Doanh nghiệp Việt oằn mình trước làn sóng xâm lấn của hàng Trung Quốc

28/11/2018 - 06:00

PNO - Hàng hóa của Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam, cả hàng lậu lẫn hàng nhập chính ngạch khiến doanh nghiệp trong nước ngắc ngoải vì vừa đối phó với hàng nhập lậu, vừa đối phó với hàng nhập chính ngạch...

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến hàng hóa của Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam, cả hàng lậu lẫn hàng nhập chính ngạch, với giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng hơn, tính năng tiện dụng hơn so với hàng sản xuất trong nước.

Hàng nhập lậu đa phần “nhạy cảm”

Hàng Trung Quốc (TQ) nhập lậu đa phần thuộc nhóm “nhạy cảm”, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người tiêu dùng như: đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập, mỹ phẩm, đường, sữa, thực phẩm chức năng, kính mát…

Doanh nghiep Viet oan minh truoc lan song xam lan cua hang Trung Quoc
Không chỉ hàng nhập lậu, hàng Trung Quốc nhập chính ngạch cũng đang tràn ngập các siêu thị

Tại các cửa hàng đồ dùng học tập quanh các trường tiểu học của TP.HCM như Kỳ Đồng (Q.3), Nguyễn Viết Xuân (Q.Tân Bình), Trần Hưng Đạo (Q.1), Bắc Hải (Q.10), 99% đồ chơi “made in China” và hầu hết không có nhãn phụ tiếng Việt, không tem kiểm định chất lượng, giá chỉ từ 30.000 đồng/sản phẩm. Tại chợ Xóm Chiếu (Q.4, TP.HCM), phần lớn dụng cụ làm đẹp (son môi, phấn, màu mắt, cọ, nước hoa) đều có xuất xứ từ TQ với giá chỉ 20.000-50.000 đồng/sản phẩm.

Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), khi chúng tôi hỏi tìm giày dép của Việt Nam hoặc Thái Lan, nhiều chủ sạp xua tay: “Chỉ có hàng TQ thôi. Hàng TQ giá rẻ, mới bán được”. Khu bán sỉ mỹ phẩm của chợ này cũng toàn hàng TQ với hàng trăm chủng loại.

Theo lời của một chủ sạp, chỉ mỹ phẩm dưỡng da là có hàng Thái xen vào, còn mỹ phẩm trang điểm (phấn mắt, phấn phủ, son môi…) đều là hàng TQ. Mỹ phẩm TQ ở chợ này có giá “rẻ như cho”: một bộ trang điểm được thiết kế hình trái tim màu hồng trông rất bắt mắt, gồm 3 ngăn, bên trong có đủ gương soi, 10 màu phấn mắt, 2 màu má hồng, 2 màu phấn phủ, 4 màu son môi, bông phấn, 1 cọ vẽ môi, 1 cọ vẽ mắt mà giá chỉ 27.000 đồng. 

Đáng lo ngại là hiện hàng TQ về chợ bị thay tem, đổi nhãn thành hàng nước ngoài hoặc hàng Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Chẳng hạn, tại các sạp chuyên bán ba-lô, túi xách trong chợ Bình Tây, các tem nhãn treo bên hông sản phẩm in toàn tiếng Anh và tiếng TQ, nhưng người bán một mực khẳng định với khách hàng mua lẻ là hàng Việt Nam. 

Khi chúng tôi hỏi mua sỉ, một tiểu thương khẳng định, hàng Việt Nam thì trên tem có tên và địa chỉ công ty, còn những loại trên tem ghi chữ TQ hoặc thậm chí là tiếng Anh thì đều là sản phẩm của TQ.

Tại chợ An Đông 1, có khoảng 800 sạp kinh doanh hàng may mặc nhưng đến 90% là hàng TQ, số ít sạp còn lại kinh doanh sản phẩm tự thiết kế nhưng cũng bị hàng TQ đánh bạt. “Nguyên liệu để sản xuất hàng may mặc đều nhập từ nước ngoài. Tỷ giá USD/VNĐ tăng làm đội giá thành nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng. 

Doanh nghiep Viet oan minh truoc lan song xam lan cua hang Trung Quoc

Mỹ phẩm Trung Quốc không nhãn mác nhập lậu bị lực lượng chức năng thu giữ

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bằng tiền Việt nên không thể tăng giá bán được. Hàng trong nước giá cao, hàng TQ đổ về giá rẻ, người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn giá rẻ. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tăng cường sản xuất hàng tết mà hàng TQ nhập lậu giá rẻ cứ đổ về ào ạt, doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn” - bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc Công ty May mặc Dung Nam, nói. 

Không chỉ hàng nhập lậu, hàng TQ nhập chính ngạch cũng gia tăng. Tại hệ thống siêu thị Lotte, Vinmart, Big C, Hachi Hachi, Daiso, mặt hàng gia dụng TQ như thau, rổ, nồi đất, chén, hộp đựng giấy, dụng cụ vệ sinh hiện rất phong phú.

Mặt hàng cùng loại của Việt Nam hiện ít mẫu mã và giá luôn đắt hơn hàng TQ, trong khi hàng TQ nhập chính ngạch mẫu mã đa dạng, bắt mắt, tính tiện dụng cao, giá lại cực rẻ. Chẳng hạn, chén sứ Minh Long hoặc gốm Bát Tràng có giá từ 32.000-36.000 đồng, trong khi của TQ có nhiều mẫu với giá 9.000-32.000 đồng/sản phẩm. 

Doanh nghiệp nội te tua

Hiện TQ đang bị Mỹ áp mức thuế quá cao, khiến lượng nguyên liệu cũng như hàng hóa nước này tồn đọng nhiều và TQ buộc phải tăng cường đẩy hàng hóa về các nước, trong đó có láng giềng Việt Nam. 

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nhựa Rạng Đông - thông tin, hiện đang có làn sóng các doanh nghiệp TQ dịch chuyển đầu tư sản xuất vào Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp ngành nhựa. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận thêm nguồn cung sản phẩm nhựa với giá rẻ hơn, nhưng doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp TQ.

“Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là việc doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng nhập lậu từ TQ. Với sự nhập lậu ồ ạt này, sức khỏe thể chất, tinh thần của người tiêu dùng sẽ gặp nguy hiểm, vì hàng TQ nhập lậu kém chất lượng; doanh nghiệp trong nước cũng sẽ ngắc ngoải vì vừa đối phó với hàng nhập lậu, vừa đối phó với hàng nhập chính ngạch hoặc hàng TQ sản xuất tại Việt Nam”. 

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) - cho biết thêm, không chỉ bị cạnh tranh mạnh ở thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam còn bị cạnh tranh nhiều ở các thị trường khác do TQ giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường này.

Trong đó, thách thức lớn nhất chính là việc doanh nghiệp TQ “mượn” thị trường Việt Nam để đổi nhãn mác thành “made in Vietnam” nhằm tránh mức áp thuế của Mỹ. Bà khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam  nên theo dõi tình hình để có ứng xử kịp thời với từng biến động, đồng thời tìm hiểu khách hàng của sản phẩm bị áp thuế là ai để tiếp cận, chào hàng, chuẩn bị năng lực đáp ứng. 

Theo ông Hồ Đức Lam, để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, Chính phủ cần phải xem xét việc đánh thuế nhập khẩu nếu có dấu hiệu bán phá giá, đồng thời không cung cấp giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất ở Việt Nam nhằm ngăn chặn doanh nghiệp TQ thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam, đội lốt hàng Việt.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do kiểu mới với châu Âu và các nước khác nhằm giảm thiểu rủi ro khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường TQ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI