Đảm bảo an toàn cho công nhân
“Mồ hôi đổ từng giọt, đọng trên kính bảo hộ mỗi lúc một dày khiến đôi mắt cay xè do phải căng ra nhìn. Bộ quần áo bảo hộ thùng thình nhưng toàn thân bí bách, nóng hầm” - anh Phan Văn Chung nhớ lại. Đó là vào tháng Ba năm ngoái, khi TPHCM ghi nhận một số ca nhiễm đầu tiên. Anh Chung đang là công nhân khâu phân loại chất thải của Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc (VINAUSEN, đóng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh). Công việc buộc anh tiếp xúc thường xuyên với lượng lớn rác thải, bao gồm cả rác thải y tế nên vấn đề an toàn phòng dịch được công ty đặt lên hàng đầu. Công nhân đo thân nhiệt, sát khuẩn, mặc đồ và đeo kính bảo hộ mỗi khi vào ca và đo thân nhiệt, sát khuẩn khi xuống ca.
|
Cholimex Food kiểm tra thân nhiệt người ra vào công ty (ảnh trích từ camera) |
Lần này, dịch COVID-19 tái bùng phát, công ty anh Chung đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn. Các khu vực sản xuất được phun khử trùng ba lần/ngày. “Mỗi sáng, công nhân vào làm việc được khử trùng, rửa tay, đo thân nhiệt. Nếu ai có thân nhiệt cao so với quy định, người kiểm dịch sẽ mời sang phòng cách ly tạm thời để kiểm tra lại” - anh Chung cho hay. Quy trình này cũng được thực hiện trước khi công nhân rời xưởng. Thay vì nghỉ trưa tự do như trước, công nhân phải nghỉ trưa tại chỗ.
Anh Nguyễn Ngọc Trai - công nhân một xưởng dệt may gia công ở Q.Bình Tân - chia sẻ, khi dịch bùng phát vào năm 2020, nhiều đơn hàng của công ty anh bị hủy khiến đời sống công nhân vô cùng khó khăn. Đợt này, công ty nhận được một số đơn hàng nên vẫn có việc cho công nhân làm. “Mỗi chúng tôi đều tự dặn mình đảm bảo an toàn vì chính sức khỏe của bản thân, gia đình và giữ “nồi cơm” của hàng trăm người trong công ty” - anh Nguyễn Ngọc Trai bộc bạch.
TPHCM có tổng cộng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với khoảng 1.330 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, sử dụng hàng trăm ngàn lao động. Từ đầu tháng Năm, UBND TPHCM cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm đảm bảo cho DN hoạt động an toàn trong dịch bệnh. Ngoài tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, bố trí giãn cách, chia ca, áp dụng bộ chỉ số an toàn, DN còn đảm bảo sản xuất an toàn.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - nhận định, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Qua thời gian thử thách, DN đang có sự thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới”, khắc phục khó khăn chồng chất để nối lại dòng tiền, nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động; nhiều DN đã tái cấu trúc, chuyển đổi công nghệ, sản phẩm và thị trường.
Phòng, chống dịch ở tất cả công đoạn
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food, ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh) - trải lòng: “Không phải riêng tôi mà cả ban giám đốc đều rất lo lắng về dịch bệnh vì những tình huống xấu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty, ảnh hưởng đến việc làm của hàng ngàn người lao động”.
|
Kỹ thuật viên Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thông Minh (TP.HCM) chăm sóc rau sản xuất theo phương thức công nghệ cao - Ảnh: Phạm Cường |
Cholimex Food có khoảng 2.000 người lao động, gồm 1.400 người làm trực tiếp và 600 người làm gián tiếp. Công ty phải theo dõi, cập nhật thông tin, thảo luận và chỉ đạo, kiểm tra việc phòng, chống dịch ở các bộ phận không chỉ hằng ngày mà hằng giờ, kể cả ngoài giờ, Chủ nhật, ngày lễ. “Vào lúc cao điểm của dịch, chúng tôi đã thảo luận liên tục qua điện thoại ngay trong tối Chủ nhật, ngày lễ để triển khai cấp bách các công tác phòng dịch khi công nhân quay trở lại làm việc vào sáng hôm sau. Trong những thời điểm như vậy, hầu như chúng tôi không có khái niệm nghỉ lễ hay cuối tuần” - bà Nguyễn Thị Huyền Trang kể.
Theo bà, ngay mùng Tám tết Canh Tý 2020 (ngày đầu tiên đi làm sau tết), công ty đã chuẩn bị sẵn kịch bản, phương án xử lý tình huống khi phát hiện người có liên quan đến ca nhiễm COVID-19, tiến hành đo thân nhiệt tại các cổng bảo vệ, thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang… Bà nói: “Với lượng lao động trực tiếp lớn, ban lãnh đạo đặc biệt chú trọng công tác chống dịch ở tất cả công đoạn trong sản xuất, từ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà xưởng, thiết bị, trang bị bảo hộ lao động đến bố trí sản xuất hợp lý để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất an toàn. Tại nhà ăn, công ty bố trí vách ngăn và khoảng cách an toàn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm”. Công ty đã được đoàn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đến kiểm tra, đánh giá rất cao về công tác phòng, chống dịch, được xếp vào nhóm “rất ít nguy cơ”.
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ tư này, bà Nguyễn Thị Huyền Trang cho hay, các đơn vị trong công ty đặt công tác phòng, chống dịch lên mức cao nhất với các phương án chống dịch chi tiết, cụ thể, kể cả bố trí làm việc online cho một số nhân viên. Công ty còn trang bị thiết bị nhận diện khuôn mặt và máy tầm nhiệt để làm tốt công tác sàng lọc, lập các phòng cách ly tạm thời để đáp ứng tình huống phát sinh trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Ông Chu Tiến Dũng thông tin, qua khảo sát nhanh 100 DN, trên 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái phát dịch COVID-19 lần thứ tư, trong đó có 40% DN thiếu vốn kinh doanh, 80% DN có thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp, 52% DN phải cắt giảm lao động, 14% DN bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, 50% DN bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội để phòng dịch.
Chia sẻ về những khó khăn của DN do dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, dù bị đứt gãy các nguồn cung, sức mua giảm, đặc biệt là ở khối nhà hàng, khách sạn nhưng công ty đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường xuất khẩu và nội địa, như tập trung vào sản phẩm có kích cỡ (size) nhỏ, các sản phẩm công nghiệp tiện dụng phục vụ gia đình, chủ động đàm phán với khách hàng về tiến độ giao hàng: “Với những nỗ lực đó, chúng tôi đã duy trì sản xuất ổn định, không có công nhân nào bị mất việc từ đầu mùa dịch đến nay. Công ty cũng đã hỗ trợ cho 198 người lao động có vợ hoặc chồng bị mất việc do ảnh hưởng của dịch”.
Tuyết Dân