Doanh nghiệp sữa phát hoảng vì bị truy thu gần 1.000 tỷ đồng!

02/12/2015 - 09:35

PNO - Bảy doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sữa bỗng dưng bị Hải quan truy thu vô lý gần 1.000 tỷ đồng và hạn định trong vòng 10 ngày phải nộp.

Bảy doanh nghiệp (DN) nhập khẩu sữa nguyên liệu vừa gửi kiến nghị khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính vì bỗng dưng bị Hải quan truy thu vô lý gần 1.000 tỷ đồng. Không những thế, họ còn bị hạn định trong vòng 10 ngày phải nộp số thuế này!

Nguyên nhân của việc truy thu thuế nói trên xuất phát từ thông báo về việc khai báo bổ sung mặt hàng Anhydrous Milkfat (dầu bơ khan từ bơ sữa để sản xuất sữa người lớn và trẻ em) của Chi cục Hải quan sau thông quan thuộc Cục Hải quan TP. Hải Phòng.

Theo thông báo này, cơ quan hải quan cho rằng, Anhydrous Milkfat thuộc mã hàng hóa 0405.90.90 với thuế suất 15%, chứ không phải mã 0405.90.10 với thuế suất 5%. Vì thế, cơ quan hải quan yêu cầu các DN rà soát tất cả các lô hàng khai báo là Anhydrous Milkfat, thực hiện khai báo bổ sung và nộp toàn bộ tiền thuế cho cơ quan này trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 25/11/2015.

Doanh nghiep sua phat hoang vi bi truy thu gan 1.000 ty dong!
Các kết quả giám định đều xác định Anhydrous Milkfat có mã số 0405.90.10, chỉ phải chịu thuế suất 5%

Tự ý thay đổi mã hàng hóa để truy thu thuế?

Bảy DN đồng loạt ký tên vào đơn kiến nghị gồm Vinamilk, Đại Tân Việt, Nutifood, Á Châu, Thế Hệ Mới, Sữa Hà Nội và Hoàng Lâm. Trong đơn, các DN viết rõ: từ năm 2000 đến nay, có rất nhiều DN nhập khẩu mặt hàng trên.

“Ngoài việc khai báo của chúng tôi, cơ quan hải quan trên toàn quốc cũng đã lấy mẫu hàng hóa, gửi đi phân tích tại các cơ quan chuyên môn để xác định chính xác bản chất, thành phần cấu tạo… từ đó làm căn cứ xác định mã số hàng hóa. Tất cả các kết quả giám định, phân tích chứng nhận đều xác định Anhydrous Milkfat có mã số đúng là 0405.90.10”.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc chuỗi cung ứng, Công ty Đại Tân Việt cho biết thêm, mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat (AMF) có cách gọi khác là Anhydrous Butterfat của Tập đoàn Fontera (New Zealand). Anhydrous Milkfat được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Quy chuẩn Codex) mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ, cũng như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc gia VN xác định là như nhau, chính là dầu bơ khan với mã số 0405.90.10.

Tháng Tám vừa qua, Bộ Công thương cũng như Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, Anhydrous Milkfat và Anhydrous Butterfat đều có chung mã số 0405.90.10, bởi chúng có thành phần cấu tạo giống nhau. Dù vậy, cơ quan hải quan vẫn nhất quyết cho rằng đây là hai mặt hàng khác nhau, có mã số cũng như thuế suất khác nhau(!).

Ngày 24/11, Tổng cục Hải quan đột ngột có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thu thuế mặt hàng Anhydrous Milkfat theo mã 0405.90.90, có thuế suất nhập khẩu là 15% và chuyển sang bộ phận kiểm tra sau thông quan xử lý.

Điều trớ trêu kế tiếp khiến các DN đồng loạt bức xúc là trong thông báo về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng này, tuy xác định “nội dung này có hiệu lực kể từ ngày ký” - 18/8/2015, nhưng họ lại bị truy thu thuế từ năm 2010!?

Ngoài ra, việc xác định mã số hàng hóa để áp thuế không thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan, mà là của Bộ Tài chính. “Chúng tôi đã được các cơ quan chuyên ngành và ngay cả Tổng cục Hải quan hướng dẫn kê khai, đóng thuế 5% đối với mặt hàng này từ nhiều năm qua, nay bỗng dưng thay đổi và truy thu hàng trăm tỷ đồng, khác nào đẩy DN xuống vực”, đại diện một DN nói.

Ảnh hưởng nặng nề

Chỉ riêng Công ty Đại Tân Việt, mỗi năm DN này nhập khẩu khoảng 2.000-3.000 tấn Anhydrous Milkfat với giá từ 3.000- 5.000 USD/tấn, như vậy số thuế truy thu DN này phải nộp lên đến 180 tỷ đồng. Nếu tính tất cả số thuế của những DN khác như Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam, Nutifood … thì con số lên đến 1.000 tỷ đồng.

Với hạn định 10 ngày, phần lớn DN cho rằng, họ không thể xoay đủ tiền để nộp cho cơ quan thuế. Nếu không nộp đủ, DN sẽ bị tạm dừng mở tờ khai xuất, nhập khẩu. Việc này sẽ khiến công việc sản xuất kinh doanh của DN bị ngưng trệ. Không chỉ ảnh hưởng đến một DN, mà ngành sữa Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nặng khi nguyên liệu này thiếu hụt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI