Chia sẻ tại Hội thảo “Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TPHCM” do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Ban Dân vận – Thành ủy và Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, doanh nhân TPHCM đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế thành phố vốn giữ vai trò "đầu tàu" kinh tế cả nước. Nhưng làm sao để "đầu tàu" này là đầu tàu hiện đại, đạt đến tốc độ phi thường chứ không phải đầu tàu “chạy bằng than”.
Lượng doanh nghiệp (DN) của TPHCM chiếm 1/3 tổng lượng DN cả nước, số lượng hùng hậu nhưng thực lực có hùng hầu như số lượng hay không? Thực tế thì thực lực chưa lớn mạnh như số lượng đang có. Để đánh giá thực lực thật sự của DN TPHCM thì phải đo về cấu trúc sức mạnh, vị thế thị trường, năng suất, công nghệ, khả năng đổi mới sáng tạo, chất lượng lao động… chứ không phải đơn thuần là đo số lượng DN.
Chính quyền thành phố và đại diện các hiệp hội cần phải đánh giá với vai trò đầu tàu cả nước, DN đã phát huy đúng mức, đúng tầm giống như kỳ vọng hay chưa? Nếu chưa thì do điều kiện xuất phát, nền tảng thực lực hay là cơ chế chính sách trói buộc. “TPHCM chưa đạt được như mong muốn theo tôi là do thể chế, chính sách nhiều hơn. Những ai đóng vai trò "đầu tàu" của "đầu tàu", câu trả lời vẫn còn chưa rõ ràng chắc chắn. Đây là thời điểm cả thế giới đang bàn về phục hồi, TPHCM nên chớp thời cơ đứng dậy, cố gắng trở lại “bình thường mới” theo nghĩa có thể đứng dậy được. Đã đến lúc DN không phải “xin, cho” chính sách để làm ăn mà Chính phủ, chính quyền TPHCM phải cung cấp chính sách tốt, hỗ trợ tốt nhất cho DN. Riêng bản thân DN phải hành động, dám lên tiếng đề xuất yêu cầu chính sách tốt cho mình. Nếu tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp, có cạnh tranh tốt thì đất nước ta phát triển rất nhanh là một nước có nền kinh tế số lớn” – PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Học cách cạnh tranh
Tiến sĩ Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta đã ký kết và hội nhập vào Asean, Asean + 1 FTAs, TPP/CPTPP, EVFTA, RCEP... DN cần phải học kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, biết chuyển dần từ cạnh tranh “bằng giá” sang cạnh tranh “phi giá”, có như vậy thì mới tham gia được chuỗi giá trị, giảm phí tổn kết nối dịch vụ, vươn lên trong chuỗi giá trị.
Bản thân DN cần phải tạo khả năng tiếp cận vốn, biết sử dụng các công cụ rủi ro biến “cái bất định thành cái xác định” thông qua việc nhận biết đầy đủ tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật tại các nước phát triển. DN hiểu thông tin cam kết hội nhập là chưa đủ, cần nắm bắt những chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới của chính phủ. Kinh doanh là một cơ sở “đắt giá” để chính phủ có cam kết hội nhập, có chính sách thích hợp hơn và điều này đòi hỏi phải có cơ chế trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa DN và chính quyền. Nên có những chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là các do DN nhỏ và siêu nhỏ.
DN tại TPHCM chưa đạt được chất lượng tương xưng với số lượng một phần do thể chế, chính sách của chính quyền.
Theo ông Trương Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, nghiêm túc nhìn nhận thì số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.
“Đầu tư đổi mới theo hướng “công nghệ xanh” là xu thế, chính quyền nên hỗ trợ những DN này. Hội nhập nhưng đừng quên tôn vinh, quảng bá khẳng định giá trị hàng hóa thương hiệu Việt. Nên công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho DN, hạn chế tình trạng tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm giữa doanh nhân và người hoạch định chính sách” – ông Trương Tiến Dũng nhận định.
Vai trò các Hội và Hiệp hội cần phát huy
Vẫn theo ông Trương Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, để đội ngũ doanh nhân lớn mạnh phát triển cả về lượng và chất thì cần phát huy tốt vai trò kết nối DN của các hiệp hội. Hiệp hội nên là cầu nối, tập hợp ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của doanh nhân từ đó tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Cần mở rộng mô hình như mô hình cà phê Huba của Hội Doanh nghiệp thành phố, từ lúc thành lập đã có 59 lần tổ chức giao lưu kết nối DN với chính quyền thành phố.
TPHCM có đến 98% DN nhỏ và siêu nhỏ, theo ôngng Lê Hữu Nghĩa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, các Hội và Hiệp hội chính là đại diện tiếng nói, là cầu nối cho các DN nhỏ vốn còn yếu. Tuy nhiên thực tế các Hội và Hiệp hội vẫn còn hoạt động chưa đồng đều, nhiều lãnh đạo vẫn giữ chức cho có danh nhưng không làm, không hoạt động. Trong khi đó, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương dành cho các Hội và Hiệp hội chưa tốt. Có nhiều cuộc họp, Hội mời lãnh đạo địa phương đến tham dự để cùng tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng người tham dự lại là cán bộ một phòng ban nào đó và chỉ ghé cho có.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong những năm qua chính quyền thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đội ngũ doanh nhân TPHCM không ngừng lớn mạnh, chất lượng càng nâng lên, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, duy trì an sinh xã hội.
Năm 2021 là một năm hết sức khó khăn, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của DN. Nhưng đây cũng là một năm khẳng định bản lĩnh, khả năng chống chịu, sức sáng tạo của DN. Mặc dù có nhiều DN phải ngừng hoạt động, chịu áp lực gia tăng chi phí nhưng các doanh nhân vẫn kịp thời chia sẻ trách nhiệm của mình như đóng góp quỹ vắc-xin, tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu, tặng túi an sinh, túi thuốc phòng và chữa bệnh cho người dân.
Mặt khác, bà Thắng thừa nhận đội ngũ doanh nhân thành phố chưa đồng đều, khă năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu, nhất là kiến thức, am hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, một số DN thiếu sự liên kết chặt chẽ, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực quản lý còn hạn chế, chưa kể một bộ phận doanh nhân còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chưa thống nhất. Hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, cải cách hành chính chưa đáp ứng tốt như đòi hỏi của DN. Chưa kể, hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM và một số hội doanh nghiệp, hội ngành nghề chưa hiệu quả, chưa thật sự là đại diện cho cộng đồng DN…
“Cần đánh giá và nhìn nhận thẳng thắn những mặt còn hạn chế, những nguyên nhân khách quan và chủ quan để có những giải pháp, dự án thực hiện hiệu quả. Trong số những nguyên nhân đã chỉ ra cách đây, những nguyên nhân nào chưa giải quyết dứt điểm và giải pháp trong thời gian tới như thế nào? Những nguyên nhân phát sinh mới làm hạn chế quá trình phát triển doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần nhận diện thấu đáo để khắc phục”, bà Thắng đề nghị.
Tính đến tháng 6/2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại TPHCM là 457.286 DN với tổng số vốn điều lệ là 7.911.787 tỷ đồng, tăng hơn 244% so với năm 2012 (có 186.999 doanh nghiệp). Số lượng doanh nhân khoảng 500.000 người bằng ½ số doanh nhân cả nước.
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.