Doanh nghiệp thời trang Hàn Quốc lao đao trước kế hoạch áp thuế của Mỹ

10/04/2025 - 11:41

PNO - Các nhà sản xuất quần áo và giày dép Hàn Quốc đang gấp rút đánh giá tác động từ kế hoạch áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó bao gồm việc áp mức thuế đối ứng vượt quá 30% đối với các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh và Indonesia - vốn là những trung tâm sản xuất quan trọng của các công ty OEM Hàn Quốc.

Dù Mỹ đã hoãn áp thuế đối ứng lên 75 quốc gia, các doanh nghiệp OEM vẫn đang nhanh chóng xây dựng phương án ứng phó.

Các nhà thiết kế thời trang Hàn Quốc trình diễn trang phục của họ tại Concept Korea 2025 FW ở Paris vào ngày 7 tháng 3
Các nhà thiết kế thời trang Hàn Quốc trình diễn trang phục tại Concept Korea 2025 FW ở Paris vào ngày 7/3

Các "ông lớn" OEM Hàn Quốc như Youngone Corporation, Hansae và Hwaseung Enterprise hiện đang vận hành phần lớn cơ sở sản xuất tại các khu vực này.

Theo một báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Daishin, 70% hoạt động sản xuất của Youngone diễn ra tại Bangladesh. Hansae sản xuất 50% hàng hóa tại Việt Nam, trong khi con số này của Hwaseung là 60% ở Việt Nam và Indonesia là 30%.

Những nhà máy này cung ứng cho các thương hiệu thời trang lớn tại Mỹ như Nike, Adidas, Lululemon và GAP. Theo mô hình OEM, khách hàng sẽ đặt hàng, nhà sản xuất Hàn Quốc thực hiện sản xuất tại Đông Nam Á trước khi xuất hàng sang Mỹ.

Sinh viên đại học trình diễn thiết kế của mình tại Tuần lễ thời trang Hàn Quốc - ASEAN 2024 được tổ chức vào ngày 2 tháng 10 năm 2024
Sinh viên đại học trình diễn thiết kế của mình tại Tuần lễ thời trang Hàn Quốc - ASEAN 2024 vào ngày 2/10/2024

Dù trên lý thuyết, thuế nhập khẩu là trách nhiệm của thương hiệu đặt hàng, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Các thương hiệu có thể gây áp lực buộc nhà cung cấp OEM chia sẻ chi phí gia tăng, ví dụ như hạ giá đơn vị sản phẩm từ 50 USD xuống còn 45 USD, giảm chi trả cho nhà thầu phụ.

Điều này đặt các nhà sản xuất Hàn Quốc vào thế khó: từ chối giảm giá có thể mất hợp đồng tương lai, nhưng chấp nhận sẽ phải chịu giảm sút lợi nhuận.

Hansae đặc biệt dễ bị tổn thương, với 90% doanh thu đến từ thị trường Mỹ. Youngone và Hwaseung lần lượt có 30% và 25% doanh thu từ quốc gia này.

“Chúng tôi không chỉ lo về gánh nặng thuế” - một quan chức ngành thời trang giấu tên cho biết - “Điều đáng ngại hơn là sức tiêu dùng tại Mỹ có thể chững lại vì giá cả tăng, điều đó có thể khiến đơn hàng giảm mạnh".

Để giảm rủi ro, các doanh nghiệp OEM đang tìm cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất. Bên cạnh hoạt động tại Đông Nam Á, Hansae còn vận hành nhà máy tại Nicaragua và Guatemala - nơi hiện chiếm khoảng một nửa sản lượng của công ty. Guatemala đặc biệt sở hữu chuỗi sản xuất khép kín từ sợi thô đến thành phẩm.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ở Washington, DC vào ngày 2 tháng 4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Nhà Trắng (Washington, DC) vào ngày 2/4

“Chúng tôi đã mở rộng năng lực tại Trung Mỹ từ năm ngoái, nên kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế tại khu vực có mức thuế khoảng 10% để giảm áp lực” - đại diện Hansae cho biết - “Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh hợp tác với khách hàng châu Âu và Nhật Bản nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ”.

Youngone và Hwaseung - vốn đã có doanh thu cân bằng giữa thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á - cũng đang chuẩn bị các chiến lược ứng phó và mở rộng doanh thu tại các thị trường ngoài Mỹ.

“Các doanh nghiệp đang cố gắng giảm thiểu thiệt hại bằng cách đa dạng hóa địa điểm sản xuất” - đại diện Hiệp hội Công nghiệp thời trang Hàn Quốc cho biết - “Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mà từng công ty có thể tự giải quyết. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính phù hợp với ngành này”.

Tuấn Huy (theo Koreajoongangdaily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI