Doanh nghiệp nổ mìn đe dọa cuộc sống người dân

03/03/2017 - 17:29

PNO - Gần ba năm nay, việc nổ mìn khai thác đá ở khu mỏ đá vôi của Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm (gọi tắt là công ty Đồng Lâm) đã làm nứt cả trăm nhà dân.

Những tiếng nổ đinh tai lúc giữa trưa

Gia đình ông Nguyễn Văn Tường (thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân) luôn phải sống trong sợ hãi do hoạt động nổ mìn khai thác đá của Nhà máy xi măng Đồng Lâm thuộc công ty Đồng Lâm.

Chỉ tay lên bức tường vừa mới xây nhưng đã bị nứt toác do áp lực của mìn phá đá, ông Tường lo lắng: “Hàng ngày, cứ đúng tầm 11h30 là phía nhà máy cho nổ mìn. Mỗi lần như vậy, nền đất nhà tui lại rung chuyển, mấy khung cửa sổ cứ rung lắc bần bật. Nền sân, bờ tường vì thế mà rạn nứt hết”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngôi nhà cấp 4 của ông Tường nằm cách mỏ đá khoảng gần 300 m. Hiện, tường của ngôi nhà này có nhiều vết nứt lớn, sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào.

Điều đáng nói, tình trạng nhà nứt do nổ mìn khai thác đá đã diễn ra nhiều năm, nhưng chính quyền vẫn chưa có phương án bảo đảm sự an toàn cho người dân. Qua thống kê sơ bộ, toàn thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân có 130 hộ dân, trong đó nhà cửa hầu hết các hộ đều bị nứt nẻ.

Ngoài ra, tại các thôn khác như Hiền An, Vinh Ngạn, nhiều nhà dân cũng bị tình trạng tương tự. Ngoài bị nứt nhà, hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc nổ mìn gây ra khói bụi, đá văng xa làm thiệt hại nhiều diện tích ruộng lúa.

Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Trần Văn Minh ngụ ở thôn Hiền An bức xúc: “Mỗi khi nhà máy Đồng Lâm nổ mìn phá đá là vết nứt trên tường nhà lại thêm dài ra, to lên, lộ cả vôi vữa. Tiếng nổ mìn lớn đến mức con trẻ và người già trong xóm đều khiếp đảm”.

Doanh nghiep no min de doa cuọc song nguoi dan
Các vết nứt bắt đầu xuất hiện từ khi doanh nghiệp nổ mìn, phá đá

 Nhà nứt là do... xây dựng không chắc chắn(?!)

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỏ đá của Nhà máy xi măng Đồng Lâm có diện tích khoảng 120 ha, bắt đầu khai thác từ năm 2014 đến nay. Hoạt động khai thác đá tại đây được nhà máy này hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (gọi tắt là công ty Tân Việt Bắc) thực hiện. 

Đã nhiều lần, người dân phản ánh với chính quyền và nhà máy, nhưng mỗi lần dân kêu, cán bộ công ty Tân Việt Bắc xuống kiểm tra xong lại đổ lỗi do dân làm đòn tay, gác trên nhà không chắc chắn và đưa ra phương án tháo dỡ đòn tay, rồi trám lại vách tường, nhưng người dân kiên quyết không chịu.

Ông Trần Xuân Lộc ở thôn Xuân Lộc giải thích: “Nhà cửa tụi tui tuy là cấp 4 nhưng bà con làm rất chắc chắn vì sợ giông, bão. Như căn nhà tui đây, đầu tư trên 100 triệu đồng, mới xây mấy năm mà giờ nứt nẻ hết.

Công ty xuống kiểm tra, đề nghị gia đình tháo đòn tay ra để khắc phục nhưng tôi kiên quyết không chịu, vì chỉ trám lại mấy chỗ nứt cũng như không. Chừng nào việc nổ mìn khai thác đá ở khu vực gần khu dân cư chưa chấm dứt thì chừng đó nhà của bà con sinh sống còn tiếp tục nứt nẻ, dân vẫn luôn phải sống trong cảnh bất an”.

Theo người dân, việc nứt nhà chỉ xảy ra từ khi công ty Tân Việt Bắc bắt đầu nổ mìn, khai mỏ. Khu vực quanh mỏ đá trước đây không bị xáo trộn gì, cũng không có động đất.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân xác nhận, hiện tại, có ba thôn chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc nổ mìn của công ty Tân Việt Bắc, đó là thôn Xuân Lộc, Vinh Ngạn, Hiền An. 

UBND xã Phong Xuân đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền và các ban ngành liên quan từng kiểm tra các phản ánh của người dân. Nhưng ông Cân lại cho rằng, hiện chưa thể kết luận được nguyên nhân nứt nhà của hàng trăm hộ dân có nguyên nhân từ việc nổ mìn của công ty Tân Việt Bắc hay không.

Ông Cân thừa nhận, việc sản xuất của bà con bị ảnh hưởng do nổ mìn là có, trong năm 2015 và 2016, phía doanh nghiệp đã đền bù cho người dân, nhưng năm 2017 chưa thấy đền bù gì.

Ông  Đoàn Văn Tuấn, chỉ  huy phó đội nổ mìn của công ty Tân Việt Bắc nói: “Nổ mìn thì phải có chấn động chứ không thể nói không có, nhưng phải đánh giá trên nhiều phương diện chứ không thể nói nhà nứt chỉ do nổ mìn”.

Ông Tuấn cho biết, sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công thương và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế để đánh giá, xem xét bồi thường cho người dân.

Trong khi đó, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì cùng với UBND huyện và Nhà máy xi măng Đồng Lâm có phương án đền bù thiệt hại cho người dân.

Trên cơ sở thẩm định độc lập, phía Nhà máy xi măng Đồng Lâm sẽ đền bù thỏa đáng. Theo ông Hùng, ngoài việc đền bù, cũng cần tính đến phương án di dời những hộ dân bị ảnh hưởng để đảm bảo an toàn.

 Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI