Doanh nghiệp Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ sau dịch, nhiều đơn vị đạt lợi nhuận "khủng"

01/02/2022 - 15:14

Hãng tin Sputnik dẫn nguồn báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, kết quả kinh doanh của cả khối tư nhân lẫn Nhà nước trong năm 2021 đều rất đáng khích lệ.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tiết lộ tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban đạt 99% kế hoạch - gần 822.000 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.179 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch và tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% năm 2020).

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhận định, kết quả kinh doanh của khối các công ty Nhà nước “vô cùng tích cực”, nhiều doanh nghiệp đã biến nguy thành cơ, phát triển tốt hơn trong giai đoạn dịch bệnh 2020-2021.

Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là năm mà nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như: Nhà máy Thủy Điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhờ biến động thị trường dầu mỏ, Petro Vietnam đạt lợi nhuận khủng
Nhờ biến động thị trường dầu mỏ, Petro Vietnam đạt lợi nhuận "khủng"

Riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) hoàn thành kế hoạch sản lượng cả năm trước 39 ngày và đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn (13%) so với dự kiến. Mức lãi trước thuế 45.000 tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm và tăng 2,2 lần so với năm 2020 nhờ biến động có lợi của giá dầu thế giới.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2021 dù lợi nhuận có thấp hơn PVN đôi chút. Lợi nhuận trước thuế đạt 40.100 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm 2020. Đồng thời, Viettel tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu lĩnh vực viễn thông, mở rộng hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới như Haiti, Mozambique, lào, Myanmar, Tanzania,…

Trong khi đó, khối các ngân hàng quốc doanh Việt Nam cũng ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 27.376 tỷ đồng, cao hơn 19% so với năm 2020 (tương đương mức tăng ròng hơn 4.300 tỷ đồng).

Riêng trong khối các ngân hàng tư nhân, nổi bật nhất là Ngân Hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank với 37.100 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 35% so với năm liền trước. Cạnh đó, VPBank cũng ghi nhận tổng thu nhập cao gấp 2,5 lần so với năm trước, lên tới 51.870 tỷ đồng.

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng
Vietcombank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng

Đối với khối các doanh nghiệp FDI, Samsung Việt Nam báo cáo doanh thu năm 2021 đạt 74,2 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương 20% GDP của Việt Nam. Hiện Samsung đang vận hành 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm R&D và một pháp nhân bán hàng.

Ngoài ra, khối FDI còn chứng kiến sự bứt phá của Honda Việt Nam lãi trên 1 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021.

Dù gặp nhiều biến động do đại dịch COVID-19, nền kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng vươn lên và phục hồi mạnh mẽ. Báo cáo tài chính mới nhất của Vingroup cho thấy, dù tập đoàn lần đầu tiên báo lỗ quý IV/2021, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng 19% lên mức gần 85.100 tỷ đồng, bao gồm lãi ròng 39.017 tỷ đồng.

Cùng với sự phục hồi của ngành xây dựng và bất động sản, Tập đoàn Hòa Phát thông báo mức báo lãi trước thuế kỷ lục 37.057 tỷ đồng (1,6 tỷ USD), tăng 141% so với năm 2021. Vị thế của tập đoàn thép lớn nhất cả nước giúp Hòa Phát ghi nhận doanh thu lên mức kỷ lục trong hoạt động đạt 150.800 tỷ đồng.

Năm 2022, Việt Nam chính thức thông qua gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng. Dự kiến, kinh tế Việt Nam sẽ còn ghi nhận nhiều thành công và điểm sang từ khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước.

Linh La (theo Sputnik Vietnam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI