Cố gắng thưởng ít nhất 1 tháng lương
Nghe tin tết năm nay, công ty thưởng cho mỗi người từ 2-2,5 tháng lương, chị Hà Thị Duyên - công nhân tổ kirimi (cắt lát cá) của Công ty cổ phần Sài Gòn Food (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM) - rất mừng. Trước khi có thông tin trên, nhiều đồng nghiệp của chị đã tính chuyện không về quê bởi lo tiền thưởng ít hơn năm ngoái. Chị kể: “Nghe được thưởng tết cao, nhiều công nhân đã gọi điện thoại báo với người thân “tết này sẽ về”.
Đại diện Sài Gòn Food xác nhận, công ty sẽ dành 30 tỉ đồng để thưởng cho hơn 2.000 người lao động vào dịp tết Giáp Thìn 2024 theo mức 2 tháng lương cho người bình thường (bình quân 16 triệu đồng/người) và 2,5 tháng lương cho công nhân có tay nghề cao (gần 30 triệu đồng/người) cộng với tiền nghỉ phép năm quy ra tiền, thưởng thâm niên, tặng quà tết. Sài Gòn Food còn tổ chức đưa rước công nhân về quê ăn tết bằng xe giường nằm chất lượng cao.
|
Năm nay, Công ty cổ phần Sài Gòn Food sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo và hỗ trợ công nhân về quê đón tết. Trong ảnh: Đoàn xe đưa nhân viên của công ty về quê đón tết năm 2023 |
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn hàng của các doanh nghiệp hội viên sụt giảm trung bình 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Bước sang quý IV, mức sụt giảm còn khoảng 10%. Các doanh nghiệp đang bàn phương án thưởng dịp tết, hầu hết sẽ thưởng cho người lao động mức tiền ít nhất bằng 1 tháng lương.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TPHCM - thông tin, ngành nhựa đang gặp khó khăn nên phần lớn doanh nghiệp không có lợi nhuận. Cụ thể, ở thị trường trong nước, sức mua giảm hơn 20% nên doanh nghiệp phải tăng chi phí khuyến mãi, giảm giá bán; ở thị trường các nước, đơn hàng giảm 30 - 40%, giá cũng giảm mạnh (sản phẩm từ cao su giảm 18,7%, từ chất dẻo giảm 23,4%); doanh thu của các doanh nghiệp giảm từ 20 - 30% so với năm ngoái. Các doanh nghiệp hội viên đang cố gắng tìm phương án chăm lo cho người lao động dịp tết. Riêng Công ty Đức Minh cam kết sẽ thưởng 1 tháng lương và tặng thêm quà.
|
Năm nay, người lao động ở Công ty cổ phần Sài Gòn Food được thưởng từ 2-2,5 tháng lương vào dịp tết |
Tương tự, dù số đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh so với năm ngoái nhưng các công ty BluSaigon (làm bút ngọc trai, ở quận Phú Nhuận), Agrex Sài Gòn (ngành thực phẩm, quận 7), Nidec Việt Nam (sản xuất thiết bị điện, TP Thủ Đức) vẫn cố gắng xoay xở nguồn tiền để thưởng cho người lao động vào dịp tết theo mức từ 1-1,2 tháng lương/người.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ để vượt khó
Bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BluSaigon - cho hay, sau 10 năm hoạt động, công ty của bà mới lần đầu nhận được thông báo sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ từ quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Nghĩa là trên thực tế, doanh nghiệp không dễ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore có kênh tổng hợp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tư vấn chính sách phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp, các bước thủ tục… nên hầu hết doanh nghiệp đều được thụ hưởng các chính sách một cách đầy đủ. Bà Tôn Nữ Xuân Quyên |
Bà Tôn Nữ Xuân Quyên đánh giá, nguồn vốn này rất cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi lãi suất cố định chỉ 2,16%/năm (đối với doanh nghiệp có doanh thu dưới 300 tỉ đồng) và 5,13%/năm (đối với hợp tác xã) với điều kiện bên vay có tài sản thế chấp bằng 20% giá trị khoản vay. Nhưng không nhiều doanh nghiệp biết đến nguồn vốn này cũng như các nguồn hỗ trợ khác do Việt Nam chưa có kênh thông tin tổng hợp nào để theo dõi, tìm hiểu.
Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore có kênh tổng hợp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tư vấn chính sách phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp, các bước thủ tục… nên hầu hết doanh nghiệp đều được thụ hưởng các chính sách một cách đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, khó khăn nhất của các doanh nghiệp ngành cao su, nhựa là lượng hàng tồn kho nhiều, dòng tiền từ đối tác quay về doanh nghiệp khá chậm. Trong khi đó, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp trong ngành chưa rốt ráo, doanh nghiệp bị chậm hoàn từ vài tỉ đến 300 tỉ đồng nên dòng vốn lưu động bị ách tắc. Ông đề nghị, ngành thuế nhanh chóng hoàn thuế để doanh nghiệp có tiền chăm lo cho người lao động. Giá nguyên vật liệu hiện đang xuống thấp nên doanh nghiệp cần có dòng tiền để kịp thời nhập nguyên liệu dự trữ chủ động trong sản xuất, tăng sức cạnh tranh.
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam - cho rằng, chính sách hỗ trợ thiết thực và có thể thực hiện ngay là giảm hẳn hoặc lùi thời hạn đóng 2% phí công đoàn một thời gian đủ dài để doanh nghiệp có thêm nguồn lực hỗ trợ người lao động. Nhiều doanh nghiệp thiếu tiền thưởng dịp tết là do chưa thu hồi được nợ chứ không phải không có dòng tiền. Với những doanh nghiệp dạng này, nên có đợt cho vay với lãi suất thấp hoặc cho phép giãn đóng tiền gốc và lãi vay trong 3 tháng để họ trả lương, thưởng cuối năm cho người lao động.
Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này và sắp tới là có đơn hàng mới. Chính quyền TPHCM nên tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng các trung tâm triển lãm, mua sắm lớn, chỉ đạo thành lập các kênh kết nối định kỳ với đại sứ quán Việt Nam ở các nước để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về thị trường (như tiêu chí đối với sản phẩm, chỉ tiêu nhập khẩu…).
Nắm bắt, hỗ trợ người lao động ở doanh nghiệp gặp khó khăn Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp tết Giáp Thìn 2024 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với việc triển khai nhiều hoạt động để đảm bảo tất cả đoàn viên, người lao động đều có tết, tổ chức công đoàn cũng sẽ thương lượng với các doanh nghiệp về việc trả lương, thưởng. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong giai đoạn tết, cán bộ công đoàn sẽ thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động vui xuân, đón tết tiết kiệm, an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật và quay lại làm việc đúng thời gian quy định. Đồng hành cùng người sử dụng lao động nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động thực hiện việc trả lương, trả thưởng cho đoàn viên, người lao động vào dịp tết. Kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng tết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp tết. Cùng với đó, triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Thanh Hằng |
TPHCM khảo sát việc trả lương, thưởng ở 3.000 doanh nghiệp Để người lao động có điều kiện vui đón tết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát, nắm tình hình chăm lo tết cho người lao động của các doanh nghiệp ở TPHCM. Ngoài tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, sở sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống người lao động nhằm ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Đặc biệt, sở sẽ khảo sát nhanh tình hình trả lương năm 2023 cũng như kế hoạch thưởng năm vào dịp tết Giáp Thìn 2024 gián tiếp (bằng phiếu khảo sát) ở 3.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và khảo sát trực tiếp thông qua hình thức phỏng vấn chủ sử dụng lao động và người lao động ở ít nhất 20 doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có báo cáo về lương, thưởng. Qua đó, sở kịp thời nắm bắt thông tin về các doanh nghiệp gặp khó khăn để có hướng hỗ trợ, giúp doanh nghiệp ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động. Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Thiên Ân (ghi) |
Giúp doanh nghiệp có kinh phí chăm lo người lao động Do hàng tồn ở các nước nhập khẩu đang cạn, nhu cầu mua sắm ở các nước tăng nên hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm, hàng may mặc, giày da… nay đã khởi sắc hơn. Tuy nhiên, hầu hết đơn hàng mới đều ngắn hạn (1-2 tháng), không có nhiều đơn hàng dài hạn (6-24 tháng) như trước. Xuất khẩu sản phẩm gỗ, nhựa vẫn đang khó khăn. Ở thị trường trong nước, doanh nghiệp phải chạy theo các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng nên hầu như không có lãi. Trong 6 vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) kiến nghị được hỗ trợ thì vấn đề được chọn nhiều nhất là được hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất (70% doanh nghiệp chọn), kế đến là được giải quyết nhanh chóng các kiến nghị, thứ ba là mong được giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội và đẩy mạnh các chương trình kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Hiện các doanh nghiệp đang hết sức mong chờ tiếp cận nguồn vốn của chương trình kích cầu đầu tư từ ngân sách TPHCM. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA Hoa Lài (ghi) |
Hoa Lài