ, cha đèo mẹ chị trên chiếc xe đạp, họ cùng nhau sang đò, lên huyện, dùng số tiền dành dụm ít ỏi sắm chiếc đầm để con mặc đi chơi tết cho bằng bạn bằng bè. Kể chuyện cũ, chị bồi hồi, đỏ hoe mắt…

Năm học lớp Chín, chị được thưởng 150.000 đồng nhờ kết quả kỳ thi học sinh giỏi môn hóa. Dùng 50.000 đồng chị tặng cha mẹ, số còn lại chị trích ra để mua chiếc áo yêu thích. “Tôi biết ơn hoàn cảnh khó khăn đã khiến tôi biết vươn lên” - chị hay nhắc về sự biết ơn, chị biết ơn cả những nỗi khát khao có quần áo mới, bởi chính điều ấy đã đưa cô gái nhỏ miệt ruộng đến với thời trang - một thế giới vốn xa vời.

Cuộc dấn thân hình sin

Phóng viên: Những đứa trẻ lớn lên ở miền quê đều được nghe về Sài Gòn, nơi chốn của những cơ hội đổi đời, nhưng không phải ai cũng chọn ra đi. Chị đã đến Sài Gòn như thế nào?

Doanh nhân Loan Trần: Khi thi đậu vào Trường đại học Kinh tế TPHCM, mẹ nói với tôi: “Cha mẹ rất hãnh diện vì kết quả của con, nhưng thật buồn vì không thể lo tiền cho con ăn học”. Thật ra, tôi đã biết trước điều kiện gia đình, nhưng tôi vẫn quyết tâm lên Sài Gòn. Tôi đi làm thêm để trang trải các chi phí. Có thời điểm thấy tôi quá vất vả, mẹ đã khuyên tôi về quê, nhưng tôi nói không.

Đời cha mẹ tôi quá cực khổ, nếu không cố gắng để giúp gia đình thì tôi nghĩ mình không tròn chữ hiếu. Khi là sinh viên, tôi xin làm nhân viên bán hàng cho cửa hàng thời trang Ninomaxx, rồi trở thành nhân viên thu ngân, thành người quản lý cửa hàng. Tôi không giỏi, nhưng được đánh giá là một nhân sự cần cù. Khi tốt nghiệp đại học, tôi đã làm quản lý cho 2 cửa tiệm thời trang. 4 năm làm thêm đó, tình yêu thời trang trong tôi càng mãnh liệt hơn.

Học xong, tôi làm quản lý cho một thương hiệu thời trang trong 3 năm. Sau đó tôi kết hôn. Tôi đã hiểu thời trang, nhưng không có khiếu kinh doanh, còn ông xã tôi thì ngược lại. Vợ chồng tôi khởi nghiệp bằng một cửa hiệu chuyên nhập quần áo từ chợ An Đông (quận 5, TPHCM). Tôi phụ trách phần bán hàng, chồng tôi trông xe. Sau 2 năm, cửa hàng cho lợi nhuận rất tốt, nhưng tôi vẫn không thấy hạnh phúc vì chưa tạo được dấu ấn riêng. Tôi luôn nghĩ: “Loan, không được dừng lại ở đây”, sau đó tôi đề nghị chồng mở xưởng may.

* Bán hàng là bề nổi còn sản xuất là phần chìm của tảng băng với nhiều vấn đề về kỹ thuật, nhân sự, nguyên liệu… Chị có thấy mình liều?

- Thứ tôi có khi ấy duy nhất là niềm tin. Gia đình tôi từng sống bằng nghề nông. Vì thế tôi nhớ lời dạy của cha: “Cứ gieo trồng, có ngày sẽ nhận được thành quả”. Năm 2010, chúng tôi thuê mặt bằng tại Hóc Môn (TPHCM) để mở xưởng may chỉ với vài nhân công. Suốt 1 năm, tôi gặp gỡ nhiều người và cũng phải trả giá vài lần. Có người có nghề, có tâm và cũng có người không như thế. Tuy nhiên đó là lộ trình phải đi, không thể “đốt giai đoạn”. Những vấp ngã thời trẻ đứng lên dễ hơn rất nhiều khi đã có tuổi.

“Làm việc có lợi cho cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Nhưng của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cho đi giá trị làm nghề cho các nhân sự. Tôi không muốn họ cứ làm công cho chúng tôi, mà phải càng giỏi hơn, có thể có sự nghiệp kinh doanh riêng, như chúng tôi đã từng nỗ lực”.

Doanh nhân Loan Trần

Thời gian đầu, chúng tôi sản xuất và tự bán sản phẩm. Nhưng hàng chúng tôi sản xuất không đẹp như hàng nhập từ chợ An Đông. Lời chê nào chúng tôi cũng ghi nhận để cải tiến kỹ thuật cắt may. 3 năm chật vật, xưởng của tôi gần như không có lợi nhuận.

* Nhà sản xuất luôn phải “săn” từng cơ hội, ngoài vấn đề kỹ thuật, vượt qua trở ngại tâm lý cũng là điều hết sức quan trọng?

- Tôi sẵn sàng bỏ lại những thứ đã đạt được, để bắt đầu cái mới. Tôi thích “chiến đấu” với chính mình. Môi trường chợ dạy tôi cách thích nghi với thị trường, cho tôi những bí quyết để cải tiến sản phẩm. Có thời điểm, tiểu thương liên tục chê sản phẩm xấu, bán không được… khiến tôi rất áp lực, nhưng tôi vẫn vui vẻ đáp: “Dạ, chị bán không được thì em xin nhận về”.

Đến năm thứ tư, qua nhiều lần cải tiến kỹ thuật, sản phẩm của chúng tôi được đón nhận. Ngoài giao hàng cho chợ, chúng tôi sản xuất cho một số thương hiệu thời trang trẻ khá nổi trên thị trường. Lúc đó, chúng tôi nâng tốc độ sản xuất để kiếm tiền nhiều nhất có thể. Tôi nghĩ mình đã dần dần làm chủ được thị trường, nhưng tôi vẫn hiểu tôi làm vì những con số, chứ không còn vì hạnh phúc của bản thân. Tôi không chú tâm đến “hồn” của sản phẩm; cảm giác của người mua… Đó là thời điểm năm 2015, công việc kinh doanh vẫn tốt, nhưng tinh thần tôi thì không.

* Một lần nữa chị lại buông?

- Đúng thế. Tôi và ông xã mua đất, xây xưởng may mới. Chúng tôi muốn góp sức để nâng cao chất lượng thời trang Việt. Tôi tự tin mình có nhiều kinh nghiệm để tránh các sai sót trước đây.
Nhờ tuyển được nhân sự lành nghề và có tư duy, sản phẩm của xưởng làm ra ngày một tốt hơn. 3 năm đầu chúng tôi vẫn chưa có lợi nhuận, nhưng cũng may không lỗ. Tôi khuyên mọi người kiên trì, giữ vững tiêu chí đề ra. Bởi tôi chính là minh chứng cho việc bước đi nhưng không có khát vọng rõ ràng thì sẽ gãy đổ. Mỗi sản phẩm, người làm ra chúng cần đặt vào đó tình cảm, năng lượng tích cực, để người mua thấy họ đang được lắng nghe, quan tâm.

Thời điểm này, khách hàng cũ và một điểm phân phối hàng tại chợ An Đông là những đầu ra sản phẩm. Sau đó họ truyền tai nhau và số khách hàng tăng lên. Hiện tại, chúng tôi sản xuất cho 12 thương hiệu thời trang trong nước. Sản phẩm của chúng tôi cũng đã đến Mỹ, Singapore, Thái Lan… Trong đó, có những thương hiệu chúng tôi đã cung cấp hàng liên tục 5 năm, giúp doanh số bán hàng của họ tăng đáng kể.

Sông sâu tĩnh lặng và ước mơ ra biển

* Vài năm gần đây, thị trường thời trang nội địa Việt phát triển khá mạnh. Nhưng chị chọn đứng sau để nhìn người khác tỏa sáng. Chị có thể chia sẻ lý do không?

- Đứng ở đâu không quan trọng bằng việc bạn làm được gì. Sông sâu thì tĩnh lặng. Điều quan trọng là tôi đang hạnh phúc với việc mình làm. Khi đối tác thành công thì lợi nhuận, những mối quan hệ mới cũng đến với chúng tôi. Đó là chiến lược “marketing nhưng không marketing”.

Sau dịch COVID-19, kinh tế suy thoái song doanh thu của chúng tôi tăng. Điều đó cho thấy thị trường thời trang nội địa Việt Nam đang phát triển. Kinh tế khó khăn khiến mọi người chi tiêu tiết kiệm hơn, nhưng đòi hỏi về chất lượng sản phẩm. Cuộc chơi này khó, nhưng thú vị, thử thách khả năng và sự thích nghi.

* Một thời gian dài khi nhắc đến thời trang nội địa, người tiêu dùng luôn e ngại về chất lượng. Điều này đã thay đổi nhiều chưa, thưa chị?

- Vài năm trước, khi đến các hội chợ thương mại, triển lãm ở nước ngoài, chúng tôi giới thiệu hàng Việt, không nhiều người tò mò. Nhưng hiện tại, họ thích thú vì biết thời trang Việt đang phát triển. Một đối tác lớn tại Singapore nói rằng khách hàng rất thích sản phẩm từ Việt Nam vì kiểu dáng đẹp, giá tốt. Tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan… chúng tôi cũng có những phản hồi tương tự.

Người Việt rất khéo léo trong kỹ thuật sản xuất, nhưng thiếu sự kiên trì, nhẫn nại. Cơ hội cho sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế rất nhiều, quan trọng vẫn là đường đi và yếu tố con người vẫn là tiên quyết. Khi làm việc với các thương hiệu, chúng tôi được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ Việt Nam giỏi giang, có tư duy tiến bộ. Họ luôn biết tạo ra câu chuyện cho sản phẩm, mong muốn làm đẹp, tôn vinh phụ nữ. Với “tài nguyên” này, tôi tin thời trang nội địa sẽ còn vươn rất xa.

* Chất liệu nhập khẩu từng “thống trị” thị trường thời trang Việt. Vậy chất liệu “made in Vietnam” hiện có thể cạnh tranh trên sân nhà hay chưa?

- 2 năm trước, chúng tôi sử dụng 70% vải nhập khẩu, 30% vải trong nước. Hiện tại tỉ lệ này là 50% - 50%. Vải sản xuất trong nước hiện đã cải tiến nhiều, tăng tính đàn hồi, màu sắc đẹp hơn, giá cạnh tranh hơn...

Chúng tôi ưu tiên dùng vải cotton Việt Nam vì được dệt bền chắc, độ đàn hồi tốt, tuy nhiên màu sắc vải Việt chưa thu hút, cần khắc phục điểm này. Với mặt hàng lụa truyền thống, nguồn hàng Việt Nam vẫn là số một, điểm trừ duy nhất là giá cao, khó phát triển rộng.

Doanh nhân Loan Trần và ông xã luôn kề vai sát cánh bên nhau từ những ngày đầu gian khó
Doanh nhân Loan Trần và ông xã luôn kề vai sát cánh bên nhau từ những ngày đầu gian khó

Khi ra nước ngoài, chứng kiến sự tiến bộ trong sản xuất chất liệu, chúng tôi ghi chép, mang về chia sẻ với các đối tác trong nước. Đó là cách chúng ta cùng nhau đi lên. Ở những thị trường may mặc lớn, máy móc thay thế con người trong rất nhiều công đoạn sản xuất chất liệu, nên giá thành thấp. Còn ở Việt Nam thì ngược lại. Chúng ta cần thêm thời gian để khắc phục những điểm chưa mạnh.

* Thế giới đang đương đầu với cơn lốc thời trang nhanh. Chị có nghĩ mỗi nhà sản xuất đều cần thay đổi để sản phẩm thân thiện hơn với môi trường?

- Hiện tại, chúng tôi sử dụng nhiều chất liệu có nguồn gốc từ sợi tự nhiên, dễ phân hủy. Việc tạo ra những thiết kế có thể ứng dụng ở nhiều hoàn cảnh, qua thời gian dài cũng là một hướng. Tuy nhiên, chất liệu thân thiện môi trường ra đời, thường có giá thành cao. Vì thế, nếu có thể tìm ra công nghệ giúp giá thành của vải giảm, sẽ tạo ra hướng đi tốt hơn nữa cho thời trang. Nhưng để hướng đến thời trang xanh toàn diện, còn phụ thuộc thói quen của người tiêu dùng…

* Trong xu thế phát triển của thời trang nội địa, con đường chị đi chắc chắn sẽ còn dài với nhiều mục tiêu?

- Trong giai đoạn 2024-2025, chúng tôi đặt mục tiêu tạo một thương hiệu thời trang Việt, xuất hiện ở nhiều trung tâm thương mại. Các thương hiệu thời trang bình dân thế giới từ bên ngoài có thể bước vào thị trường Việt, tại sao chúng tôi không có quyền ước mơ như thế?

Tôi nghĩ, nếu mình hiểu nhu cầu, lắng nghe khách hàng thì khách sẽ tìm đến với mình. Tôi mê phụ nữ, tôi hiểu những vất vả mà họ phải đối diện, cả về thể chất, lẫn tinh thần. Điều đó thôi thúc tôi mang niềm vui đến cho phụ nữ.

Hãy hành động

* Thương trường là chốn khắc nghiệt, chị có gặp trở ngại vì mình là phái yếu hay không?

- Tôi nghĩ phụ nữ kinh doanh có nhiều lợi thế. Đơn cử như cảm giác bình an, ai cũng biết đó là điều rất quan trọng và phụ nữ thì giỏi mang đến cảm giác này. Về năng lực, tôi cho rằng đàn ông và phụ nữ ngang nhau. Đàn ông khi ngồi lại sẵn sàng chia sẻ, học hỏi, ngưỡng mộ lẫn nhau, nhưng phụ nữ ít như thế. Nếu vượt qua được giới hạn này, phụ nữ sẽ càng phát triển.

Ngoài ra, niềm tin vào bản thân hết sức quan trọng. Không nên nghĩ mình yếu đuối, nhưng trong một số hoàn cảnh cũng không cần che giấu điều này. Kiên trì, kỷ luật và luôn hướng về phía trước là 3 điều tôi đề cao. Rèn luyện sức bền ngày càng tốt thì khó có điều gì có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

* Làm việc trong ngành thời trang, chị đã và đang chăm chút ngoại hình của rất nhiều phụ nữ. Nếu nhận xét về vẻ đẹp của phụ nữ hiện đại, chị sẽ nói gì?

“Bận rộn mấy nhưng gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cân bằng trong ngoài để tạo nên sự phát triển bền vững”.

Doanh nhân Loan Trần

- Với tôi, vẻ đẹp của phụ nữ không chỉ hình thức bên ngoài, mà còn gồm sự tự tin, biết yêu thương, thấu hiểu chính mình, dám đối diện những tổn thương để chữa lành. Khi bạn là một bông hoa đẹp thì tự khắc mọi người sẽ ngắm nhìn. Gia đình cũng là bệ đỡ vững chắc để tạo ra vẻ đẹp đó. Khi các thành viên gia đình có sự kết nối sâu thì sẽ tạo một môi trường tốt để vợ, chồng, con cái đều phát triển. Mỗi người cần biết nói cảm ơn những thành viên còn lại vì mang đến cuộc sống tốt đẹp cho mình.

Tôi hay tập yoga, đọc sách, tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhất, tôi cũng luôn nói lời biết ơn… Có lẽ vì thế mà sự tích cực luôn hiện diện trong tôi.

* Nếu chọn một giá trị sống làm kim chỉ nam cuộc đời, chị chọn điều gì?

- Sự chân thật với bản thân. Bởi chỉ khi chân thật với chính mình, chúng ta mới chân thật được với gia đình, khách hàng, nhân sự… của mình. Có thể, trong một cảnh nào đó ta phải chịu thiệt, nhưng sau đó cuộc đời sẽ cho bạn những điều quý giá hơn rất nhiều.

* Xin cảm ơn chị.

Thành Lâm (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Mai lê 02-07-2024 09:27:03

    Bài viết rất hay nhiều cung bật cảm xúc, phu nữ, niềm đam mê sự vượt khó su tự tin su biết ơn và yêu cái đẹp yêu nghề đã làm nên một doanh nhân tài giỏi như hôm nay

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI