Doanh nghiệp vất vả ứng phó hàng giả, hàng nhái qua mạng

12/11/2024 - 13:36

PNO - Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại TPHCM phối hợp Công ty cổ phần Phát triển khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức ngày 12/11, nhiều doanh nghiệp cho biết đang rất vất vả trong chống hàng giả.

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - cho biết, sau nhiều năm cùng với lực lượng chức năng phát hiện các vụ hàng giả, đến nay Nón Sơn giả trên thị trường truyền thống đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp (DN) đang lo lắng nhất hiện nay chính là hàng giả trên không gian mạng diễn biến phức tạp.

Nhân viên công ty Nón Sơn hướng dẫn khách hàng phân biệt hàng thật - giả
Nhân viên công ty Nón Sơn hướng dẫn khách hàng phân biệt hàng thật - giả

Theo ông Tý, Nón Sơn giả đang được bán rất nhiều trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội. Ở đó, các đối tượng giả thương hiệu bằng cách dùng sản phẩm thật quảng cáo nhưng khi giao lại là hàng giả. Thậm chí có tình trạng, người tiêu dùng bức xúc vì mua hàng giả giá cao nên đến tận cửa hàng Nón Sơn để khiếu nại. Điều này ảnh hướng đến uy tín của DN làm ăn chân chính.

Là chủ DN mỹ phẩm nhưng bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào cũng đóng vai người tiêu dùng đặt mua hàng qua mạng để xem “chiêu trò” của hàng giả trên chợ mạng như thế nào. Kết quả, bà Đào cũng nhận được sản phẩm không như kỳ vọng. “Tôi đặt mua dụng cụ để làm vườn trên mạng, khi nhận hàng lại là một sản phẩm khác không đúng như miêu tả”, bà Phạm Thị Đào bức xúc nói.

Dù gắn rõ giữa hàng thật với hàng giả nhưng nếu bằng mắt thường người tiêu dùng vẫn rất khó nhận diện
Dù được hướng dẫn phân biệt giữa hàng thật với hàng giả nhưng nếu bằng mắt thường người tiêu dùng vẫn rất khó nhận diện

Liên quan đến hàng hóa giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Trần Giang Khuê - Trưởng văn phòng miền Nam Cục SHTT cũng khẳng định, trên không gian mạng đang có rất nhiều hình thức bán hàng nhưng cũng nở rộ hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. “Chúng tôi ghi nhận, có tình trạng bán điện thoại nhái hàng hiệu với giá 1 triệu đồng, thay vì giá hàng thật ở mức 860 triệu đồng; hay như sản phẩm của thương hiệu Adidas cũng bị rao bán với các tên na ná như Adidis, Adidos,...” - ông Trần Giang Khuê nói và cho biết, trước sự gian lận thương mại trên không gian mạng đã có những vụ khởi tố vụ án nhưng lại không khởi tố được bị can vì bị can ở nước ngoài.

Để hàng giả không còn đất sống, nhất là hàng giả trên chợ mạng, ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Công ty Vina CHG - cho biết, đơn vị đã sản xuất tem chống hàng giả ứng dụng công nghệ cao giúp DN bảo vệ thương hiệu, giúp lực lượng chức năng quản lý tốt hơn. Theo đó, từ tem in thông thường dán lên bao bì đã được chuyển thành tem in trực tiếp lên bao bì, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực và chi phí trong việc phát hiện, xử lý hàng giả.

Tuy vậy, ông Hồng cũng chia sẻ rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực này không thể thực hiện đơn lẻ. Nó đòi hỏi sự đầu tư bài bản vào các công nghệ tiên tiến và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, bao gồm DN, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng nên thận trọng khi lựa chọn sản phẩm. Nếu mua hàng mà không truy xuất được nguồn gốc hàng hóa bằng tem chống hàng giả, bằng mã quét QR,... thì nguy cơ hàng đó không phải hàng thật”, ông Hồng khuyến cáo.

Ông Trần Văn Dũng - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường - Tổng Cục Quản lý thị trường:

Thời gian qua lực lượng chức năng đã tăng cường chống hàng giả trên mạng, bước đầu đạt kết quả tốt, song vẫn gặp khá nhiều khó khăn do nạn mua bán hàng giả đã và đang diễn biến phức tạp. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh chống hàng giả trên TMĐT bằng cách lập các tổ để theo dõi sát sao hơn.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI