Doanh nghiệp sẵn sàng lo kinh phí mua vắc xin cho người lao động

17/06/2021 - 06:17

PNO - Nhiều hãng bay công bố sắp hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân viên của mình. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng đang tìm nguồn vắc xin để tiêm cho công nhân, người lao động và các doanh nghiệp thành viên cũng sẵn sàng chi trả kinh phí mua vắc xin.

Ngày 13/6, đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, 100% cán bộ, nhân viên khối dịch vụ mặt đất và các tổ bay, tổ tiếp viên hàng không đều đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo chương trình của Chính phủ.

Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cũng thông tin, từ ngày 13 - 20/5, hãng đã tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 (vắc xin AstraZeneca) theo chương trình của Chính phủ cho 1.500 nhân viên tuyến đầu của hãng. Công tác tiêm vắc xin được tổ chức tại Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Nhi Trung ương, dự kiến mỗi ngày tiêm cho khoảng 250 người. Những người được tiêm chủng đều được khám sàng lọc và theo dõi sức khỏe chặt chẽ sau tiêm. 

 

Gần 2.300 cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines Group đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 từ chương trình của Chính phủ - Ảnh: Q.T.
Gần 2.300 cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines Group đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ chương trình của Chính phủ - Ảnh: Q.T.

Trước đó, gần 800 nhân viên của Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Vinh cũng đã được tiêm chủng, nâng tổng số được tiêm vắc xin của Vietnam Airlines Group lên gần 2.300 người. Mục tiêu của Vietnam Airlines Group là tiêm vắc xin miễn phí cho 100% cán bộ, nhân viên bằng nguồn kinh phí từ quỹ phúc lợi của công ty.

Trước các đợt tiêm chủng này, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin đợt một cho nhân viên hàng không, những người trực tiếp tiếp xúc, làm việc với hành khách, hàng hóa.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) vừa phát thông báo về chương trình đăng ký tiêm vắc xin cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ. Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA - cho biết, ngoài việc tiếp cận nguồn vắc xin từ Chính phủ, HAWA đang phối hợp với các hiệp hội khác huy động mọi nguồn lực để chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin. Theo đó, hội có khả năng sẽ tiếp cận được nguồn uy tín để mua vắc xin Moderna của Mỹ trong quý IV/2021 với giá dự kiến 30 USD/liều, tiêm hai liều/người, chi phí dịch vụ tiêm 5 USD/người. 

HAWA đã thành lập thêm “Ban hành động Chương trình vắc xin cho cộng đồng ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ” nhằm hỗ trợ thông tin và có những hướng dẫn để cộng đồng DN tiếp cận được vắc-xin kịp thời. Theo HAWA, để sẵn sàng tiếp cận nguồn vắc-xin khi có điều kiện, các DN cần phải đăng ký nhu cầu mua vắc xin, lập danh sách thông tin chi tiết người cần tiêm vắc xin rồi gửi HAWA. “Khi đã đăng ký số lượng, DN phải chuẩn bị nguồn tài chính để đặt cọc. Dự kiến, tiền đặt cọc từ 50 - 70% trị giá lô hàng. Ngay sau khi tiếp cận được nguồn cung cấp uy tín, HAWA sẽ thông tin đến DN, làm hợp đồng và đặt cọc ngay để giữ nguồn” - ông Nguyễn Quốc Khanh nói. 

Ông Nguyễn Văn Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - cho hay, dù là DN chuyên xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng công ty khó bề tìm được nguồn vắc xin, nên phải trông chờ vào Chính phủ và các hiệp hội. Hiện Lập Phúc đã đăng ký với Hiệp hội DN TPHCM, nếu có nguồn vắc xin thì công ty sẵn sàng trả chi phí để người lao động được tiêm vắc xin, san sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc tiêm chủng cho người dân. 

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TPHCM - cũng cho rằng, rất khó để các DN tự tìm và nhập vắc xin vì không có nguồn tin cậy từ nước ngoài, nên phải cần đầu mối là Chính phủ. Hiện các DN trong các khu công nghiệp ở TPHCM đã đóng góp tiền cho Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 và rất muốn chủ động mua vắc xin tiêm cho người lao động nhưng không có nguồn để mua. 

“Chỉ cần có vắc xin, các DN sẵn sàng bỏ thêm chi phí để tiêm cho người lao động bởi chi phí này không phải vấn đề lớn. Khi có vắc xin rồi, cần ưu tiên cho công nhân tại các khu công nghiệp bởi họ vừa chống dịch, vừa sản xuất. Tất nhiên, người lao động bên ngoài vẫn quan trọng, vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng các dây chuyền sản xuất là khâu quyết định cho cả hệ thống công nghiệp. Bằng chứng là vừa rồi, chỉ vài khu công nghiệp gặp trục trặc mà xuất nhập khẩu đã giảm sút” - ông Nguyễn Văn Bé đề xuất. 

Giám đốc một công ty may có quy mô lớn kiến nghị, trước mắt, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho những cán bộ, nhân viên làm công tác thị trường của DN: “Đây là những người đi tìm khách hàng, nếu chỉ ngồi nhà trong mùa dịch thì công ty sẽ không thể có doanh thu”. 

Thanh Hoa - Quốc Thái

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI