Doanh nghiệp Việt phát huy bản sắc nội tại để lật ngược và xoay chuyển tình thế

14/10/2024 - 08:07

PNO - Chưa bao giờ thị trường xuất hiện nhiều thành tố, cơ cấu đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt nhịp cùng một lúc như hiện nay. Khó khăn là tất cả yêu cầu này đặt ra 1 lần đòi hỏi doanh nghiệp phải có nội lực đủ lớn thì mới thực hiện được.

Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op tại diễn đàn "Lật ngược và xoay chuyển tình thế để dẫn đầu” tổ chức mới đây ở TPHCM. Tại diễn đàn này, ông Nguyễn Anh Đức đã chia sẻ những bài học quý giá về sự linh hoạt và kiên định trong quản lý hệ thống bán lẻ Saigon Co.op.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ nhiều bước ngoặc phát triển của Saigon Co.op tại diễn đàn “Lật ngược và xoay chuyển tình thế để dẫn đầu” - Ảnh: Minh Xuân
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ nhiều bước ngoặc phát triển của Saigon Co.op tại diễn đàn “Lật ngược và xoay chuyển tình thế để dẫn đầu” - Ảnh: Minh Xuân

Theo ông Đức, có 2 yếu tố quan trọng đi đến quyết định thay đổi của 1 doanh nghiệp (DN). Đó là tính pháp lý của môi trường đầu tư và dấu ấn nhu cầu của thị trường. Với Saigon Co.op, ông cho biết đã trải qua 5 cột mốc chuyển mình trong hành trình phát triển 35 năm qua.

Đầu tiên là cột mốc năm 1989. Saigon Co.op chuyển từ quản lý nhà nước sang hình thức hợp tác xã. Trong chuỗi thời gian này, Saigon Co.op thực hiện nhiều hoạt động kinh tế từ sản xuất đến xuất khẩu…

Dấu mốc thứ 2 là vào năm 1996 - Co.opmart Cống Quỳnh được xây dựng và đưa vào hoạt động. Sự kiện này đánh dấu cho sự ra đời của siêu thị thuần Việt đầu tiên, đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại của thị trường, gắn liền với sự chuyển đổi nền kinh tế của đất nước.

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang phục vụ 1 triệu lượt khách mỗi ngày - Ảnh: Ngọc Thùy
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang phục vụ 1 triệu lượt khách mỗi ngày - Ảnh: Ngọc Thùy

Dấu mốc thứ 3 là giai đoạn 2003 - 2004, xuất phát từ nhu cầu phát triển cao hơn của thị trường đã tạo nên giá trị mới, dòng tiền mới thúc đẩy hệ thống bán lẻ không dừng lại là siêu thị đơn lập mà cần phát triển theo chuỗi.

Cột mốc thứ 4 là năm 2010 - 2023, thị trường định hình khá rõ nét về thị hiếu tiêu dùng khác nhau. Do vậy, để có thể bắt nhịp nhanh với xu hướng mới, Saigon Co.op đã thực hiện đa dạng hóa mô hình kinh doanh bán lẻ. Điều này cũng lý giải cho thực tế là Saigon Co.op đang có 10 mô hình bán lẻ khác nhau.

Dấu mốc thứ 5 là từ năm 2019 đến nay. Theo ông, đây là giai đoạn các DN nói chung và Saigon Co.op nói riêng có sự chuyển biến mạnh mẽ nhưng cũng là khó khăn nhất.

Thời điểm này DN sẽ được đặt trong tình thế xoay chuyển hoặc chết. Thị trường xuất hiện nhiều thành tố, cơ cấu đòi hỏi DN phải bắt nhịp cùng một lúc như thực hiện kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, gắn với phát triển bền vững. Riêng với hệ thống bán lẻ, thách thức đặt ra là phải bắt kịp thương mại điện tử. Tất cả yêu cầu này đặt ra một lần đòi hỏi DN phải có nội lực đủ lớn thì mới thực hiện được”- ông Đức chia sẻ.

Theo ông, Saigon Co.op đã nắm bắt và phát huy bản sắc nội tại là giá trị cốt lõi để đưa ra các giải pháp giúp DN vượt qua biến động của thị trường.

Ông dẫn chứng 1 giải pháp đã giúp Saigon Co.op vượt qua khủng hoảng thị trường giai đoạn dịch COVID-19 là phát huy sự chung tay, đồng lòng của cán bộ - nhân viên. Theo đó, về phía cấp lãnh đạo chia sẻ khó khăn chi phí bằng cách giảm lương, quyết tâm không để bất kỳ nhân viên nào bị mất việc. Song song đó, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ sự an toàn, sức khỏe cho cán bộ - công nhân viên và người thân.

Ngược lại, phát huy tinh thần đoàn kết của hơn 18.000 nhân viên Saigon Co.op vượt qua khó khăn do đứt gãy nguồn cung, logistics và thị trường. Từ thực tế đó, để có thể xoay chuyển tình thế nguy nan, đưa DN vượt qua khó khăn, ông Đức nhấn mạnh rằng, DN cần phải nhận diện và đề ra các giải pháp xoay chuyển từ chính bản sắc nội tại riêng của DN mình.

Ngọc Thùy

Nguồn: Saigon Co.op

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI