Doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng

30/10/2024 - 07:07

PNO - Sau loạt bài "Thấy gì từ “cơn lốc” hàng Trung Quốc giá siêu rẻ?" đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM ngày 25 và 28/10, các chuyên gia, doanh nghiệp đã lên tiếng về sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, về cách thức để các nhà sản xuất, phân phối hàng trong nước có thể trụ vững, phát triển…

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): Temu chưa gây áp lực lên nhà bán lẻ trong nước

Khi hoạt động tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhưng hiện nay, các sàn Temu, 1688.com, Shein đều chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, nghĩa là nếu họ tiếp tục hoạt động “chui”, cơ quan chức năng Việt Nam có thể chặn.

Hơn nữa, nếu đánh giá kỹ thì nhiều nền tảng thương mại trực tuyến chưa thực sự ưu việt. Chẳng hạn, Temu chưa thân thiện với hành vi tiêu dùng của người Việt, yêu cầu người mua thanh toán ngay khi đặt hàng bằng thẻ tín dụng khiến nhiều người nghi ngại; việc hướng dẫn, hỗ trợ người mua còn hạn chế do bất đồng ngôn ngữ…

Khách mua hàng hóa tại siêu thị đều phải trả thuế VAT 5 - 10%, trong khi mua tại các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đều không phải đóng thuế  - ẢNH: THANH HOA (chụp tại Aeon Mall Bình Tân)
Khách mua hàng hóa tại siêu thị đều phải trả thuế VAT 5 - 10%, trong khi mua tại các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đều không phải đóng thuế - Ảnh: Thanh Hoa (chụp tại Aeon Mall Bình Tân)

Sản phẩm bán trên Temu cũng không rẻ, có sản phẩm còn đắt hơn so với những sàn đang hoạt động hợp pháp ở Việt Nam và nhà bán lẻ của Việt Nam. Nó chỉ rẻ đối với người tiêu dùng Mỹ, châu Âu.

Có thể trong tương lai, Temu sẽ tối ưu hóa các chính sách để phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, còn hiện tại thì chưa. Trước mắt, Temu vẫn chưa thể gây áp lực lên nhà bán lẻ ở Việt Nam và cánh cửa vẫn mở cho nhà sản xuất nội địa.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Công ty cổ phần Công nghệ Haravan (chuyên cung cấp giải pháp phát triển thương mại điện tử): Tận dụng những lợi thế sản xuất đặc thù

Các mặt hàng công nghiệp sản xuất đại trà, hàng tiêu dùng nhanh của Trung Quốc có lợi thế vượt trội về giá cả, chất lượng, nhưng các mặt hàng nông sản, thời trang, thực phẩm, hàng thủ công, nội thất của Việt Nam vẫn có phần nhỉnh hơn về chất lượng và phù hợp với người tiêu dùng Việt hơn.

Dù vậy, chúng ta cũng không nên chủ quan bởi trong tương lai gần, do áp lực cạnh tranh lớn từ các sàn TMĐT lớn, nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cố sức chiếm lĩnh thị trường. Chắc chắn doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, chẳng hạn DN bị tụt giảm doanh thu, đóng cửa hoặc chuyển ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Theo một khảo sát của Haravan với các nhà bán hàng đa kênh online, có đến 70% người tiêu dùng mua sắm online tìm kiếm sản phẩm có giá rẻ nhất. Từ tháng 1 - 6/2024, có 85% đơn hàng trên sàn TMĐT sử dụng ít nhất 1 phiếu khuyến mãi. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc sẵn sàng sản xuất hàng giá rẻ với chất lượng rất đa dạng, kiểu “tiền nào của nấy”.

Việt Nam khó cấm sàn TMĐT Temu như cách mà Chính phủ Indonesia đã làm bởi nền sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam đang cần sự trợ lực về nguyên liệu, máy móc từ Trung Quốc, và Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nông sản chính của Việt Nam. Nếu cấm, sẽ dẫn đến những thiệt hại về kinh tế không lường trước được. Thay vào đó, cần có những giải pháp song song, vừa quản lý những hàng hóa giá rẻ đó, vừa trợ lực để các DN và thương hiệu Việt phát triển vững chắc hơn. Các chủ thương hiệu Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế sản xuất đặc thù ở nội địa hay có tính địa phương cao như thực phẩm, nông sản, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm trị liệu… để phục vụ thị trường tiêu dùng khổng lồ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới.

Ứng dụng mua hàng trực tuyến Shein, Temu… đã hiện diện trên điện thoại của nhiều người tiêu dùng Việt - ẢNH: MAI CA
Ứng dụng mua hàng trực tuyến Shein, Temu… đã hiện diện trên điện thoại của nhiều người tiêu dùng Việt - Ảnh: Mai Ca

Các DN Việt có thể học hỏi những điều hay của họ để phát triển như mô hình kinh doanh M2C (Manufacturing-to-Consumer, tức sản xuất và phân phối hàng hóa trực tiếp từ nhà máy đến tay người tiêu dùng); đồng thời khai thác, tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, người có tầm ảnh hưởng để quảng bá, kinh doanh sản phẩm của mình khắp thế giới; học tập, vận dụng công nghệ AI để cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM: Cần điều chỉnh quy định thuế

Việt Nam đang trên đường hội nhập nên việc các sàn TMĐT xuyên biên giới tràn vào là xu thế tất yếu, không thể ngăn cấm được. Vấn đề quan trọng vẫn là cơ chế quản lý để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chúng, đảm bảo sự công bằng giữa DN trong nước và DN bán hàng từ nước ngoài. Hiện nay, khi ra siêu thị mua một món hàng, người tiêu dùng phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5 - 10% tùy nhóm hàng nhưng khi mua trên các sàn TMĐT xuyên biên giới thì không chịu thuế. Như vậy, cơ quan nhà nước bị thất thu thuế. Do đó, cần điều chỉnh quy định về VAT và thuế nhập khẩu để đảm bảo tính công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế.

Trong nền thương mại toàn cầu, mọi thứ đều “có qua có lại”. Nếu mình cho DN Trung Quốc đưa hàng vào Việt Nam thì cơ quan quản lý phải tác động để phía Trung Quốc cũng phải cho phép các DN Việt Nam bán hàng sang Trung Quốc theo cách tương tự. Hiện Thái Lan đã dùng các sàn TMĐT xuyên biên giới để đưa hàng sang Mỹ và Trung Quốc. Nội lực của DN Việt còn khá yếu, nên Chính phủ cần hỗ trợ để họ đủ mạnh, tự tin xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các nước.

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI