Doanh nghiệp than gặp khó vì ngân hàng siết tín dụng bất động sản

28/06/2022 - 16:38

PNO - Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay cho các dự án, khiến dự án có nguy cơ “đứng hình” vì thiếu tiền. Tuy nhiên các ngân hàng cho biết họ không siết mà chỉ quản lý chặt chẽ hơn để phòng ngừa rủi ro.

Doanh nghiệp lo lắng 

Theo ông Nguyễn Minh Nhật - Tổng Giám đốc (TGĐ) Vạn Xuân Group - doanh nghiệp (DN) hiện có bốn kênh huy động vốn gồm: từ khách hàng, phát hành cổ phiếu, các quỹ đầu tư (trong, ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng (NH). Trong đó, nguồn vốn từ NH là quan trọng nhất nhưng hiện DN không thể tiếp cận được. Thông tin NH siết tín dụng bất động sản (BĐS) cũng tác động đến tâm lý khách hàng khiến DN càng thêm khó khăn. 

“Khi chúng tôi hỏi vay tiền thì một số NH thông báo không cho vay. NH đồng ý cho vay thì sau đó không chịu giải ngân. Từ tháng Ba đến nay công ty tôi không được giải ngân vì NH báo “hết room”, đến tháng Sáu mới có thể giải ngân lại với mức độ hạn chế. Một số NH thì bất ngờ dừng giải ngân cho khách hàng vay mua nhà hình thành trong tương lai khiến họ rất hoang mang. Các DN cũng rất bất an” - ông Nhật nói. 

Bà Võ Thị Hồng Mai - Phó TGĐ Công ty Asian Holding - cho biết: “Trong khách hàng thì có người mua nhà để đầu tư, có nhiều người mua nhà để ở. Hiện tổng số lượng khách hàng cần vay NH mua nhà từ công ty chiếm khoảng 20 - 30% nhưng họ gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn. Từ khi có thông tin NH siết tín dụng thì thị trường BĐS ảm đạm hơn. Chúng tôi mong ngành NH sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, “nới room” tín dụng cho DN để thị trường có thể ấm lại trong sáu tháng cuối năm”.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản  là cần thiết giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn - ẢNH: B.T
Nhiều chuyên gia cho rằng việc quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản là cần thiết giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn - ẢNH: B.T

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cho biết: Theo thống kê của NH Nhà nước Việt Nam, hiện tổng dư nợ của thị trường BĐS là 2,288 triệu tỷ đồng, (nợ xấu chiếm khoảng hơn 1,6%). Như vậy, nếu so với quy mô của nền kinh tế chỉ ở mức khoảng 19,16%, mức này là bình thường, không đáng lo ngại. Do đó, NH Nhà nước Việt Nam cần có các giải pháp khơi thông nguồn vốn mà vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống NH. 

“Hiện DN BĐS không được vay tiền để mua quyền sử dụng đất, chỉ được vay để thực hiện dự án khi đã có đất. Việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của các DN, khách hàng” - ông Châu nói.

Ngân hàng không siết mà chỉ kiểm soát rủi ro

Ông Nguyễn Đình Vinh - Phó TGĐ NH Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - cho biết: “Hiện dư nợ BĐS tại Vietinbank chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, nợ xấu cho vay BĐS khoảng 3% là một con số tích cực so với ngành nghề khác. Vừa qua, Vietinbank đã có văn bản hướng dẫn các chi nhánh trong việc cho vay liên quan lĩnh vực BĐS theo hướng vẫn tiếp tục ưu tiên cho vay các chủ đầu tư có kinh nghiệm, phát triển dự án thành công; dự án có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng hay thu hút du lịch…”

Ông Nguyễn Đình Vinh đề xuất, về dài hạn, cần khơi thông nguồn vốn như trái phiếu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để DN BĐS tiếp tục có nguồn vốn phát triển dài hạn. Thị trường BĐS càng minh bạch thì NH càng yên tâm cho vay. Những động thái quản lý nhằm “hạ nhiệt” thị trường BĐS của chính quyền nhiều địa phương chẳng hạn như kiểm soát phân lô bán nền… là những tín hiệu để giúp minh bạch thị trường, NH sẽ yên tâm hơn khi cho vay. 

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam - khẳng định: “Đến nay NH Nhà nước chưa có bất kỳ văn bản nào chỉ đạo siết, thắt chặt hay dừng tín dụng vào BĐS. Tuy nhiên, BĐS là đầu tư dài hạn nhưng nguồn vốn vay là ngắn hạn nên NH có nguy cơ rủi ro thanh khoản lớn khi cho DN BĐS vay, cần phải được kiểm soát chặt. NH phải làm là vì sự phát triển chung của đất nước, vì để lĩnh vực BĐS phát triển ổn định”.

“NH Nhà nước không có chức năng kiểm soát rủi ro các hoạt động của công ty BĐS hay trong lĩnh vực BĐS. NH Nhà nước chỉ quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay vào lĩnh vực BĐS đặc biệt là các BĐS đầu cơ…” - ông Đào Minh Tú khẳng định. 

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI