Doanh nghiệp 'quên' giá trị đất vàng khi cổ phần hóa

28/05/2018 - 10:58

PNO - Mặc dù sở hữu vị trí đất vàng, nhưng nhiều DN lại không tính hoặc tính thiếu, dẫn tới giá tri doanh nghiệp khi cổ phần hóa thấp hơn thị trường - đây là vấn đề nóng được nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên thảo luận sáng nay

Trục lợi từ “đất vàng” khi cổ phần hóa

Sáng 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016).

Theo ông Thanh, sai phạm chủ yếu của DNNN trong CPH là định giá sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.

“Khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau CPH, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...”, ông Thanh nhận định.

Đây cũng là một trong những vấn đề nổi cộm được ĐBQH nêu lên trong phiên thảo luận. ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhận định, hầu hết cơ quan NN thực hiện CPH trong  giai đoạn 2011 – 2015 đều không xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.  

“Thực tế, nhiều DN có diện tích lớn và vị trí đắc địa, không tính vào giá trị DN và giá trị lợi thế vào giá khởi điểm, gây thất thoát lớn cho ngân sách”, ĐB Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.

Doanh nghiep 'quen' gia tri dat vang khi co phan hoa
ĐB Nguyễn Minh Sơn cho rằng, nhiều DN đã không tính giá trị "đất vàng" khiến định giá DN CPH bị thấp hơn giá thị trường

ĐB Hoàng Quang Hàm cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần quản lý, quy hoạch đất sau CPH, không để sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất, hoặc để sau CPH, DN cổ phần chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, không đúng quy định, xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại…

“Kền kền ăn xác chết” trên dự án thua lỗ

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số yếu điểm trong công tác thoái vốn, cổ phần hóa DN. Trong đó, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNNN hiệu quả chưa cao. Cụ thể, tính đến 31/12/2016, DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Đáng chú ý, nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án...

Liên quan tới vấn đề này, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, báo cáo chưa lột tả được bức tranh đầu tư ra nước ngoài của VN. ĐB đề nghị làm rõ để đánh giá thực chất, tổng kết để xử lý, cơ cấu lại các dự án thua lỗ.

Tại phiên thảo luận, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân của việc hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ tại nhiều DNNN hiện nay là người lãnh đạo không phải chịu trách nhiệm, “chưa ai mất chức, đi tù”.

“Thậm chí, báo cáo tài chính của DN có phép thần thông giữa lỗ và lãi. DN lỗ nhưng lãnh đạo vẫn được trả lương cao. Bởi theo quy định, lãi thì được hưởng nhưng lỗ không bị hạ lương”, ĐB Hoàng Văn Cường nêu vấn đề. Thậm chí, theo đại biểu này, khi cơ quan thua lỗ, phải bán tài sản, máy móc thì đó lại là cơ hội trục lợi cho một số người, hay còn gọi là “kền kền ăn xác chết”.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI