Doanh nghiệp tận thu khoáng sản động mồ mả người dân

08/07/2020 - 17:06

PNO - Dù chưa quy hoạch khu nghĩa địa tập trung, chính quyền các cấp ở Quảng Nam vẫn để doanh nghiệp vào khai thác khoáng sản rầm rộ khiến người dân ngồi như trên đống lửa vì lo mồ mả ông bà bị đào bới mất.

Khai thác tận thu khoáng sản rầm rộ

Ngày 16/10/2019, UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm Quảng Nam được khai thác đá tảng lăn thạch anh trong dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Lộc Đại (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn) theo hình thức lộ thiên với tổng diện tích 50,47ha.

Theo giấy phép, thời gian khai thác từ ngày 25/11/2019 đến ngày 31/12/2020; trữ lượng khai thác 2.005.798 tấn, công suất khai thác 1.337.100 tấn/năm.

Hiện tại, dự án hồ chứa nước Lộc Đại đang triển khai dở dang phần đập tràn và mương dẫn, chưa hoàn thiện đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng đơn vị khai thác tận thu đá thạch anh đã vào khai thác rầm rộ nhiều nơi.

Khu vực núi có nhiều mồ mả bị đào bới để lấy đá thạch anh
Khu vực núi có nhiều mồ mả bị đào bới để lấy đá thạch anh

Đáng nói, ngoài vị trí đập và kênh dẫn của hồ chứa nước, đơn vị khai thác khoáng sản đã múc đá ở cả khu vực nghĩa địa cũ thuộc thôn Thượng Lộc khiến có người thì bị mất dấu mộ người thân, người thì lo lắng tìm không ra mộ.

Bà Huỳnh Thị Liên (65 tuổi, trú tổ 2, thôn Thượng Lộc, xã Quế Hiệp) cho biết: “Tháng 3 âm lịch vừa rồi chúng tôi vào tảo mộ thì phát hiện một số ngôi mộ của gia đình bị họ đào lấy đá động vào. Chúng tôi ra báo xã thì phía xã có trao đổi thông cảm, còn phía công ty không thấy nói gì”.

Bà Liên cho biết, các xe máy làm rầm rộ vào ban đêm, chủ yếu lấy đá phía trên núi, phía những rừng keo đã khai thác.

Anh Lê Công Định (sinh năm 1980, trú thôn Trung Thượng 1, xã Quế Long) cho biết, gia đình anh trước kia ngụ ở xã Quế Hiệp nên mồ mả ông bà đều được an táng ở khu vực hồ thủy lợi hiện tại đang làm. Tuy nhiên, từ khi Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm Quảng Nam vào khai thác đá thạch anh thì gia đình bị đào mất 2 ngôi mộ.

“Tôi đi làm thuê ở Sài Gòn, cuối năm trước đi tảo mộ thì phát hiện 2 ngôi mộ bị đơn vị khai thác đá múc trúng. Tôi lên báo chủ tịch xã Quế Hiệp thì được giới thiệu gặp đại diện công ty. Phía công ty đề nghị lo toàn bộ chi phí cho việc cải táng mồ mả của người thân tôi nhưng với điều kiện chỉ có 2 bên biết, không được tiết lộ ra ngoài”, anh Định nói và cho biết, vì không tìm được chính xác vị trí mộ do các tảng đá đã bị đào bới mang đi nên cách đây vài ngày đã phải bốc đất ở khu vực đó đưa về chôn cất tạm ở vườn nhà.

Anh Định chỉ khu vực một ngôi mộ của gia đình bị mất phương hướng vị trí vì bị đào bới để lấy đá
Anh Định chỉ khu vực một ngôi mộ của gia đình bị mất phương hướng vị trí vì bị đào bới để lấy đá

Ông Phạm Việt (tổ 1, thôn Thượng Lộc) cho hay: “Gia đình chúng tôi có 6 ngôi mộ nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước, 1 mộ nằm ngoài mốc dự án nhưng bên công trình cứ hối xem ngày di dời vào tháng 6, mà bây giờ nghĩa địa mới thì chưa có nên chúng tôi không biết di dời đi đâu, hoang mang lắm”.

Ngược quy trình nhưng vẫn làm

Ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp - thừa nhận quy trình ngược tại dự án xây dựng hồ chứa nước và khai thác tận thu khoáng sản này. Theo ông Toàn, do không có quỹ đất nên xã đề xuất quy hoạch khu nghĩa địa tập trung phục vụ dự án ngay tại khu nghĩa địa cũ. Tuy nhiên, ngay tại khu nghĩa địa cũ, đơn vị khai thác khoáng sản đã vào đào bới để lấy đá thạch anh.

Ông Triệu Ngọc Chi - Trưởng BQL dự án - quỹ đất huyện Quế Sơn - cho biết: “Để phục vụ di dời mồ mả cho dự án hồ chứa nước Lộc Đại, chính quyền xã Quế Hiệp đã lập quy hoạch khu nghĩa địa 4,5ha. Sau này tỉnh thống nhất quy hoạch khu nghĩa địa rộng 1,3ha để cho khoảng 1.600 ngôi mộ cải táng. Tuy nhiên đến nay hồ sơ thiết kế chưa được phê duyệt”.

Cũng theo ông Chi, tổng diện tích dự án hồ chứa nước Lộc Đại khoảng 90ha; trong đó năm 2019 mới đền bù giải phóng mặt bằng được hơn 10ha, chủ yếu là khu vực tràn đập; đầu năm 2020 đến nay mới đang tiến hành phê duyệt phương án bồi thường hơn 10ha nữa; riêng mồ mả chưa phê duyệt đền bù vì chưa có khu cải táng.

Người dân địa phương lo lắng khi khu nghĩa địa mới chưa có nhưng đơn vị khai thác đá vẫn rầm rộ làm khiến nguy cơ mồ mả bị thất lạc
Người dân địa phương lo lắng khi khu nghĩa địa mới chưa có nhưng đơn vị khai thác đá vẫn rầm rộ làm gây nguy cơ mồ mả bị thất lạc

Như vậy, dự án hồ chứa nước Lộc Đại hiện vẫn chưa triển khai xong khu cải táng và chưa giải phóng sạch mặt bằng; song đơn vị khai thác đá thạch anh đã đào bới khắp nơi, động chạm cả mồ mả của người dân.

Chính quyền thừa nhận, mới đây đơn vị thi công đã bốc trúng 20 ngôi mộ vô chủ và đã đưa lên khu nghĩa địa cũ, gạt mặt bằng chôn cất tạm thời kèm đánh số. Chủ tịch xã Quế Hiệp thừa nhận, đơn vị khai thác khoáng sản đã dừng việc khai thác vì hết mặt bằng; tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi thì việc khai thác và chuyên chở khoáng sản từ khu vực dự án về bãi tập trung vẫn được tiến hành.

Theo quy định tại giấy phép khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao UBND xã Quế Hiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo phân cấp; đôn đốc, nhắc nhở Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm Quảng Nam khai thác, vận chuyển khoáng sản đúng phương pháp, công nghệ, quy trình kỹ thuật, tọa độ diện tích, trữ lượng, công suất, loại khoáng sản được cấp phép khai thác theo quy định; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của công ty và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp lại cho rằng, địa phương chỉ có thể công khai quyết định của tỉnh cho công ty tận thu khoáng sản, phối hợp quản lý phạm vi được cấp phép; nếu phát hiện có sai phạm thì báo cáo cho phòng kinh tế hạ tầng huyện. Còn việc giám sát tiến độ, trữ lượng khai thác, công suất khai thác thì ông Toàn không biết mà phải là Ban quản lý các dự án tỉnh Quảng Nam. Ông cũng cho rằng, do xã không đủ cán bộ nên không thể giám sát liên tục hoạt động của đơn vị khai thác.

Chúng tôi đã liên hệ ông Nguyễn Văn Chiến - Phó phòng dự án 2, Ban quản lý các dự án tỉnh Quảng Nam - thì vị này cho biết mình không tham gia việc giám sát, quản lý khai thác đá thạch anh tại Quế Hiệp.

“Tôi chỉ quản lý phần xây dựng và phần đất dôi ra từ đập. Phía công ty được cho phép làm việc phía ngoài đập và họ lấy theo giấy phép của họ. Nếu khai thác ở trong phạm vi của tôi thì tôi quản lý, nhưng việc xong xuôi hoàn thành chở đi thì trách nhiệm thuộc về xã và huyện”, ông Chiến nói.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI