Doanh nghiệp “ngủ đông”, ngân hàng đòi có doanh số mới cho vay

29/03/2020 - 07:19

PNO - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng cũng tung ra nhiều gói vay hỗ trợ, song nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết rất khó tiếp cận.

Rào cản các gói ưu đãi

Giám đốc một công ty du lịch cho biết, doanh nghiệp (DN) ông đang vay hơn 10 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/năm. Trong khi đó ngân hàng đang có gói vay lãi suất ưu đãi 6,5%/năm nhưng chỉ áp dụng đối với khoản vay mới, ông có ý định cầm cố nhà, lấy tiền tất toán khoản vay cũ rồi vay mới để hưởng lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, ông một lần nữa bất lực khi ngân hàng đòi phải có phương án kinh doanh và sử dụng vốn. Ông cũng bấm bụng làm nhưng ngân hàng bảo không khả thi.

“Hiện nay, tất cả DN du lịch đều có doanh số bằng 0, chưa biết bao giờ hết dịch, ngân hàng đòi hỏi phương án kinh doanh khả thi trong thời điểm này rất khó cho DN. Đã rất nhiều lần, các DN vừa và nhỏ như chúng tôi rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ từ chính phủ. Ở trên ban hành là một việc, ở dưới các ngân hàng thực hiện và báo cáo ra sao lại là việc khác” - vị giám đốc này bức xúc.

DN du lịch ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 nhưng khó vay tiếp do rơi vào nhóm DN có nhiều  rủi ro
DN du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng khó được vay hỗ trợ từ ngân hàng

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, hiện chỉ có một số ngân hàng lớn giảm lãi suất nhưng việc giảm lãi thực hiện không đồng đều tại các ngân hàng và địa phương. Đã có DN được ngân hàng đánh giá được mức độ thiệt hại và quyết định giảm lãi suất vay. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, riêng khoản cũ thì không được áp dụng.

Ngoài tiền lãi ngân hàng quá cao, các DN còn gánh hàng chục loại chi phí khác tại ngân hàng mà vẫn chưa được miễn giảm như: phí chuyển tiền trong nước và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí gởi hồ sơ, phí báo có…

Thậm chí, có DN du lịch bức xúc rằng, ngay cả ông là khách hàng cũ vẫn bị từ chối xét duyệt vay thêm trong thời điểm hiện tại do DN đang nằm trong nhóm kinh doanh rủi ro. “DN du lịch chúng tôi bị thiệt hại rất nghiêm trọng và thời gian để tiếp cận gói vay hỗ trợ này rất cấp bách. Chúng tôi mong hãy bỏ quan niệm DN lớn đương nhiên được ưu tiên mà bỏ qua các DN vừa và nhỏ. Hãy xem độ ảnh hưởng, tầm quan trọng đóng góp của DN đó ra sao”, đại diện Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) chia sẻ.

Còn theo quan điểm của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, ông không đồng tình việc tung ra gói vay ưu đãi nhưng chỉ áp dụng cho khoản vay mới mà không áp dụng cho khoản vay cũ. Hiện nay, các DN dệt may đang lo tiền đóng bảo hiểm, tiền lương cho công nhân; tiền điện, nước, thuê mặt bằng... nên DN mong được hỗ trợ giảm lãi suất cho khoản vay cũ để vượt qua khó khăn chứ không có nhu cầu vay mới. "Sản xuất và buôn bán đều đình trệ, phá sản tới nơi, vay mới để làm gì?", ông nói.

Doanh nghiệp ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn trong mùa dịch
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may mong được giảm lãi suất gói vay cũ nhưng ngân hàng chỉ giảm ở các gói vay mới

Chờ… thiệt hại?

Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư chỉ đạo các ngân hàng đánh giá thiệt hại của DN để sớm kịp thời giảm lãi suất, khoanh - giãn nợ, cơ cấu lại nợ… hỗ trợ khách hàng thiệt hại. Song đến nay, nhiều DN cho biết vẫn chưa biết được hỗ trợ ở mức nào.

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Công ty TST Tourist cho biết, DN thuộc nhóm đối tác chiến lược của ngân hàng nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ngân hàng cũng chỉ đang xem xét phương án hỗ trợ như cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay cho công ty, còn kế hoạch cụ thể như thế nào thì chưa có. Theo ông Mẫn, DN du lịch đã gặp thiệt hại, tất cả thể hiện trước mắt nhưng vẫn phải chờ các chiến lược thì có sự trễ.

Theo các chuyên gia, các ngân hàng cần phải sớm có kế hoạch cụ thể hỗ trợ các DN, vì nếu chậm có thể gây hậu quả cho nền kinh tế. Còn nhớ, vào năm 2009, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu đầu tiên có giá trị 17.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho DN, hộ sản xuất. Tuy nhiên Chỉ thị ban hành vào tháng 2/2009 nhưng phải đến tháng 4/2009 các DN mới tiếp cận được. Lúc đó, không ít DN đóng cửa.

Lý do của sự chậm hỗ trợ là do các ngân hàng khó đánh giá được mức độ thiệt hại của DN. Đại diện ngân hàng VPBank cho biết, ngân hàng đã chủ động đánh giá thiệt hại của DN để có sự hỗ trợ từ sớm, ngay trước khi có chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, theo ngân hàng này thì việc rà soát DN chịu ảnh hưởng không hề dễ, nhất là đối với những DN chịu ảnh hưởng gián tiếp. Riêng các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp thì phải dựa vào tiêu chí, căn cứ thông qua lịch sử kinh doanh của DN.  

cvcg
Theo các chuyên gia, các ngân hàng cần phải sớm có kế hoạch cụ thể hỗ trợ các DN, vì nếu chậm có thể gây hậu quả cho nền kinh tế.

Thậm chí với trường hợp DN muốn ngân hàng khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ thì phải cung cấp nhiều chứng từ, giấy tờ chứng minh DN kinh doanh khó khăn, phải chấp nhận sự kiểm tra thẩm định của ngân hàng. Theo phó giám đốc một ngân hàng thương mại chi nhánh tại TPHCM thì các ngân hàng phải đánh giá kỹ trước khi hỗ trợ, bởi gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra hỗ trợ DN theo Thông tư 01 là dùng nguồn lực của bản thân các ngân hàng thương mại để hỗ trợ khách hàng hiện hữu cho các khoản vay hiện hữu, nếu sơ suất là nợ xấu sẽ phát sinh.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI