Doanh nghiệp, ngành hàng vẫn “dài cổ” đợi hỗ trợ

13/08/2020 - 19:46

PNO - Theo nhiều doanh nghiệp, ngành hàng, việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn “giậm chân tại chỗ” do những điều kiện đi kèm.

Mới đây Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) tiếp tục kiến nghị tháo gỡ những khó khăn để có thể tiếp cận các gói hỗ trợ giúp các doanh nghiệp (DN) trong ngành tiếp cận dễ dàng hơn, sớm vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân cả nước, cũng như dự phòng nguồn dự trữ trong bối cảnh dịch diễn biến theo kịch bản xấu nhất, đảm bảo an sinh xã hội..

Những vướng mắc trong các gói hỗ trợ của Chính phủ dù được các DN, ngành hàng chỉ ra từ lâu nhưng vẫn chưa được sửa đổi
Những vướng mắc trong các gói hỗ trợ của Chính phủ dù được các DN, ngành hàng chỉ ra từ lâu nhưng vẫn chưa được sửa đổi

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA cho rằng, do đặc thù của ngành, thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng cao đột biến, lên tới 40-50% nên doanh thu quý I của các DN luôn tăng, sau đó sẽ giảm dần ở các tháng tiếp theo. Khi xảy ra dịch COVID-19, doanh thu của các DN ngành vẫn tăng nhưng sụt giảm rất mạnh sau đó. Trong khi đó, điều kiện ưu đãi trong chính sách hỗ trợ không phù hợp với ngành lương thực thực phẩm vì các DN không thể chứng minh được việc sụt giảm doanh thu, kinh doanh lỗ, hàng tồn kho tăng …

Các doanh nghiệp du lịch cũng không thể tiếp cận các gói hỗ trợ này. Đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết, tính đến quý I/2020, tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ trên địa bàn thành phố là 5.864 người, nhưng hiện có chưa đến 10 hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Trong khi đó, 90% DN lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, hầu hết DN đã cho nhân viên tạm nghỉ việc không hưởng lương.

Các công ty du lịch cho rằng, chính sách cần thông thoáng, sát thực tiễn để giúp ngành du lịch tiếp cận dễ dàng hơn với các gói hỗ trợ. Như, gói bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể chuyển về trực tiếp cho DN để chủ động giải quyết, vì đưa về các địa phương sẽ khó quản lý do có sự chuyển dịch lao động trên toàn quốc. Đồng thời, cần cân nhắc giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN trong 6 tháng cuối năm…

Bà Lý Kim Chi kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần mở rộng đối tượng hỗ trợ các DN ngành này để có thể tiếp cận các khoản cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất vay… để DN có nguồn vốn sản xuất, đảm bảo ổn định nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Đặc biệt, cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi. Cần đưa ra chủ trương, khung thời gian biểu về việc kéo giảm lãi suất huy động ở mức phù hợp để giảm lãi suất cho vay mang tính chiến lược lâu dài thay vì tạm thời, để hỗ trợ cho DN và thị trường có thời gian hồi phục khi tác động của dịch đến DN còn kéo dài.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ của Chính phủ dù đã có tuy nhiên vẫn chưa hiệu quả vì nhiều DN, người lao động chưa tiếp cận được. Trong khi đây là hai đối tượng cần được hỗ trợ cấp bách. Chương trình hỗ trợ cho DN vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19 cần được thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng và làm nhanh, kịp thời.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI