Doanh nghiệp than khó khi chuyển đổi xanh

09/10/2024 - 10:51

PNO - Nhiều nước ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm xanh (sản phẩm và quá trình sản xuất thân thiện với môi trường). Biết rõ xu hướng này nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại chưa thể chuyển đổi công nghệ, cách thức sản xuất.

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tân Quang Minh - nhận định, tiêu dùng xanh là xu hướng không thể đảo ngược, nếu doanh nghiệp (DN) không đáp ứng được nhu cầu này thì sẽ không biết tiêu thụ sản phẩm ở đâu, bán cho ai và thậm chí không thể bán trong nước.

Thế nhưng, để chuyển sang sản xuất xanh nhằm tạo ra sản phẩm xanh, DN phải có chiến lược dài hạn về đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng mô hình quản trị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực. Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - việc này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nhưng đa số DN vừa và nhỏ khó có đủ nguồn tài chính để thực hiện, lại khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, đa số DN vừa và nhỏ vẫn chưa biết nhiều về các tiêu chuẩn xanh nên chưa biết phải bắt đầu “xanh” từ đâu.

Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trụ sở làm việc để có nguồn năng lượng sạch
Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trụ sở làm việc để có nguồn năng lượng sạch

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên - cho hay, công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hơn 20 năm qua, cũng rất muốn vay vốn để thay đổi dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị: “Chúng tôi cần khoảng 200 tỉ đồng nhưng khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là tín dụng xanh”.

Theo báo cáo được công bố vào tháng 7/2024 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) về mức độ sẵn sàng và những khó khăn của DN khi chuyển đổi xanh, có 48,7% DN cho rằng chuyển đổi xanh là cần thiết; 64% DN chưa có sự chuẩn bị gì; khoảng 50% DN gặp khó khăn về vốn, về tiếp cận thông tin, chiến lược, kỹ thuật và nhân sự.

Ngoài những khó khăn trên, theo ông Trương Hải Hưng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) - việc đầu tư để xanh hóa sản phẩm khiến chi phí giá thành bị đội lên. Trong khi do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua yếu nên DN lại không thể tăng giá bán.

Ngoài khó khăn về vốn, theo đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, DN còn khó tiếp cận, sử dụng điện tái tạo cũng như các ưu đãi dành cho DN tiên phong trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, ông Vương Ngọc Dũng - Giám đốc marketing và phát triển thị trường Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) - cho rằng, DN cần nhận được sự hỗ trợ về chính sách từ phía Nhà nước, về quy trình đổi mới, quản lý vận hành từ giới chuyên gia.

Liên quan đến nguồn vốn cho DN, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) - cho biết, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 42/2024/QĐ-UBND về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay. Theo đó, các dự án, DN, tổ chức kinh tế trong nước có dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM sẽ được cho vay với mức tối đa 200 tỉ đồng/dự án, lãi suất được hỗ trợ 50% hoặc có thể 100%, áp dụng trong vòng 7 năm. Đến nay, có nhiều dự án được HFIC xem xét cho vay vốn và sắp giải ngân.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - cũng cho biết, HUBA sẽ hỗ trợ các DN hoàn thiện quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hỗ trợ DN áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giải pháp kỹ thuật nhằm giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng. HUBA còn tổ chức xét và trao giải cho những DN làm tốt công tác bảo vệ môi trường và chuyển đổi xanh, ưu tiên hỗ trợ những DN này tiếp cận vốn vay ưu đãi, kết nối họ với các nhà phân phối để tiêu thụ sản phẩm xanh…

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI