Doanh nghiệp tại Bình Phước lại “tố” chính quyền làm khó

02/08/2013 - 16:00

PNO - PN - Ngày 1/8, tại Bình Phước đã diễn ra tọa đàm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh hàng loạt DN có đơn kêu cứu vì cơ chế, chính sách của địa phương còn nhiều...

Doanh nghiep tai Binh Phuoc lai “to” chinh quyen lam kho

Một góc nông trường cao su tuyệt đẹp ở Bình Phước- địa phương bị tố làm khó DN

Một số DN cho biết đang đứng trước nguy cơ phá sản vì cơ quan chức năng lạm quyền. Không những thế, nhiều DN còn khổ sở hơn vì việc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng diễn ra liên tục. Theo TS Hoàng Mạnh Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, có DN tiếp cả chục đoàn thanh tra trong một tháng. Một số DN bị thanh tra nhiều lần với cùng một nội dung do các cơ quan thanh tra khác nhau thực hiện. Có những dự án bị thanh tra suốt hai năm trời vẫn chưa xong…

Theo ông Bình, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thay vì có những chính sách và hoạt động thu hút đầu tư, hỗ trợ các DN thì các cơ quan chức năng Bình Phước lại có những hành động khiến cộng đồng DN bức xúc. “Chủ trương, chính sách của địa phương có vẻ như đang đi ngược lại chủ trương, chính sách chung của Nhà nước. Lúc trước Bình Phước trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư, vậy mà nay môi trường đầu tư kinh doanh ở đây đang rất ngột ngạt. Tình trạng DN bị chèn ép, gây khó dễ không nằm ở số ít DN mà phổ biến khắp địa bàn tỉnh. Lãnh đạo địa phương cần tìm ra những giải pháp để hỗ trợ DN, chứ không phải tìm kẽ hở để làm DN khó khăn hơn”, ông Bình nói.

Nhiều DN còn “tố” cơ quan chức năng lạm quyền gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín, thương hiệu, trong đó điển hình là trường hợp của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Phước. DN này đã bị Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh Bình Phước lạm quyền gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi cũng như hình ảnh của công ty. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Tài chính của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Phước, PC49 đã có những hành động vượt quá quyền hạn cho phép khi điều tra về thuế, xác minh về vốn… của công ty. Điều này khiến công ty bị ngân hàng tạm ngưng không cho vay vốn, cổ đông rút vốn. Tổng thiệt hại của công ty từ những việc nêu trên hiện đã lên con số gần 1.500 tỷ đồng, thất thu ngân sách nhà nước gần 96 tỷ đồng.

Còn nhiều bức xúc của DN thuộc các lĩnh vực như thuê đất trồng rừng, chế biến nông sản, xây dựng… tuy nhiên đến gần kết thúc buổi tọa đàm hầu như không DN nào nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo cũng như các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Phước với cộng đồng DN nhằm giải tỏa những bức xúc của DN. Nhưng lần này cũng thế, DN vẫn chỉ nhận được những lời hứa sẽ xem xét và mời đến làm việc trực tiếp để giải quyết.

Không ít DN đã thẳng thừng cho rằng, nếu cơ quan quản lý không giải quyết sớm những khó khăn, vướng mắc, họ buộc phải rời Bình Phước để tìm một môi trường đầu tư kinh doanh khác.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI