 |
Các doanh nghiệp ngành xuất khẩu thủy sản nỗ lực mở rộng thị trường mới. |
Tìm cơ hội trong thách thức
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, việc tạm dừng thuế đối ứng là tin vui, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể chủ quan. Thực tế, dù Hoa Kỳ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị xuất khẩu, gần 1,5 tỷ USD của Intimex năm 2024, nhưng vẫn là thị trường chiến lược.
“Với đặc thù ngành hàng nông sản - cà phê, tính cạnh tranh không chỉ đến từ chất lượng, mà còn từ thuế suất. Brazil hoàn toàn có thể vượt mặt chúng ta, nếu họ tận dụng được lợi thế thuế thấp hơn. Vì vậy, doanh nghiệp nông sản buộc phải thay đổi để tồn tại”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, để ứng phó với chính sách thuế quan từ Mỹ, đơn vị đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường sang châu Âu, Trung Đông và các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Song song đó, doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng, hạ giá thành và phát triển thương hiệu, để tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, Intimex còn tăng nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ về Việt Nam để góp phần cân bằng cán cân thương mại, một hướng đi vừa chiến lược vừa thực tế.
 |
Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony (bìa phải) kiểm tra các mẫu áo của công ty phục vụ thị trường xuất khẩu. |
Công ty Cổ phần Quốc tế Dony, từng chiếm tới 40% thị phần xuất khẩu tại Mỹ vào năm 2021, nay chỉ giữ ở mức 20%. Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty Dony cho biết, việc “bỏ trứng vào một giỏ” tại Mỹ chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là khi cạnh tranh từ Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Vì vậy, đơn vị không chỉ khai phá các thị trường truyền thống như Đức, Canada, mà còn bứt phá tại những “vùng đất hứa” như Trung Đông, Nga, Đông Nam Á, đặc biệt là châu Phi, nơi họ xuất khẩu lô hàng đầu tiên năm 2024, với 110.000 sản phẩm.
Năm 2025, công ty tiếp tục gây bất ngờ khi xuất khẩu thành công lô áo khoác đầu tiên sang Trung Quốc, thị trường được xem là đầy tiềm năng, nhưng cũng không ít thách thức. “Quan niệm thị trường Mỹ lớn, thị trường khác nhỏ chưa hẳn đúng. Trung Đông tuy quy mô dân số nhỏ nhưng lại có những khách hàng lớn với đơn hàng giá trị cao. Doanh nghiệp cần biết cách “săn cá mập”, không chỉ chạy theo thị trường đông dân”, ông Quang Anh chia sẻ thêm.
Đổi sân chơi phù hợp
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng “đổi sân chơi”. Bởi khi mở rộng thị trường thường đi kèm nhiều chi phí và rủi ro. Ông Phạm Quang Anh phân tích: “Tìm thị trường mới là bài toán đầu tư lớn. Với 10.000 USD, doanh nghiệp phải chọn giữa nơi quen thuộc như Mỹ hay một châu Phi đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều ẩn số. Chi phí không chỉ đến từ marketing, truyền thông, mà còn cả bán hàng, logistics và xây dựng niềm tin với đối tác. Đưa một chiếc áo vào thị trường mới có thể tốn gấp đôi so với thị trường quen thuộc, nhưng nếu không thử, doanh nghiệp sẽ mãi bị động và không tránh được rủi ro khi thị trường cũ có biến động”.
Theo ông Quang Anh, muốn mở rộng thị trường mới, vai trò hỗ trợ từ Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, đào tạo nhân lực, tạo kênh thông tin dễ hiểu về chính sách thương mại... Ông Quang Anh dẫn chứng: “Vừa qua, hội chợ tại Hồng Kông mà Dony tham gia, dưới sự hỗ trợ từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đã học được rất nhiều khi tìm kiếm và mở rộng quan hệ với nhiều đối tác ở các nước”.
Tương tự, ông Đỗ Hà Nam cũng đề xuất giải pháp. Trước mắt, các bộ, ngành cần yêu cầu báo cáo cụ thể về tác động của thuế đối ứng đối với từng ngành hàng, từ đó cần phân loại rõ doanh nghiệp nào có khả năng chuyển đổi thị trường, doanh nghiệp nào không để có chính sách hỗ trợ phù hợp như tài chính, xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất...
Ở góc độ khác, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký VINAFRUIT, chỉ ra tầm quan trọng của việc chủ động cắt giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh. Ví dụ, với trái sầu riêng, mặt hàng có thuế suất tại Mỹ cao hơn 10% so với Thái Lan, Việt Nam chỉ có thể giữ thị phần nếu kiểm soát đầu vào tốt, giảm giá thành nhưng vẫn giữ chất lượng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lường trước cả những kịch bản xấu. Cụ thể, nếu Hoa Kỳ dừng nhập hàng, doanh nghiệp phải xoay trục nhanh sang các nước ASEAN hoặc khu vực châu Á.
 |
Doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng thị trường mới để tìm kiếm lối thoát cho việc quan ngại từ chính sách thuế. |
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại chọn phát huy sức mạnh từ “sân nhà”. Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc SATRA cho biết, đơn vị này đang mở rộng hệ thống bán lẻ, liên kết với nhà sản xuất để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. “Nếu tận dụng tốt thị trường trong nước, chúng ta không chỉ giảm lệ thuộc vào xuất khẩu mà còn nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm Việt và ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Quốc Thanh nói.
Chia sẻ giải pháp mở rộng thị trường nội địa, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh cho biết, để doanh nghiệp nội địa phát triển song song với xuất khẩu, cần có chính sách tài chính công bằng. Xuất khẩu vay USD chỉ hơn 1%, trong khi sản xuất nội địa phải chịu lãi suất tiền đồng 9 - 10%, như vậy là bất hợp lý. Vì vậy, cần một chiến lược lớn hơn là xây dựng sàn giao dịch hàng hóa đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam như một phần của trung tâm tài chính quốc tế.
“Chúng ta có lợi thế hàng hóa nhưng nếu muốn nâng tầm, phải sẵn sàng đầu tư vào con người, vào công nghệ và học từ thất bại của người đi trước như Singapore hay thành công của Ấn Độ”, ông Phan Minh Thông nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa và căng thẳng thương mại như hiện nay, việc doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ là xu hướng không thể đảo ngược. Không còn con đường nào khác ngoài đổi mới tư duy, cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và linh hoạt thích ứng. Khi thương mại không còn chỉ là cuộc chơi của số lượng, mà là “cuộc chiến” của chiến lược, ai dám đi trước, dám thay đổi, người đó mới có thể tồn tại và phát triển.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán nhận định, thay vì áp dụng các biện pháp trả đũa khi bị Mỹ đề xuất áp thuế 46%, Việt Nam nên lựa chọn hướng tiếp cận linh hoạt và chủ động đàm phán thương mại. Việc xem xét ưu đãi thuế quan tương đương cho một số mặt hàng của Mỹ, như cách Việt Nam đang áp dụng với các đối tác thương mại tự do khác có thể là “bước xuống thang” hiệu quả, tạo điều kiện để phía Mỹ điều chỉnh chính sách thuế. Đồng thời, Việt Nam cũng nên cân nhắc mở cửa hơn nữa cho một số ngành công nghiệp Mỹ tham gia vào thị trường nội địa. Ở chiều ngược lại, Chính phủ cũng nên có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng cách giảm thuế xuất khẩu, đồng thời khẩn trương tìm kiếm và phát triển các thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không nên có tâm lý chủ quan cho rằng Mỹ sẽ không áp thuế vì Việt Nam là quốc gia nhỏ. Tuy nhiên, nếu chủ quan sẽ khiến chúng ta không chuẩn bị đầy đủ cho các kịch bản rủi ro. Cuối cùng, điểm mấu chốt là Việt Nam cần thiết phải giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu giá rẻ từ Trung Quốc trong ngành dệt may và da giày. Việc chạy theo giá rẻ để cạnh tranh chỉ kéo theo doanh thu thấp và thu nhập bấp bênh cho người lao động. Nếu đầu tư cải thiện chất lượng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bán sản phẩm với giá cao hơn, đồng thời nâng mức sống cho công nhân. Mặt khác, các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu như các gói vay lãi suất thấp, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. |
Báo Tin tức và Dân tộc