Doanh nghiệp mệt mỏi vì hàng giả, hàng nhái

22/07/2024 - 07:19

PNO - Soạn giả Nhâm Hùng (TP Cần Thơ) cho biết, đầu năm 2024, thấy tài khoản Facebook “Thế giới sách” rao bán quyển sách Hình ảnh Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX của Nhà xuất bản Thông Tấn với giá 199.000 đồng (giá bìa là 350.000 đồng) nên ông đặt mua. Tuy nhiên sách giao tới có nội dung là truyện tranh lộn xộn. Ông phản hồi nhưng bị tài khoản bán sách chặn tương tác.

Theo ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Long Sơn - có rất nhiều thủ đoạn làm sách giả, dễ thấy nhất là các đối tượng lừa đảo lấy sách gốc scan và in ra để bán. Cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý làm gương tình trạng làm sách giả hiện nay.

Cục Quản lý thị trường TPHCM thu giữ, xử lý hàng giả, hàng nhái - Ảnh do Cục Quản lý thị trường TPHCM cung cấp
Cục Quản lý thị trường TPHCM thu giữ, xử lý hàng giả, hàng nhái - Ảnh do Cục Quản lý thị trường TPHCM cung cấp

Đầu tháng 7/2024, Hội Điều tỉnh Bình Phước đã có văn bản đề xuất tỉnh có giải pháp chấn chỉnh việc buôn bán các sản phẩm hạt điều kém chất lượng giả mạo hạt điều Bình Phước. Theo ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch hội - một số website và mạng xã hội Facebook đăng bán hạt điều "Đặc sản Bình Phước" với giá 100.000 đồng/6 hộp hạt điều bể (3kg); 100.000 đồng/3 hộp hạt điều còn vỏ lụa (1,5kg)... Đây là hạt điều nhập khẩu cũ, kém chất lượng, không có nhãn mác, hạn sử dụng…, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của điều Bình Phước .

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM - cho biết, hiện các doanh nghiệp (DN) không chỉ vất vả lo sản xuất, kinh doanh mà còn phải tốn nhiều công sức, tiền bạc để chống chọi với nạn hàng giả, hàng nhái. Trừ một số ít DN có vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ theo đuổi, phần lớn DN còn lại chỉ có thể tự vệ yếu ớt hoặc chấp nhận sống chung với hàng giả, nhái. Có DN biết nơi đang bán hàng giả của một thương hiệu mà mình đang là đại diện độc quyền song để khởi kiện được cũng rất phức tạp. Bởi khi khởi kiện phải chứng minh đó là hàng giả, chứng minh thiệt hại của DN cụ thể… rất phức tạp. Bên cạnh đó, quy trình xử lý vi phạm hàng giả, nhái cũng rất chậm (do phải có sự hợp tác của nhiều cơ quan chức năng về giám định, kiểm tra...), kết quả xử lý thường nhẹ nên không đủ sức răn đe.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hàng hóa rao bán trên mạng chỉ cần khác 1 dấu chấm, dấu phẩy đã thành tên thương hiệu khác, nên người tiêu dùng rất khó nhận diện thật giả. Chưa kể, những người bán hàng gian dối thường dùng tên giả hoặc ẩn danh, không có địa chỉ, không đăng ký kinh doanh... Do vậy, người tiêu dùng cần chọn sản phẩm của những nhà sản xuất có thông tin rõ ràng; chính sách mua bán, đổi trả minh bạch, nhận hàng mới trả tiền…, không ham giá rẻ.

Ông cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nhà mạng trong việc chống hàng giả, hàng gian. Các sàn thương mại điện tử phải theo dõi, kiểm tra các đơn vị đăng ký bán hàng. Chẳng hạn, nhà bán hàng phải có đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng hàng hóa, tài khoản ngân hàng, trách nhiệm liên quan đến quảng cáo và thanh toán. Cơ quan quản lý thị trường phải quản lý hàng hóa, kể cả những buổi live stream... và xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm. Từ đó mới có thể hạn chế tình trạng hàng giả, nhái.

Các cơ quan chức năng đã, đang và sẽ tăng cường phối hợp thường xuyên, hỗ trợ kịp thời và kiên quyết trong xử lý hàng giả, bảo vệ DN làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh thông tin trên các kênh truyền thông sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái để người tiêu dùng kịp thời tẩy chay sản phẩm kém chất lượng. Khuyến khích người dân tham gia tố giác đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; đồng thời tuyệt đối bảo vệ thông tin người tố giác.

Chúng tôi cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố ký cam kết không kinh doanh, chứa trữ hàng hóa giả, kém chất lượng. Nếu tiếp tục vi phạm sau khi ký cam kết sẽ bị phạt nặng.

Người tiêu dùng nếu phát hiện các mặt hàng giả, hàng nhái và không đảm bảo chất lượng có thể phản ánh trực tiếp hoặc gửi thư tới Cục Quản lý thị trường TPHCM (số 242 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3); gọi đến đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TPHCM số 028 39 321 014.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM

Mai Ca - Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI