Doanh nhân làm gì để đưa doanh nghiệp vượt “bão” COVID-19?

13/10/2020 - 06:54

PNO - Các doanh nhân cho rằng, để đối phó với COVID-19 cần phải nhanh nhạy thích ứng, chuyển đổi, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Tại tọa đàm: “Chia sẻ kinh nghiệm vượt bão COVID-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp (DN)” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 12/10, các doanh nhân cho biết nhờ quản trị rủi ro, chuyển đổi kịp thời, vận dụng công nghệ số và giữ lại nguồn lao động, cùng chia sẻ khó khăn... DN đã vượt qua “bão” COVID-19.

Doanh nghiệpViệt vẫn cần mẫn, kiên trì sản xuất sản phẩm chất lượng và tìm đường xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt vẫn cần mẫn, kiên trì sản xuất sản phẩm chất lượng và tìm đường xuất khẩu

Ông Trương Chí Thiện – Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay sản lượng phân phối trứng gia cầm của công ty giảm mạnh khi dịch bệnh bùng phát. Công ty bắt đầu bán hàng online, điều mà trước giờ doanh nghiệp chưa làm. 

Ở lĩnh vực bất động sản, ông Võ Văn Khang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết trong ngành đã có 620 DN phá sản, ngừng hoạt động khi dịch xảy ra, công ty không nằm ngoài khó khăn chung. Tuy nhiên, trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty vẫn đảm bảo khâu điều hành, hoạt động các kênh liên lạc nhờ đã áp dụng chuyển đổi số từ hai năm trước.  Bên cạnh đó, do có sự chuẩn bị, tái cấu trúc từ trước, công ty đã chuyển đổi nhanh để thích nghi với tình hình mới; tối ưu hóa nguồn lực, chọn phân khúc, dự án, khu vực tập trung chứ không phân bổ dàn trải. Kết quả là quy mô, doanh số bán hàng không giảm.

Cũng có sự chủ động chuẩn bị từ trước, ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc Dự án Làng Chài Xưa giữ được 100% nhân viên chủ chốt và cho ra nhiều sản phẩm mới ngay trong mùa dịch. Những kỹ năng mới cho nhân viên được chú trọng, dành nhiều thời gian nghiên cứu làm thêm nhiều loại nước mắm từ nhiều loại cá khác ngoài cá cơm, phát triển kênh bán hàng, cách tiếp thị mới...

Trong khi đó, một số công ty chấp nhận đánh cược, tăng nhập nguyên vật liệu dự trữ đến quý 1, quý 2/2021 để chủ động sản xuất.

Ông Bùi Thanh Tùng – Tổng Giám đốc công ty CP Dầu thực vật Tường An cho hay, ngành dầu đa số nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, không phải mua là có liền. Khi dịch xảy ra, hai nhiệm vụ chính được công ty xác định là duy trì nguồn hàng và sản xuất đảm bảo đời sống cho nhân viên. Việc nhập lượng nguyên liệu lớn như một cách để đảm bảo hai mục tiêu trên. Song song với gia tăng sản xuất là phân bố sản phẩm khắp các kho, điểm bán, phát triển kênh bán hàng online, linh động nguồn hàng hóa phân phối đáp ứng mọi diễn biến xảy ra. Hiệu quả là doanh thu công ty tăng 30% so với cùng kỳ, không nhân viên nào bị nghỉ việc, cắt giảm lương.

Ông Tùng cho rằng DN cần quản trị rủi ro tốt, đưa ra nhiều giả định, từ đó đưa ra các giải pháp giải quyết giả định... giúp DN chủ động ứng phó khó khăn. Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc DN phải đặt câu hỏi “dịch ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn như thế nào và sức chịu đựng của DN tới đâu...?”, từ đó, mỗi DN sẽ có hướng xử lý phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề của mình.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI