Doanh nghiệp Nhà nước được 'nhắm' làm sân bay Long Thành

12/11/2019 - 13:23

PNO - Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13, sáng 12/11.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể  đã báo cáo Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ gồm một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và các hạng mục phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 của dự án, ước tính, để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có.

Các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Doanh nghiep Nha nuoc duoc 'nham' lam san bay Long Thanh
Bản phối cảnh sân bay Long Thành trong tương lai

Trong phiên thảo luận sáng 12/11, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hoa (tỉnh Bắc Giang) cho rằng cần tính đến những giải pháp hợp lý, tránh tác động đến nợ công vì đây là công trình liên quan tới quốc gia nên cần thận trọng, chặt chẽ. Đại biểu Hoa đồng tình với việc không vay vốn ODA thực hiện dự án.

Bà Hoa đề nghị, Chính phủ xem xét chỉ định cho doanh nghiệp thực hiện dự án gồm hai doanh nghiệp là ACV và VATM. Lý do, đây là DN nhà nước giữ cổ phần chi phối hơn 95%, nên nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì ACV là đơn vị duy nhất đáp ứng và có khả năng triển khai dự án đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng cho rằng, nếu giao dự án cho các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện thì tương lai đất nước sẽ có công nghiệp hàng không và đây sẽ là đột phá tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân - Hoàng Văn Cường (đại biểu Hà Nội) lo ngại: theo báo cáo giải trình thì ACV chỉ đáp ứng được 1/3 vốn cho dự án, còn hơn 2,6 tỷ USD phải đi huy động.

“ACV là DN Nhà nước sở hữu 95% vốn, nếu có rủi ro gì thì vẫn phải gánh chứ không thể nói không bảo lãnh thì không có trách nhiệm gì”, ông Cường bày tỏ.

Đồng thời, ba lý do để giao ACV như: đây là đơn vị có kinh nghiệm, có nguồn vốn, việc thực hiện không qua đấu thầu có thể tiết kiệm được thời gian triển khai sớm dự án là chưa thuyết phục.

Ông Cường cho rằng chưa thể khẳng định chỉ ACV mới có kinh nghiệm mà các đơn vị khác không có kinh nghiệm. Thực tế, với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã chứng minh tư nhân có thể làm tốt.

Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường. “Sun Group làm được Vân Đồn, tại sao ACV không làm được, ACV có tiềm lực, có kinh nghiệm và có sự chỉ đạo của Chính phủ…”, ông Hồng nêu.

Còn theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc, việc xem xét toàn bộ hồ sơ dự án theo quy định là chưa có. Về tiến độ thực hiện, mục tiêu đặt ra là khó vì hồ sơ báo cáo chậm, tiến độ thu hồi đất mới chỉ đạt trên 1%, mục tiêu năm sau bàn giao đất vào 2020 khá khó khăn.

Còn với nguồn vốn và khả năng huy động vốn, ông cho hay cần đánh giá kỹ hơn cũng như tác động khoản vay này đến trần nợ công.

Cụ thể, ông Thành chỉ ra trong tờ trình ACV nêu có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng từ 21 cảng, song đến nay chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ bù chi và có lãi, tức là vẫn phải bù lỗ, chưa thể góp vốn cho ACV trong tương lai gần.

Chưa kể, khả năng huy động vốn cho dự án cũng cần phải cân đo lại tính khả thi khi mà số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD thì có thể huy động các nguồn nhưng với 11 tỷ USD giai đoạn tiếp theo thì "khả năng huy động vốn thế nào?". Còn chưa nói đến hiệu quả tài chính, liệu đã dựa trên các chi phí đầy đủ và nhất là so sánh với tổng mức đầu tư của hai sân bay đã nêu trên.

Tuy nhiên, thẩm tra trước đó, ông Vũ Hồng Thanh (Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế) nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước để làm dự án này.

Theo phân tích, trong gần 4,2 tỷ USD vốn của ACV rót vào dự án, dự kiến DN phải vay gần 2,63 tỷ USD. Theo Luật Quản lý nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh nên sẽ được tính vào nợ công. Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc khả năng huy động vốn của ACV và năng lực tài chính của AVTM. 

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được Quốc hội thông qua chủ trương năm 2015 bằng Nghị quyết 94. Năm 2017, Quốc hội tiếp tục chấp thuận tại Nghị quyết 38 tách riêng dự án giải phóng mặt bằng giao cho Đồng Nai. Phần cảng và hạng mục khác giao cho Chính phủ đứng ra chủ trì.

Theo chủ trương, dự án sẽ được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ 3 giai đoạn là 336.600 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD).

Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục.

Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI