Doanh nghiệp Việt lạc quan trước Hiệp định CPTPP

08/11/2018 - 06:00

PNO - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12 tới, mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp (DN) Việt.

Thị trường rộng mở, thuế giảm

Theo đánh giá của các chuyên gia, CPTPP sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

Về phía DN, thị trường rộng mở, thuế giảm, làm việc với các nước văn minh,… mang lại lợi ích cho các DN trong quá trình kinh doanh. Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, Giám đốc công ty Mifaco, cho rằng việc ký các hiệp định hợp tác luôn có lợi cho DN Việt.

Doanh nghiep Viet lac quan truoc Hiep dinh CPTPP
CPTPP có hiệu lực, thị trường rộng mở, thuế giảm,… mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt

“Chỉ có DN nào quen xài gỗ lậu thì họ mới thấy có hại thôi, chứ khi DN xuất khẩu, bao giờ đối tác cũng yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Hiệp định CPTPP có hiệu lực, hai yếu tố thuận lợi nhất là thị trường rộng mở và thuế giảm.

Khi làm việc với các nước văn minh, chúng ta được hưởng lợi từ họ rất nhiều khi học được cách họ suy nghĩ, cách họ làm. Các nước văn minh đi xa hơn mình rất nhiều nên họ đã có đầy đủ các tiêu chuẩn, bộ luật, mình cứ học theo và áp dụng”, ông Hiệp nhìn nhận.

Nhìn thấy cả cơ hội và thách thức từ CPTPP, ông Nguyễn Trung Thông – Giám đốc Công ty kinh doanh hàng may mặc M&T cho rằng, thuận lợi là DN Việt có cơ hội được học hỏi các DN nước ngoài trong khối CPTPP và tự nâng tầm mình lên. Song, thách thức đó là khi thuế giảm, các DN nước ngoài vào thị trường Việt Nam để cạnh tranh thì DN Việt sẽ đứng trước áp lực lớn ngay chính thị trường nội địa.

Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Việt Nam không kiểm soát tốt thì hàng hóa, nguyên liệu của một số nước sẽ tuồn vào để lấy nguồn gốc xuất xứ, xuất đi các nước trong khối CPTPP. Điều này sẽ đe dọa sản xuất trong nước, vi phạm các cam kết dẫn đến hậu quả nặng nề.

CPTPP với cam kết mở cửa thị trường là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới, cũng như hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam).

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, những ngành hàng có thuế quan nặng như xe hơi sẽ quan tâm đến CPTPP nhiều hơn là các DN khác.

Những ngành hàng như công ty Vinamit hầu như đã được hưởng thuế quan 0% từ lâu và hiện nay, những thay đổi của hàng rào thương mại bằng hệ thống thương mại online đang bùng nổ khiến DN phải ứng phó những cái trước mắt. 

DN cần Chính phủ định hướng

Một số DN cho rằng, CPTPP là vấn đề lớn, rất cần có định hướng cụ thể từ Chính phủ về các chính sách liên quan. DN Việt Nam đa số là DN vừa và nhỏ, chưa đủ khả năng và đủ tầm để tự khai thác những yếu điểm, lợi thế của các quốc gia khác khi qua đầu tư; đồng thời khai thác tiềm năng về cho quốc gia mình.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, CPTPP có hiệu lực sẽ là cơ hội cho những ngành hàng có mức thuế quan cao và cũng là động lực cho những DN có năng lực, làm ăn bài bản.

Đặc biệt, các DN Việt Nam có có hội lớn khi tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa của 11 nước trong CPTPP. Tuy nhiên, khó khăn là DN phải đối mặt trực diện, cạnh tranh ngang bằng với các DN nước ngoài, trong khi DN Việt Nam có đến hơn 90% là DN vừa và nhỏ.

Thảo luận về CPTPP trước kỳ họp Quốc hội mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) cũng đã chỉ rõ những cơ hội, thách thức từ CPTPP.

Doanh nghiep Viet lac quan truoc Hiep dinh CPTPP
"Chính phủ phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và DN để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra" - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Lộc nhận định đây là cơ hội mở rộng thương mại, đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Đầu tư với các thị trường mới đầy tiềm năng là cơ hội tăng lợi nhuận cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người lao động có thêm việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân.

“Tuy nhiên, không thể không lo lắng, từ kinh nghiệm của thực thi WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTAs), Chính phủ và đoàn đàm phán cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho DN về nội dung của các cam kết CPTPP.

Đồng thời, Chính phủ phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và DN để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra. Cụ thể, phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo kết quả khảo sát toàn diện về DN trên toàn cầu của HSBC, khoảng hai phần ba (63%) các DN tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ.

Trong số 1.150 DN có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI