Doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung đang "khát" nhân công

09/02/2022 - 09:37

PNO - Khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất cũng như thành lập mới nên nhu cầu tuyển lao động rất cao. Cuộc chạy đua thu hút người lao động ở những khu vực này khá gay gắt. Người lao động muốn vào Nam vì đã quen việc, quen nơi ăn chốn ở, trong khi việc làm ở miền Trung cũng đang chờ hàng chục ngàn nhân công.

Người ở lại được tạo điều kiện tối đa

Tỉnh Quảng Nam hiện có chín khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp và hơn 100 doanh nghiệp (DN) lớn ngoài khu, cụm công nghiệp, đang cần tuyển gần 17.000 người lao động. 
Trong khi đó, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Nghệ An, cuối năm 2021, hàng trăm DN trong tỉnh đăng ký tuyển dụng với gần 30.000 chỗ làm nhưng vẫn khó tuyển được người. Cùng thời điểm, có hơn 50.000 người về quê tránh dịch. Qua khảo sát, 65% trong số này đã qua đào tạo, trong đó có 25% người có tay nghề, chứng chỉ, nhiều người mong muốn tìm được công việc phù hợp. 

Lãnh đạo Công ty may An Hưng (H.Yên Thành) cho biết, công ty này phát thông báo tuyển dụng hơn 8.000 công nhân từ trước tết Nguyên đán nhưng đến nay mới tuyển được gần 3.000 người: “Chúng tôi tuyển lao động phổ thông, lao động có tay nghề với yêu cầu không quá khắt khe nhưng số dự tuyển vẫn thấp so với nhu cầu tuyển”.

Công ty chuyên sản xuất sản phẩm nội thất Millennium trong Khu công nghiệp Tịnh Phong, tỉnh Quảng Ngãi thông báo tuyển lao động với mức lương khá cao - ẢNH: THANH VẠN
Công ty chuyên sản xuất sản phẩm nội thất Millennium trong Khu công nghiệp Tịnh Phong, tỉnh Quảng Ngãi thông báo tuyển lao động với mức lương khá cao - Ảnh: Thanh Vạn

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An - cho biết, sau tết Nguyên đán, hàng chục DN ở Nghệ An đã đăng ký tuyển dụng gần 20.000 lao động thông qua trung tâm này. Công việc chủ yếu là may mặc, lắp ráp điện tử, chế biến cá… Để giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, trung tâm đã phối hợp với chính quyền một số huyện tổ chức ngày hội “Kết nối, giới thiệu việc làm”.

Ông Nguyễn Quý Linh - Bí thư Huyện ủy H.Yên Thành - cho hay: “Thu hút người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, ở lại quê nhà làm việc là chủ trương của huyện ủy và tỉnh ủy. Việc người lao động có tay nghề ở lại quê nhà không chỉ có lợi cho DN mà còn có lợi cho người lao động khi có điều kiện để chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào các chế độ an sinh, lương bổng của các DN và mong muốn của chính người lao động”.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh cũng dự kiến tổ chức sàn giao dịch việc làm tại TP.Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh vào ngày 10/2 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động. Đã có 63 DN trong và ngoài tỉnh đăng ký tuyển dụng 6.850 người. Trong số này, phần lớn cần tuyển lao động phổ thông.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2021, có khoảng 34.000 người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về Quảng Ngãi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó có khoảng 32.000 người về từ TPHCM và 2.000 người từ các tỉnh, thành khác ở phía Nam. Bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh - cho biết, ngay sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, sở sẽ tổ chức năm sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ (riêng H.Ba Tơ tổ chức hai phiên giao dịch).

Để giải quyết việc làm cho người dân trong tỉnh, năm ngoái, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng vượt trội, như dệt, may mặc, giày da, sản xuất và chế biến thực phẩm, điện dân dụng, thiết bị, vật liệu điện đa dụng, điện tử, công nghiệp phụ trợ, logistics, du lịch, thương mại và dịch vụ. 

Có 23 DN ở tỉnh Quảng Ngãi đăng ký tuyển dụng trên 17.000 người với mức lương từ 5-15 triệu đồng/tháng. Ngày mùng Bảy tháng Giêng, nhiều khu công nghiệp, DN ở tỉnh Quảng Ngãi đã hoạt động trở lại. Một số công ty đăng thông báo tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn, từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử như Công ty TNHH Millennium Furniture, xã Tịnh Phong, H.Sơn Tịnh, trả lương 9-15 triệu đồng/tháng cho lao động phổ thông.

Ông Lê Minh Hưng - Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện, TP.Quảng Ngãi - cho biết, chính quyền xã hỗ trợ người dân làm căn cước công dân, công chứng giấy tờ… để người dân thuận lợi khi muốn vào làm việc tại các khu công nghiệp, DN trong tỉnh. 

Nhưng nhiều người vẫn chọn vào Nam

Anh Nguyễn Tấn Phúc - 23 tuổi, ở H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - cho biết, sẽ quay trở lại TPHCM để làm việc bởi mức lương mà anh đang hưởng ở TPHCM là hơn 17 triệu đồng/tháng, một mức rất khó kiếm ở quê nhà. Với mức lương này, sau khi chi tiêu, anh vẫn để dành được một khoản để gửi về cho gia đình. 

Tại tỉnh Nghệ An, từ mùng Bốn tháng Giêng, nhiều người đã gói ghém đồ đạc để “Nam tiến”. Anh Nguyễn Xuân Dương - 35 tuổi, quê ở H.Yên Thành - cho biết, dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, nhưng do đã nghỉ việc quá lâu nên anh không thể ở nhà thêm nữa: “Đợt cuối năm, cũng có một số nhà máy ở gần nhà tuyển lao động nhưng do không đúng với chuyên môn, lương thấp nên tôi cũng chỉ làm hơn một tháng rồi xin nghỉ. Giờ dịch ở TPHCM đã đỡ hơn nhiều nên tôi quyết định vào lại tìm việc”.
 

Nhiều người Nghệ An rời quê vào miền Nam tìm việc làm sau tết - ẢNH: PHAN NGỌC
Nhiều người Nghệ An rời quê vào miền Nam tìm việc làm sau tết - Ảnh: Phan Ngọc

Ngày mùng Năm tháng Giêng, vợ chồng anh Huỳnh Thanh Khải, chị Đỗ Thị Diễm Chinh - ở xã Hành Phước, H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi - đã khăn gói vội rời quê để vào TPHCM tiếp tục công việc. Anh Khải tốt nghiệp kỹ sư chất lượng cao ngành điện - điện tử Trường đại học Bách khoa TPHCM, hiện đang làm việc cho một tập đoàn của nước ngoài đóng tại TPHCM. Chị Chinh tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, hiện làm việc cho một công ty lớn ở TPHCM. Họ đều có thu nhập cao, ổn định nên không muốn từ bỏ để tìm việc mới ở quê. 

Hai anh em Dương Văn Lạc (26 tuổi) và Dương Thị Thúy Hồng (24 tuổi) cũng nhất quyết vào Nam để làm việc, tích lũy kinh nghiệm. Anh Lạc có nhiều năm làm nghề cơ khí ở tỉnh Bình Dương và muốn tiếp tục học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm quản lý để vài năm sau về quê, lập nghiệp. Em gái anh cũng đã có việc làm ổn định ở TPHCM nên cũng sẽ trở lại nơi này làm việc. Trong tình cảnh khác, anh Nguyễn Thanh Hoàng - 37 tuổi, có bằng trung cấp xây dựng, ở xã Tịnh Thiện, TP.Quảng Ngãi - vào Nam sau tết do làm nông ở quê bấp bênh, thu nhập không đủ sống. 

“Nhiều người về quê để vừa né dịch, vừa tranh thủ nghỉ ngơi, thăm người thân; khi dịch lắng xuống, DN phía Nam hoạt động trở lại, họ sẽ trở vào làm, bởi nhà cửa trong đó, môi trường sống quen, công việc ổn định, làm lâu lương cao”, ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam - nhận định.

Không chỉ vì quen việc, quen nơi ăn chốn ở mà vấn đề thu nhập cũng như cung cách tuyển lao động của các DN miền Trung cũng ảnh hưởng đến quyết định Nam tiến của người lao động. Nhiều DN tuyển lao động tay nghề cao nhưng yêu cầu thử việc ba tháng và trả lương thử việc. Chị Nguyễn Ánh Tuyết - người hồi hương trong đợt dịch năm 2021 - nói: “Sau gần 10 năm làm công nhân may mặc ở tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Do đó, phía tuyển dụng nên tăng mức lương đầu vào để chúng tôi yên tâm làm việc, không nên thử việc ba tháng như người chưa biết nghề”.

Vừa qua, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam đã khảo sát nhu cầu việc làm đối với những người hồi hương trong các khu cách ly với kết quả: rất ít người muốn ở lại quê để làm việc. Phần lớn người tham gia khảo sát trả lời rằng sẽ quay lại TPHCM và các tỉnh phía Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài mức lương, phần lớn người lao động cũng đã có công việc và chỗ ở ổn định gần nơi làm việc. 

Nhiều công ty ở Đà Nẵng tuyển hàng ngàn công nhân

Ngày 7/2, Tập đoàn Trung Nam cho biết, nhà máy Trungnam EMS sẽ đưa vào vận hành hai máy trong phân khu A2, tạo chỗ làm mới cho 1.000 - 2.000 người, ba nhà máy còn lại sẽ kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực điện tử, viễn thông. 

Ngày mùng Bảy tháng Giêng, 95% công nhân trong tổng số gần 3.500 công nhân của Công ty cổ phần Dệt may 29 Tháng 3 đã quay trở lại nhà máy. Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty - cho hay, các phân xưởng đều đã hoạt động trở lại sau hơn một tuần nghỉ tết. Trong năm mới, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2021 và tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhà máy đạt chuẩn xanh môi trường tại cơ sở 1 (Q.Thanh Khê) và nhà máy Nho Trung 2 (H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trong quý I/2022, công ty sẽ tuyển thêm khoảng 400 người lao động nhằm đáp ứng tiến độ các đơn hàng đã ký kết.

Công ty TNHH AUE Việt Nam chuyên sản xuất các linh kiện máy bay, hiện đang sử dụng khoảng 850 công nhân và dự kiến sẽ tuyển thêm 1.000 người trong năm 2022. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI