Chữ hiếu - gốc rễ cho mọi thành công
Bước chân vào phòng làm việc của ông Lê Viết Hải, điều đầu tiên đập vào mắt tôi không phải là những bức ảnh ghi dấu thành tựu hay khoảnh khắc chụp cùng lãnh đạo cấp cao mà là 2 tấm ảnh chân dung của cụ ông Lê Mộng Đào và cụ bà Trần Thị Tuyết - ba mẹ ông - được treo ngay ngắn nơi trang trọng nhất. Trong không gian hiện đại của một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam, hình ảnh ấy như một nhịp cầu nối liền truyền thống gia đình với sự phát triển của doanh nghiệp.
 |
Ông Lê Viết Hải (ngồi, bìa phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình khi ba mẹ ông còn sống - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tôi hỏi ông Hải vì sao lại lựa chọn đặt hình ba mẹ tại vị trí đặc biệt này, ông mỉm cười: “Chữ hiếu không đơn thuần chỉ là chăm sóc cha mẹ. Đó còn là việc noi gương cách ứng xử của ba mẹ. Tôi luôn nhắc mình mọi hành động đều xứng đáng với giá trị ba mẹ đã dạy dỗ”.
Cụ ông Lê Mộng Đào luôn đặt đạo đức lên trên vật chất. Ông nói với các con: danh dự quý hơn tiền bạc. Còn cụ bà Trần Thị Tuyết, với tấm lòng bao dung, thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn, dù gia đình không dư dả.
“Ba mẹ tôi không chỉ dạy chúng tôi bằng lời nói mà bằng chính cách sống. Ba tôi làm mọi việc bằng cả tâm huyết và không bao giờ nản lòng, còn mẹ tôi luôn kiên định và hy sinh tất cả vì gia đình” - ông Hải chia sẻ.
Ông Hải kể, cha ông mất trên tay ông. Đó là ký ức ông mãi không bao giờ quên. Cụ ra đi nhẹ nhàng, mãn nguyện vì đã chứng kiến con cháu sống hòa thuận, thành đạt và biết giữ gìn nền nếp gia đình. Nỗi nhớ cha đã thôi thúc ông Hải viết nên bài hát Ru cha - người đã sống cả đời hy sinh thầm lặng nhưng để lại trong ông cả một di sản yêu thương lớn lao.
Ru ba một giấc cho tròn. Ba ơi cứ nhẹ mà lên non.
Thương ba xa cách muôn trùng.
Con nguyện vọng nguyện lòng con thảo sắt son.
Trọn đời cung kính mẹ hiền.
Ba ơi cứ nghỉ cho yên.
Với bạn đời đã đồng hành 40 năm, từ thuở lập nghiệp, ông Hải không giấu được sự day dứt khi thừa nhận đã quá mải mê công việc, để vợ đảm đương trọng trách chăm sóc gia đình. Tình yêu và sự cảm kích ấy được ông gửi gắm qua những hành động giản dị mà ý nghĩa, như món quà kỷ niệm 40 năm ngày cưới - một video ngắn ông tự tay chuẩn bị, như lời cảm ơn chân thành cho những hy sinh thầm lặng của vợ suốt bao năm qua.
Đối với các con, ông Hải không chỉ là một người cha yêu thương mà còn là một người thầy đầy trách nhiệm. Hiện các con ông đều làm cho Tập đoàn Hòa Bình. Sau thời gian học tập ở nước ngoài, Lê Viết Hiếu - con trai thứ hai của ông - về nước làm việc trong một ngân hàng Hàn Quốc, sau đó quay về tập đoàn, đầu quân cho cha. Hiện Hiếu giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Ông Hải hiểu rằng, hơn cả việc kế thừa, con trai cần thấm nhuần giá trị cốt lõi của gia đình, doanh nghiệp, để không chỉ nối tiếp mà còn phát triển mạnh mẽ di sản ông đã dày công xây dựng.
Lan tỏa chữ hiếu
Với ông Hải, đạo hiếu không chỉ dừng lại trong gia đình mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Doanh nhân là người đứng đầu doanh nghiệp, nếu người đứng đầu bất hiếu, sẽ là tấm gương xấu cho nhân viên. Chữ hiếu không chỉ quan trọng với gia đình mà còn là nền tảng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phát triển bền vững phải được dẫn dắt bởi người lãnh đạo sống hiếu nghĩa, có đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Tại Tập đoàn Hòa Bình, chữ hiếu được lồng ghép vào các giá trị cốt lõi. “Chúng ta không thể nói về hiếu mà chỉ dừng lại ở lời nói. Hiếu phải được thể hiện qua hành động. Tôi coi mỗi nhân viên trong tập đoàn như một thành viên trong gia đình lớn. Tôi muốn họ cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ và cùng nhau xây dựng một nền tảng đạo đức vững chắc” - ông Hải khẳng định.
 |
Ông Lê Viết Hải trao quà trung thu cho trẻ em tại một mái ấm tình thương - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Từ cảm hứng về chữ hiếu với người cha, ông Hải đã sáng lập quỹ từ thiện Lê Mộng Đào năm 2008. Đến nay, quỹ đã trao gần 5,5 ngàn suất học bổng, tổng giá trị gần 15 tỉ đồng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.
Ông Hải không đòi hỏi những người nhận học bổng phải trả ơn hay làm việc cho công ty của mình, nhưng chính tinh thần nhân văn ấy đã khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc. Nhiều người, sau khi thành công, đã tự nguyện trở về đóng góp cho Tập đoàn Hòa Bình, như một cách đáp lại tấm lòng và triết lý “cho đi không đòi hỏi” của ông.
Luôn hướng về đất nước
Lòng trung hiếu của ông Lê Viết Hải không chỉ dừng lại ở gia đình hay tập đoàn. Đối với đất nước, ông Hải mang trong mình một khát vọng lớn lao: khẳng định chủ quyền và giá trị văn hóa Việt Nam.
Từ ý tưởng của ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Truyền thông văn hóa Sáng tạo (First News), ông Lê Viết Hải cùng Tập đoàn Hòa Bình đã đứng ra tài trợ, thiết kế và xây dựng biểu tượng ngọn hải đăng. Đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc mà còn là thông điệp mạnh mẽ gửi đến mỗi người dân Việt Nam và cả thế giới: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”.
Chia sẻ về ý nghĩa của công trình, ông Lê Viết Hải xúc động nói: “Hình ảnh ngọn hải đăng ngay đường sách TPHCM sẽ luôn nhắc chúng ta về sự đấu tranh trong hòa bình, đấu tranh bằng sự sáng suốt, trí tuệ vì công lý, cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Trong thời kỳ hiện đại đầy biến động, ông Hải tin rằng, chữ hiếu phải gắn liền với trí tuệ và sự sáng suốt. Ông còn ấp ủ dự án viết một bản “Gia huấn ca thời hiện đại”, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những giá trị truyền thống, nhưng với ngôn ngữ và cách tiếp cận phù hợp hơn với thời đại.
Rời văn phòng ông Hải, tôi cảm thấy ấm lòng. Trong thế giới doanh nhân đầy những thử thách, vẫn còn nhiều những con người sống và làm việc với trái tim hiếu nghĩa và chân thành như thế. Họ không chỉ tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình mà còn gieo trồng những giá trị đẹp đẽ cho đời sau.
Anh Lê Trung Kiên - Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: “Tại Hòa Bình, tôi cảm nhận rất rõ cách ông Lê Viết Hải lan tỏa tinh thần hiếu đạo đến nhân viên. Ông không chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe cha mẹ tôi mà còn khuyến khích tôi dành thời gian chăm sóc gia đình. Tôi nhớ mãi chuyến đi bất ngờ của ông Hải và ông Lê Văn Nam (Tổng giám đốc) trước tết Nguyên đán năm 2024, đến thăm một giám đốc dự án xin nghỉ việc vì phải điều trị bệnh. Cách đây vài năm, Hòa Bình có chương trình tri ân quà tặng bất ngờ (vải áo dài) gửi đến những người mẹ, người vợ của anh em đi làm công trình xa nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10… Mỗi câu chuyện, mỗi hành động, dù nhỏ thôi, nhưng đã tạo nên những ấn tượng của nhân viên chúng tôi về một môi trường làm việc đậm chất nhân văn”. |
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh). Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng. Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn. Điện thoại: 0966182727. |
Tâm An