Lý do không ngờ
Tại Diễn đàn quốc tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập vừa diễn ra ngày 15,16/12, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kể câu chuyện một doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ mới đây phải rút vào sâu trong rừng U Minh đều trồng lúa, dù chi phí rất tốn kém cả về nhân lực lẫn hạ tầng.
Đơn giản là vì nếu vào sâu trong rừng để trồng lúa, doanh nghiệp này sẽ không mất thời gian chuyển đổi đất, đảm bảo được vùng đệm giữa trồng trọt theo phương thức hữu cơ và phương thức thông thường.
Đến động thổ dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với vốn đầu tư 4.500 tỷ tại Hà Giang, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH mừng rỡ khi phát hiện một điều: bà con ở đây rất nghèo, nhiều hộ không có tiền mua phân bón cho sản xuất. Điều đó có nghĩa đất và nước ở đây còn sạch. Ngay lập tức, bà chỉ đạo lên kế hoạch triển khai dự án nuôi bò sữa – đặc biệt là bò sữa hữu cơ ở khu vực này.
|
Một góc Trang trại thảo dược của TH ở Yên Thành, Nghệ An |
Đặc biệt, TH cũng có định hướng làm dược liệu hữu cơ dưới tán rừng. Bà Thái Hương chia sẻ: “Tôi đi trên con đường này 7 năm. Hiện nay tôi đã tư vấn cho tập đoàn TH triển khai sản xuất dược liệu hữu cơ dưới tán rừng ở Nghệ An, Sơn La, Hà Giang... Đó là mô hình giúp người dân sản xuất hữu cơ và bảo vệ rừng. Tôi định hướng cho người nông dân tập hợp thành nhóm sản xuất, thành hợp tác xã, tôi sẽ cung cấp giống cho họ. Người dân sẽ làm 2 việc: một là hái lượm thảo dược hữu cơ tư nhiên dưới tán rừng hoặc nhân giống, trồng dược liệu hữu cơ xung quanh bìa rừng… Doanh nghiệp chúng tôi sẽ liên kết thu.mua sản phẩm cho bà con, thực hiện khâu sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm ra đến chuỗi cuối cùng.
Bà cho rằng với vai trò tư vấn, bà sẽ “truyền lửa” để tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất thảo dược/dược liệu dưới tán rừng để thảo dược trở thành sản phẩm hữu cơ mũi nhọn, thậm chí tạo ra vùng lưu trữ bảo tồn và phát triển thảo dược/dược liệu của Việt Nam, như định hướng của Thủ tướng nói về 5 vùng dược liệu của Việt Nam.
Trồng trọt dưới tán rừng Việt Nam nhưng tập đoàn TH sẽ lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế cho cả trang trại và sản phẩm. Bên cạnh việc kiểm soát sản phẩm từ gốc tới ngọn, Tập đoàn TH còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng việc truy xuất nguồn gốc một cách tỉ mỉ từ sản xuất ở đâu, sử dụng phân bón như thế nào, quá trình từ bắt đầu đến khi ra sản phẩm ra sao…
|
Công nhân thu hoạch rau má tại trang trại TH |
Làm hữu cơ, sợ nhất… sự nhập nhèm
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ cho rằng: Khó khăn mà nông dân và doanh nghiệp phải đối mặt khi bắt tay vào làm nông nghiệp hữu cơ là việc tìm đất, nguồn nước sạch. Vì đa số các vùng trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam đã qua hàng chục năm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân hóa học. Trên nền đất như vậy, không thể chuyển ngay qua sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà phải mất 1,5-2 năm, thậm chí là 3-5 năm mới có thể làm sạch, loại bỏ những chất gây hại từ trong đất, nước.
Tập đoàn TH tiên phong làm kinh tế thảo dược dưới tán dừng và sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu những dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe được sản xuất từ thảo dược được người tiêu dùng lựa chọn.
|
Đàn bò sữa hữu cơ tại trang trại TH |
Ngoài việc phải vào rừng tìm đất xây vùng canh tác, chăn nuôi hữu cơ, các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này như trang trại Bảo Châu, trang trại Hoa Viên… chỉ ra thêm những khó khăn về phân bón, thức ăn chăn nuôi và niềm tin của thị trường.
Tiên phong con đường hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH lại sợ nhất sự nhập nhèm, kém minh bạch trên thị trường.
Bà cho biết: “Thực tế thị trường sản phẩm hữu cơ hiện nay chưa gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Trong chuỗi sản xuất hữu cơ, chưa có cơ quan nào kiểm soát bao quát được toàn bộ chuỗi (từ trồng trọt, sơ chế, phân phối, chế biến…). Chỉ cần một khâu làm ăn gian dối là cả quy trình bị vô hiệu hóa. Một thực tế nữa là chi phí sản xuất hữu cơ cao hơn sản xuất thông thường nên các sản phẩm bình thường cũng “đội lốt” hữu cơ, gây hiểu nhầm cho sản phẩm”.
Để minh bạch quy trình này, Tập đoàn TH đã kiến tạo một hệ sinh thái hữu cơ theo chuỗi từ cánh đồng tới bàn ăn, theo những quy chuẩn khắt khe nhất của Mỹ và châu Âu dưới sự giám sát của tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union.
Hiện diện tích chuyển đổi sản xuất hữu cơ và diện tích đã có chứng nhận hữu cơ Châu Âu và Mỹ của TH lên tới hơn 430ha (328 ha đồng cỏ, 34,7 ha rau củ, dược liệu; gần 70 ha đang chuyển đổi).
Với bà Thái Hương, con đường kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm hữu cơ chính là bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn đất, nước cho tương lai.
Huyền Vũ- Ngọc Anh
Tại Diễn đàn quốc tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập, bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hữu cơ để doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách lành mạnh.
Theo Bộ NN&PTNT, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để trình Thủ tướng có thể ký và ban hành sớm nhất cuối năm 2017, đầu năm 2018. Trong năm 2018, Bộ cũng sẽ khảo sát, xây dựng Đề án phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025.
|