Doanh nghiệp nộp thiếu phí bảo vệ môi trường, ngành thuế Thừa Thiên Huế “vô can”?

09/08/2023 - 14:54

PNO - Lãnh đạo Cục thuế Thừa Thiên Huế vừa thông tin liên quan đến việc xử lý kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

Chỉ “nhắc nhở cá nhân”

Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế Hà Văn Khoa vừa có thông tin chính thức đến báo chí kết quả xử lý các yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước về việc doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản lộ thiên nộp thiếu phí bảo vệ môi trường do không tính hệ số K = 1,1 trong giai đoạn năm 2017-2022.

Ông Hà Văn Khoa làm việc, thông tin với một số phóng viên liên quan kết quả xử lý đề nghị của Kiểm toán Nhà nước về thu thiếu phí bảo vệ môi trường năm 2017 – 2022
Ông Hà Văn Khoa làm việc, thông tin với một số phóng viên liên quan kết quả xử lý đề nghị của Kiểm toán Nhà nước về thu thiếu phí bảo vệ môi trường năm 2017-2022 - Ảnh: Nhật Lam

Theo đó, ngay sau khi nhận được thông báo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm và triển khai việc truy thu nguồn phí thu thiếu này.

Nhiều mỏ khoáng sản lộ thiên tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bị khai thác nham nhở, không được bảo vệ, hay khắc phục suy thoái, tái tạo môi trường (Ảnh: Nhật Lam)
Nhiều mỏ khoáng sản lộ thiên tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bị khai thác nham nhở, không được bảo vệ, hay khắc phục suy thoái, tái tạo môi trường - Ảnh: Nhật Lam

Theo vị đứng đầu ngành thuế Thừa Thiên Huế, thực tế các doanh nghiệp sai phạm số tiền không lớn và ngân sách hầu như không thất thoát vì sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì doanh nghiệp đã khắc phục hết. Có 9/10 đơn vị doanh nghiệp đã truy thu đầy đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, chỉ còn 1 doanh nghiệp chưa thu hồi với số tiền hơn 70 triệu đồng là Công ty CP Xây dựng 939 (đóng ở đường Tam Thai, TP Huế) do chủ bỏ trốn.

Không kiểm tra, hay quên kiểm tra?

Một số mỏ đá lộ thiên tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế nhiều năm ô nhiễm bụi, tiếng ồn, vận chuyển làm hư hỏng đường sá nhưng qua không được xử lý, bảo vệ như luật pháp quy định (Ảnh: Nhật Lam)
Một số mỏ đá lộ thiên tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế nhiều năm ô nhiễm bụi, tiếng ồn, vận chuyển làm hư hỏng đường sá nhưng không được xử lý, bảo vệ như luật pháp quy định - Ảnh: Nhật Lam

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 10 doanh nghiệp nộp thiếu phí bảo vệ môi trường khi không tính hệ số K = 1,1 (chỉ tỉnh K = 1,0) có nhiều doanh nghiệp có “tên tuổi” trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế như: Công ty CP Vận tải Hùng Đạt, DNTN Tuyết Liêm, Công ty TNHH Hoàng Ngọc, Công ty CP Lâm nghiệp 1-5, Công ty CP Xây dựng 939, Công ty CP Vật liệu Xây dựng Lộc An, Công ty TNHH Tuấn Vũ, Công ty Thiên Phúc, Công ty Trường An, HTX Niềm Tin…

Trong số những doanh nghiệp này vi phạm nộp thiếu phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K = 1,1 từ 2-3 năm, trong đó có doanh nghiệp như Công ty TNHH Tuấn Vũ 2 năm, Công ty Hùng Đạt 3 năm (2019, 2020, 2021). Điều lạ là việc các doanh nghiệp kê thiếu, nộp thiếu ngành thuế Thừa Thiên Huế vẫn không phát hiện, mãi đến khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, “điểm mù” này mới được chỉ ra và yêu cầu truy thu.

Mỏ đất lộ thiên đang khai thác của Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Long Phụng (Ảnh: Nhật Lam)
Mỏ đất lộ thiên đang khai thác của Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Long Phụng - Ảnh: Nhật Lam

Giải thích lý do vì sao ngành thuế Thừa Thiên Huế không phát hiện trong một thời gian dài khoản phí nộp thiếu nói trên, ông Khoa cho rằng “chính sách tính phí bảo vệ môi trường hệ số K = 1,1 là tương đối mới nên doanh nghiệp, người dân chưa cập nhật kiến thức”. Trong khi đó, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước (Chuyên ngành 2) thực hiện kiểm toán đối với ngành thuế Thừa Thiên Huế liên quan việc tính phí bảo vệ môi trường theo hệ số K = 1,1 tại các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản lộ thiên là chiếu theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2017, tức cách đây 6 năm, không còn gì là mới.

Việc lãnh đạo Cục thuế Thừa Thiên Huế viện dẫn lý do cơ quan thuế chưa tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp nên chưa phát hiện để đẩy “trách nhiệm số 1” khâu quản lý, thu phí bảo vệ môi trường về doanh nghiệp và cho rằng mình vô can, liệu có phải chối bỏ trách nhiệm?

Thuận Hóa - Nhật Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI