Cải thiện môi trường đầu tư TPHCM - một yêu cầu cấp thiết:

Doanh nghiệp Việt vẫn “đứng bên lề” ngành công nghiệp hỗ trợ

09/06/2021 - 10:53

PNO - TPHCM có chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nhưng trên thực tế, đối với các doanh nghiệp trong nước những chính sách này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong khi đó, nguyên liệu phụ trợ tại chỗ là điều mà nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn có nhằm giảm chi phí trong quá trình sản xuất.

 

Loạt bài nhiều kỳ về cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM khởi đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM từ ngày 18/3 đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp về vấn đề này và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Bài 1: Xem nhà đầu tư là khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất

Bài 2: Thủ tục định giá, cho thuê đất làm khó doanh nghiệp

Bài 3: Nhà đầu tư bất động sản nản lòng, Nhà nước thất thu

Bài 4: Doanh nghiệp "đốt đuốc" tìm vốn rẻ

Bài 5: Gỡ nút thắt cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Ngành nào cũng phụ thuộc nguyên phụ liệu

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết ngoài một số ngành sản xuất vật liệu phục vụ xây dựng có tốc độ tăng trưởng nhanh, như xi măng, thép xây dựng, còn đại đa số chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước. Ví dụ, đối với ngành sản xuất thép - vật liệu cơ bản của nền công nghiệp - tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2020 là 20% đối với thép thô và 13% đối với thép thành phẩm. Sản lượng thép thô sản xuất trong nước năm 2019 khoảng 17,46 triệu tấn, đứng thứ 15 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất thép thô và tiêu thụ. 

Các doanh nghiệp ngành cơ khí trong nước đang rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài khi chào bán nguyên vật liệu phụ trợ - Ảnh: Thanh Hoa
Các doanh nghiệp ngành cơ khí trong nước đang rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài khi chào bán nguyên vật liệu phụ trợ - Ảnh: Thanh Hoa

Tuy nhiên, các sản phẩm thép trong nước mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong ngành xây dựng (khoảng 80%). Thép dùng cho chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và chưa sản xuất được ở quy mô công nghiệp đối với các chủng loại thép chất lượng cao, thép hợp kim phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Ở lĩnh vực dệt, may, thêu, đan, hiện một số doanh nghiệp (DN) như Vinatex, May 8/3, Dệt may Nam Định, Phong Phú, Việt Thắng… đang đẩy mạnh đầu tư để sản xuất bông, vải sợi, giúp chủ động về nguồn nguyên liệu nhưng ngành này vẫn lệ thuộc vào 70% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ. 

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM - cho biết trong tổng số hơn 6.000 DN dệt may cả nước, số DN may chiếm tới 70%, dệt chiếm 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4% và DN phụ trợ chỉ 3%. Khoảng 70% hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam chủ yếu là hàng gia công, tức chỉ thực hiện ở khâu cắt, ráp, hoàn thiện. Từ đó cho thấy, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở ngành này còn đang bỏ trống. 

Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam là nhà xuất khẩu cao su đứng thứ ba toàn cầu. Tại TPHCM, hóa dược - cao su - nhựa là ngành có quy mô lớn, chiếm 15,75% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, được xem là một trong bốn ngành trọng yếu. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TPHCM - đang có tới 80% nguyên liệu, hóa chất phục vụ ngành cao su - nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác. Ngành cao su Việt Nam vẫn duy trì việc xuất khẩu thô với giá trị thấp, sau đó nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu sản xuất của các nhà máy về săm lốp, hàng gia dụng, giày dép… nên bị lệ thuộc về giá cả. 

Ông Nguyễn Quốc Anh dẫn chứng, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các DN cung cấp nguyên vật liệu Trung Quốc đóng cửa, nhiều DN Việt Nam phải nhập nguyên liệu thay thế từ Hàn Quốc, châu Âu khiến giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Đó là do lâu nay, Việt Nam cứ tập trung xuất khẩu, không ưu tiên cung ứng cho DN trong nước; một số chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất trong nước; các nhà máy có công suất thấp, chất lượng chưa đồng đều, giá cao hơn so với giá nhập khẩu. 

Chưa đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM - Đảng bộ và chính quyền TPHCM xác định CNHT là lĩnh vực quan trọng và là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, UBND TPHCM đã ban hành chương trình hỗ trợ, kích cầu cho ba nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến lương thực, thực phẩm. 

Chương trình kích cầu đầu tư vào CNHT cũng đã được triển khai để khuyến khích DN đầu tư mở rộng sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết. Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng tỷ lệ mua hàng nội địa. 

Tuy vậy, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM - cho rằng các chương trình kích cầu này đang vượt ngoài khả năng do đa phần DN ở lĩnh vực này đều có quy mô nhỏ, hoạt động còn rời rạc, thiếu vốn, mặt bằng. Chính sách kêu gọi đầu tư nên chọn lọc, nhất là khi kêu gọi các nhà đầu tư nhỏ cùng ngành nghề, vì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các DN nhỏ trong nước. Thực tế, đã có trường hợp DN cơ khí trong nước sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ cho một số DN FDI, nhưng khi xuất hiện các DN FDI đầu tư vào CNHT thì đơn hàng của DN nội địa bị mất hết về tay các DN FDI. 

Các DN FDI được yêu cầu tăng thu mua hàng nội địa nhưng tỷ lệ này qua các năm tăng không đáng kể. Theo khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tỷ lệ thu mua tại chỗ ở Việt Nam năm 2020 là 37%, chỉ tăng 0,7% so với năm 2019. Tỷ lệ này chỉ bằng phân nửa sức thu mua nội địa của DN ngoại tại Trung Quốc và bằng 2/3 Thái Lan. 

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, trong khi các DN trong nước vẫn loay hoay với bài toán nguyên phụ liệu thì đang có làn sóng vốn FDI đổ vào để phát triển ngành CNHT và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Như Công ty TNHH Hyosung đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư 600 triệu USD để sản xuất, gia công các loại sợi; dự án Lu Thai do Hồng Kông đầu tư 160,8 triệu USD để sản xuất sợi, vải màu… 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 3/2021, tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ có vốn đầu tư gần 5 tỷ USD. Từ lâu, TPHCM đã có chủ trương thành lập trung tâm thiết kế thời trang và nguyên phụ liệu ngành dệt may để cung cấp đầy đủ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may cả nước nhưng đến nay, trung tâm vẫn chưa hoạt động được do không có mặt bằng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hậu cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ nên học hỏi kinh nghiệm, chính sách từ các nước xung quanh để phát triển CNHT. Chẳng hạn, Trung Quốc tăng hỗ trợ tài chính và thuế, tăng cường kết nối thông tin của chính phủ, ngân hàng và DN để hỗ trợ tối đa cho DN khi đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi Việt Nam nói chung và TPHCM còn rất yếu kém về hạ tầng thì Thái Lan từ lâu đã xây dựng các trung tâm quốc gia nghiên cứu về vật liệu hỗ trợ. Hàn Quốc thì ban hành luật để khuyến khích các DN nội địa, đẩy nhanh tiến trình thoát khỏi phụ thuộc vào vật liệu, linh kiện và thiết bị nhập khẩu từ Nhật Bản. Một số nước khác như Nhật, Mỹ, Pháp còn có danh sách chủng loại cần phát triển, quy mô dựa trên nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước, phù hợp với nhu cầu, trình độ của đất nước họ. 

Cốt lõi là phát triển nhân lực

Những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải là thiếu kỹ sư và công nghệ kỹ thuật cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT.

Để học hỏi và nắm bắt được công nghệ kỹ thuật cơ bản, cần có hiệp định của Chính phủ, để từ đó nhờ các DN Nhật Bản uy tín, có kinh nghiệm đào tạo giúp nhân lực. Nên có các chế độ đặc biệt để khuyến khích những người Việt có tay nghề và năng lực đang sinh sống ở nước ngoài về nước đảm nhận các công việc chủ chốt trong ngành CNHT. Đồng thời, cần lựa chọn và có chế độ ưu đãi đối với các công ty có sức cạnh tranh cao trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến để sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. 

Nhà nước cần miễn, giảm thuế hoặc trợ cấp vốn, cung cấp lao động kỹ thuật, đào tạo lao động, điểm bán hàng cho các DN khai thác, sản xuất vật liệu hỗ trợ; có chính sách huấn luyện DN vừa và nhỏ với kế hoạch ba năm, năm năm, như tuyển chọn ngành nghề chủ lực, chiêu mộ chuyên gia từ các nước khác hoặc chuyên gia kỹ thuật, các công ty có năng lực trong nước để thực tập, đào tạo, thành lập chi nhánh ở các nước, tăng cường quan hệ với đại sứ quán… Nếu không có hỗ trợ của Nhà nước, để DN tự “bơi” thì rất khó làm được những điều này.

Tiến sĩ Kon Yohichi,Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Công ty cổ phần Hóa học kim loại Tokyo, Nhật Bản


Thanh Hoa

Kỳ tới: Làm gì để TP.Thủ Đức trở thành “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư?

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI