Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đối mặt nhiều khó khăn

10/07/2021 - 11:39

PNO - Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là gặp khó trong tiếp cận vốn vay.

Theo báo cáo mới đây của UBND TPHCM, trong ba năm (2018-2020) triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (NVV), TPHCM đã tập trung nhiều giải pháp, thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ DNNVV như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất 4,5 - 6%/năm, cho vay với lãi suất 4 - 6%/năm, khoanh nợ và giảm lãi do tác động của dịch COVID-19, hỗ trợ về thuế, mặt bằng sản xuất, công nghệ, mở rộng thị trường, tư vấn pháp lý, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, liên kết ngành và chuỗi giá trị… Tuy nhiên, thực tế, DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là gặp khó trong tiếp cận vốn vay.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn, khó mở rộng thị trường nên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 càng nặng nề - Ảnh: Quốc Thái
Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn, khó mở rộng thị trường nên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 càng nặng nề - Ảnh: Quốc Thái

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - cho biết, khoảng 30% số DNNVV tiếp cận được vốn ngân hàng, 70% chưa tiếp cận được do không có tài sản thế chấp, do các báo cáo tài chính không ổn, đặc biệt là các báo cáo về thuế, do phương án vay và thanh toán không thuyết phục. Các ngân hàng vẫn có sự ưu ái hơn cho DN quy mô lớn. 

Ông Diệp Châu Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất thực phẩm Trí An - kể, công ty có tài sản thế chấp (không phải tín chấp) nhưng vẫn khó vay được vốn bởi quy định của phía ngân hàng chỉ mang tính hình thức. Ngân hàng có hình thức thế chấp tài sản bằng hàng hóa nhưng khi công ty đem sữa thế chấp, ngân hàng lại yêu cầu bảo quản sữa trong kho lạnh, phải thuê kho theo chỉ định và thuê bảo vệ canh hàng, dù điều kiện bảo quản lô sữa là ở nhiệt độ thông thường. “DN chúng tôi đã bỏ không ít tiền để đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng nhưng sau đó, ngân hàng vẫn không cho vay” - ông Minh Trí nói. 

Ngoài vốn, các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cũng chủ yếu tập trung vào các DN lớn, có yếu tố Nhà nước. Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng - cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại là cơ hội để nhà cung cấp và nhà nhập khẩu giao thương, tìm hiểu sản phẩm mới, đưa sản phẩm của DN vươn xa hơn. DNNVV ít vốn, khó khăn khi tìm nguồn vốn vay từ ngân hàng nên cũng rất khó triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho DNNVV còn rất ít. Nhiều DNNVV không hề biết đến các hoạt động xúc tiến thương mại, nếu có biết và chủ động đăng ký tham gia, cũng phải tự “bơi”.

Cũng theo báo cáo đầu tháng 7/2021 của UBND TPHCM, bên cạnh những khó khăn nói trên, thời gian qua DNNVV còn bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần trong năm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra DN quá một lần/năm nhưng thực tế, hầu hết DN vẫn bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần ngoài kế hoạch, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc thanh tra bao gồm phòng cháy, môi trường, hàng hóa, giấy phép, lao động, hóa đơn chứng từ, thậm chí có cả việc đến kiểm tra chỉ để “trao đổi” cách khắc phục tình trạng DN bị kiểm tra nhiều lần. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI