Doanh nghiệp, người dân thờ ơ vay vốn, tín dụng giảm mạnh

22/08/2023 - 13:50

PNO - Kinh tế còn khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 chậm lại và xuống mức âm so với các tháng trước đó.

Chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng ngày 22/8, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, gây áp lực lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp trong nước.

Ngành ngân hàng đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, sử dụng các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đồng thời tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp... Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 tới 14-15%, như vậy là hạn mức tín dụng trong những tháng cuối năm còn khá nhiều, trong khoảng 10%.

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp và người dân không có nhu cầu vay vốn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp và người dân không có nhu cầu vay vốn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay - Ảnh minh họa

Nếu so với tăng trưởng tín dụng các tháng trước đó thì tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 này chững lại và có dấu hiệu tăng trưởng âm. Như hồi tháng 4/2023 vừa qua, tăng trưởng tín dụng là 3,03%, sang tháng 5 là 3,27% và trong tháng 6 là 4,73%. Nhưng bước sang tháng 7 chỉ còn 4,6%. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất yếu. Và đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020).

Theo ông Đào Minh Tú, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng, nhưng nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng thì nợ xấu tăng lên, tạo ra ách tắc cho nền kinh tế.

Ông cho rằng, hiện các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp. “Để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI