Doanh nghiệp trong nước vẫn chật vật vượt khó

01/08/2023 - 06:01

PNO - Tham gia hội chợ quy mô lớn ở TPHCM, ông Đỗ Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển P&K - cho biết, chỉ bán được vài sản phẩm được chiết xuất từ cây bồ công anh. Khi tham gia các hội chợ tương tự trước khi có dịch COVID-19, ông có thể bán được vài chục thùng sản phẩm.

Thiếu đơn hàng, giảm doanh thu 

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TPHCM - thông tin, đơn hàng xuất khẩu chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp (DN) quay về khai thác thị trường nội địa nhưng không thành công, hiệu quả của các chương trình kích cầu thông qua các hội chợ khuyến mãi không cao. Các DN ngành cao su, nhựa cho rằng, phải khơi thông thị trường bất động sản, từ đó thúc đẩy ngành xây dựng phát triển, tạo nhiều việc làm thì mức chi tiêu mới tăng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm của nhiều ngành, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành khởi sắc.

Đơn hàng xuất khẩu giảm, hàng tồn kho tăng… là các vấn đề khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay (ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3)
Đơn hàng xuất khẩu giảm, hàng tồn kho tăng… là các vấn đề khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay (ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3)

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - dẫn kết quả một khảo sát mới đây của HUBA cho biết, 67% DN đang thiếu đơn hàng, 61% DN nhận định nhu cầu tiêu dùng suy giảm, hàng tồn kho tăng cao. Khá nhiều DN ngành gỗ, giày da, dệt may, chế biến lương thực và thực phẩm đã lên kế hoạch cắt giảm lao động và tiếp đến sẽ là các ngành bất động sản, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán… 

Ông cho biết thêm, hiện có 51% DN bị giảm doanh thu, 62% DN bị giảm lợi nhuận. Tính riêng theo ngành thì 99% DN ngành thép không có lợi nhuận, doanh thu ngành da giày, may mặc giảm 30 - 50%… Trong khi đó, chưa có chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế thu nhập cá nhân khiến người lao động thêm khó khăn, ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường. Ông cho hay: “Các DN cũng phản ánh những khó khăn về vốn do các gói hỗ trợ từ Chính phủ chưa đến tay họ. DN cũng chưa được hỗ trợ thuế thu nhập DN do không có lợi nhuận”.

Giảm thuế để kích cầu tiêu dùng 

Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong bối cảnh DN không có đơn hàng thì không thể hấp thụ vốn được. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để tác động tới thị trường. Để kích thích tiêu dùng nội địa, nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, ông cho rằng, mức giảm này còn quá thấp, nên giảm 4 - 5% đối với nhóm hàng cơ bản, thiết yếu và phải kéo dài chính sách giảm VAT đến hết năm 2024. 

Cơ quan quản lý nên bỏ lối suy nghĩ rằng giảm sâu thuế trong thời gian dài là giảm thu ngân sách, khó cân đối ngân sách. Nếu giảm chưa đủ thì sức mua không tăng, tổng thu ngân sách sẽ giảm. Còn nếu chi tiêu nội địa tăng, DN ăn nên làm ra thì tiền thu ngân sách sẽ tăng lên.

Tiến sĩ  Đinh Thế Hiển

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - cũng cho rằng, muốn người dân có tiền, gia tăng chi tiêu, mua sắm thì phải cắt giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất thấp. Chính phủ đã giảm nhiều loại thuế nhưng vẫn chưa giảm thuế thu nhập cá nhân. Năm 2022, tổng tiền thu từ thuế thu nhập cá nhân hơn 166.000 tỉ đồng, mức cao nhất trong 10 năm qua. 

Theo ông, trong cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009, để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã miễn, giảm thuế cho nhiều đối tượng. Nay, cũng nên giảm thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình lớn để kéo hoạt động xây dựng và các lĩnh vực khác lên, Chính phủ cần thu mua hàng hóa của các DN để dự trữ hoặc hỗ trợ tiêu dùng, trợ giá xuất khẩu. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, phải hỗ trợ để DN nắm được thị trường nội địa. Hiện vẫn còn nhiều bất cập về chính sách khiến hàng Việt Nam thua trên sân nhà. Chẳng hạn, cùng loại hàng nhưng hàng nhập khẩu vào Việt Nam thì được miễn thuế, điều kiện nhập quá dễ nhưng hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế cao, điều kiện xuất khẩu quá khó. Điều này khiến hàng trong nước bị ùn ứ, hàng của nước ngoài tràn ngập thị trường với giá rẻ hơn. 

“Giá hàng ngoại rẻ hơn hàng nội, hàng lậu tràn lan, người tiêu dùng không có tiền mua hàng, người lao động thất nghiệp… Nếu những vấn đề này chưa được giải quyết thì chính sách kích cầu sẽ không hiệu quả. Cần phải kiểm soát thị trường, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN. Nếu DN không thể hấp thụ vốn để sản xuất thì nên tạo điều kiện cho DN vay vốn để đáo hạn các hợp đồng vay cũ” - ông Đinh Trọng Thịnh kiến nghị. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI