Doanh nghiệp nhà nước nên là công ty cổ phần đại chúng

06/10/2017 - 08:26

PNO - Do vậy, thay vì cố gắng phát triển doanh nghiệp nhà nước, chúng ta nên cổ phần hóa thực sự hầu hết các doanh nghiệp này thành công ty cổ phần đại chúng (không có vốn nhà nước chi phối)

Phát triển doanh nghiệp nhà nước hay chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần đại chúng?

Theo tinh thần chỉ đạo của Hội nghị TƯ VI, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục cần được đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả; đồng thời phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo các thông tin báo chí gần đây, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đã bị phá sản, mặc dù được đầu tư lớn, ưu ái như Đạm Hà Bắc, Gang thép Thái nguyên, Sợi Đình vũ. Chúng ta rất băn khoăn tự hỏi tại sao Tập đoàn Hóa chất của nhà nước với cơ sở vật chất hùng mạnh và được ưu ái nhiều thứ nhưng chỉ mới điểm qua 4 dự án gần đây đã thua lỗ trên 4.000 tỷ đồng?

Trong chiều ngược lại, từ một phát minh khoa học đoạt giải thưởng Kovalevskaya, TS Nguyễn Thị Hòe đã phát triển thành công Tập đoàn Kova với 9 nhà máy và 12 công ty thành viên ở 7 nước; trong đó được xem là đứng đầu sản phẩm sơn tại thị trường khó tính  Singapore và Malaysia.

Nhiều người cho rằng đây là trường hợp cá biệt; tuy nhiên nó có thể cá biệt tại Việt Nam (VN), chứ là trường hợp điển hình ở thế giới. Chính các doanh nghiệp tư nhân với những doanh nhân sáng tạo, chứ không phải doanh nghiệp nhà nước mới là những doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm giá trị và cạnh tranh, sử dụng vốn hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn nhất cho kinh tế quốc gia, trong đó có ngân sách. 

Không chỉ Tập đoàn hóa chất, mà năm nào, giai đoạn nào chúng ta cũng thấy những doanh nghiệp nhà nước phá sản, mất vốn rất lớn, những bài học của Tổng công ty 90 - 91; của Vinashin, Vinaline và nay là tập đoàn khoáng sản, Hóa chất đã cho thấy điều đó. Chúng ta cũng thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần đại chúng như Vinamilk, Dược Hậu giang đã thực sự trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế...

Trở lại trường hợp Tập đoàn Kova, vì sao không trở thành công ty hàng đầu của VN về lĩnh vực hóa chất, có phải vì không phải là doanh nghiệp nhà nước, hoặc không chịu thực hiện “đầu tư bằng quan hệ, công nghệ là phong bì” như bà Phạm Chi Lan đã phát biểu tại diễn đàn về “Chính sách cho cạnh tranh quốc gia” vừa diễn ra sáng 3/10 tại Hà Nội; do vậy họ chỉ thành công lớn ở nước ngoài.

Hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tề VN đi bằng một chân rưỡi, đó là chân doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển theo hướng gia công giá trị gia tăng thấp và doanh nghiệp nhà nước dựa trên đầu tư công; còn doanh nghiệp tư nhân đang rất khó khăn.

Bất kỳ quốc gia nào, muốn phát triển thành công, vượt qua bẫy thu nhập trung bình đều phải dựa trên những doanh nghiệp nội địa sáng tạo; và đáp án đó đã được thực chứng thành công trên thế giới là những công ty cổ phần đại chúng và các doanh nghiệp SME năng động, chứ không phải dựa trên doanh nghiệp nhà nước.

Do vậy, thay vì cố gắng phát triển doanh nghiệp nhà nước, chúng ta nên cổ phần hóa thực sự hầu hết các doanh nghiệp này thành công ty cổ phần đại chúng (không có vốn nhà nước chi phối); chỉ giữ lại một số doanh nghiệp thiết yếu về an ninh năng lượng và hạ tầng.

Khi đó Chính phủ kiến tạo thực sự là người tạo ra môi trường kinh tế thị trường hội nhập và giám sát sự vận hành các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng; điều này sẽ giúp kinh tế VN nhanh chóng phát triển theo những mô hình quản trị, ứng dụng và đầu tư hiện đại; chấm dứt thật sự gánh nặng của kinh tế bao cấp mà các doanh nghiệp nhà nước đang ôm lấy để hưởng lợi. 

Đinh Thế Hiển

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI