PNO - Nhiều doanh nghiệp tìm được cơ hội kinh doanh ngay trong đại dịch nhờ ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức kinh doanh, bán thêm sản phẩm, khai thác thị trường mới.
Cẩn thận kiểm tra từng mẻ cá khô vừa hoàn thành, bà Phan Sắc Cẩm Ly - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia - tiết lộ, đây chính là cách để công ty tiếp tục “nuôi quân” trong mùa dịch: “Chúng tôi chuyên cung cấp sỉ hải sản cho hơn 2.000 nhà hàng, khách sạn khắp cả nước. Đang kinh doanh ổn định thì dịch bùng phát nhiều nơi, kênh phân phối sỉ giảm hơn 80%. Để duy trì hoạt động và nuôi quân, chúng tôi đẩy mạnh bán lẻ và tập trung vào khâu chế biến món cá kho, giao hàng tận nhà cho khách. Thời dịch bệnh nên người ta ngại ra đường, thường mua online”. Khi TP.HCM giãn cách xã hội, việc bán hải sản tươi sống chế biến sẵn mang về đã mang lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp (DN) này.
Chuỗi siêu thị hải sản Hoàng Gia bán cá kho giao tận nhà
chia sẻ về món cá kho mới cung cấp ra thị trường, bà Cẩm Ly cho biết, cá dùng để kho là cá chép tươi sống, nặng từ 4-6kg/con, nuôi trong các lồng bè ở hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai. Cá được cắt khúc và chỉ lấy phần ngon nhất để kho cùng hơn 20 loại nguyên liệu, gia vị trong 18-20 giờ theo chuẩn công thức của đầu bếp năm sao. “Mỗi ngày, chúng tôi bán được hơn 100 niêu cá có trọng lượng từ 500g đến 1kg/thố với giá là 299.000-499.000 đồng/thố. Sắp tới, chúng tôi dự định tiếp tục ra mắt nhiều sản phẩm chế biến sẵn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng như nước cốt lẩu, xúp bào ngư vi cá” - bà Cẩm Ly chia sẻ.
Cũng ngay trong mùa dịch, Công ty TNHH Thực phẩm Thương mại Đại Phát chào hàng sản phẩm mới là bánh ú tro. Vẫn là nguyên liệu truyền thống gồm gạo nếp, nước tro và lá tre nhưng để tạo sự khác biệt mà vẫn giữ được mùi vị truyền thống, công ty đặt mua loại gạo nếp ngon nhất ở tỉnh Tiền Giang, còn nước tro được làm từ nguyên liệu riêng của Đại Phát. Ngoài bánh ú tro, công ty này còn sản xuất bánh ú mặn và bánh ú chay, được nhiều khách hàng ưa thích.
Ông Hứa Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Đại Phát - cho biết: “Món bánh ú tro của chúng tôi hướng đến tiêu chí an toàn sức khỏe, phù hợp với người cao tuổi, người bệnh tiểu đường. Chúng tôi có lợi thế là sản xuất tại nhà máy lớn theo tiêu chuẩn xuất khẩu của châu Âu, Nhật Bản. Dù mới được giới thiệu, phản ứng thị trường đã rất tốt với lượng đơn hàng đặt trước rất cao”. Theo ông Hứa Ngọc Lâm, đây là một trong những cách giúp công ty tăng doanh thu trong bối cảnh lượng đơn hàng sụt giảm do đại dịch.
Xác định “sống chung với dịch”, khi dịch COVID-19 quay trở lại, Công ty AZA Travel dồn lực cho mảng sản xuất và kinh doanh bia thủ công. “Chúng tôi bán bia đã hai năm nhưng vẫn luôn coi du lịch là mảng chính. Du lịch đang gặp khó khăn và dự kiến còn kéo dài, bia có khả năng khởi sắc hơn. Chúng tôi chủ yếu bán online, vận chuyển tới tận nhà khách hàng” - ông Nguyễn Tiến Đạt, đại diện AZA Travel, cho biết.
Cũng gặp khó khăn trong việc kinh doanh chuỗi sáu nhà hàng, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Vua Cua quyết định mở dịch vụ Vua Cua Bike - mô hình bán hàng bằng xe lưu động, chế biến cua và các loại xốt chấm miễn phí. Khách hàng đặt mua cua sẽ được chế biến theo yêu cầu. Công ty này cũng đang nghiên cứu chế biến các món bánh canh cua và bánh canh hải sản làm từ ghẹ, tôm tích, tôm sú, tôm càng, mực, sẽ sớm mở bán trong thời gian sắp tới.
Bán chạy hàng nhờ công nghệ, mô hình mới
Đưa được sản phẩm mới chinh phục thị trường thế giới trong mùa dịch cũng là một thành công của Công ty Vinamit. Đó là nước mía đông khô, giữ nguyên vị tự nhiên tới 98%. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit - chia sẻ: “Công nghệ sấy đã có từ lâu, nhưng sấy sao để giữ được các dược tính và tất cả những vitamin, chất vi lượng trong sản phẩm, giúp nông sản sau chế biến vẫn như mới hái từ trên cây về, mới là cái quan trọng. Thêm nữa, trước đây, người ta chỉ sấy thăng hoa các vật thể rắn thông thường, còn những sản phẩm lỏng như nước từ trái cây hay cây có dược tính cao thì gần như chưa ai làm”.
Bánh ú tro là sản phẩm mới, được Công ty Đại Phát đẩy mạnh sản xuất, phân phối trong mùa dịch
Với phương pháp mới này, các loại cây trái như mía, thơm, cóc sau khi thu hoạch sẽ được ép thành nước và đưa thẳng vào máy sấy đông khô rồi chuyển thành dạng bột, không chỉ dễ dàng pha uống và xuất khẩu, mà còn giữ nguyên được tất cả những vi khuẩn sống và các chất vi lượng có lợi trong đó, bảo toàn hương vị và chất lượng đến 96-98% so với sản phẩm tươi mới. Hiện các sản phẩm sấy đông khô từ thiết bị sấy kết hợp IoT (internet vạn vật) của Công ty Vinamit đã xuất được sang thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Trong giai đoạn xuất khẩu khó khăn do dịch bệnh, Công ty cổ phần Phúc Sinh ra mắt app (ứng dụng), website bán hàng trực tuyến Kphucsinh. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phúc Sinh - cho biết, ngay khi dịch xuất hiện, Phúc Sinh đã có phương án, kịch bản dự phòng: “Chúng tôi phải đa dạng trong chế biến cũng như phát triển thị trường siêu thị, trực tuyến. Chúng tôi kết nối với hàng trăm nhà sản xuất, bán hàng, phân phối lớn và trực tiếp nhập khẩu để đa dạng hóa các mặt hàng trên cùng một app. Từ khi có app, chúng tôi bán được rất nhiều hàng. Trong các đợt dịch, nhờ có app, chúng tôi tăng lượng bán hàng, thuê thêm người và doanh số tăng gấp 2-3 lần so với trước”.
Theo ông, đôi khi khó khăn sẽ tạo ra sự bứt phá cho DN, để DN khám phá và vượt qua các giới hạn: “Chúng tôi có 400 người và vẫn sống bằng xuất khẩu. Xuất khẩu chính là con đường sống sót của DN. Nếu bình thường, có lẽ chúng tôi chưa thể lập tức có một cổng kết nối hàng triệu khách hàng như hôm nay. Tôi hy vọng đây cũng sẽ là nguồn cảm hứng với nhiều nhà kinh doanh, với xã hội”.
“Đầu tư công nghệ mười mấy năm, đến nay ra được thêm app, chúng tôi rất vui. COVID-19 khiến mọi thứ thay đổi và trong khó khăn, công ty chúng tôi chuyển hướng, sáng tạo. Giả sử không có đại dịch, kết quả kinh doanh vẫn bứt phá thì chưa chắc chúng tôi đã đẩy nhanh app bán hàng. Nhờ khó khăn mà mọi việc được tiến hành rốt ráo hơn” - ông Phan Minh Thông nhìn nhận.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động len lỏi đến mọi ngóc ngách để phục vụ tận nhà người tiêu dùng. Thay vì mở các đại siêu thị điện máy như trước, đơn vị này đẩy mạnh mô hình Điện Máy Xanh supermini. Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động - mô hình này thực chất là một siêu thị Điện Máy Xanh nhưng được “rút gọn” về diện tích, chủng loại hàng hóa để dễ chen vào các khu dân cư bình dân và vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua sắm những mặt hàng điện máy, điện thoại của người dân. Chỉ trong vòng bốn tháng cuối năm 2020, đã có 300 siêu thị Điện Máy Xanh supermini ra đời.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - nhận định, giai đoạn này, không chỉ DN nhỏ mà cả DN lớn cũng tái cấu trúc công ty, thay đổi cách thức kết nối với khách hàng, thay đổi cách tiếp thị, vận chuyển, giao hàng. Đây chính là cách duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong mùa dịch. Ông nói: “Trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, rất cần có sự thay đổi để thích ứng tình hình. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi các DN, đơn vị kinh doanh nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, linh động thay đổi để biến nguy thành cơ, đẩy mạnh sự phát triển của đơn vị mình theo những cách riêng”.
Theo ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - DN Việt Nam đứng trước những xu thế và tư tưởng phát triển mới. Ngay trong đại dịch COVID-19, có cả cơ hội và sự sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Đó là việc chuyển đổi sản phẩm sao cho phù hợp với những đòi hỏi mới của thị trường. Cách tiếp thị, gắn kết giữa các đối tác và với thị trường cũng đang có sự chuyển dịch đáng kể. Đặc biệt, DN đang tích cực trong chuyển đổi số để hòa cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.