Doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản kêu còn khó tiếp cận tín dụng

15/09/2023 - 18:13

PNO - Chiều 15/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo và thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trung Phạm 

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 ngàn tỉ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 ngàn tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 ngàn tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Ngành ngân hàng sẽ tăng cường nguồn vốn cho lúa gạo
Ngành ngân hàng sẽ tăng cường nguồn vốn cho lúa gạo

Dù vậy, tại hội nghị vẫn còn nhiều doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn.

Ông Ngô Minh Hiển – Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) băn khoăn: “Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỉ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; song nhiều ngân hàng chậm triển khai nên một số doanh nghiệp không tiếp cận được. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần linh hoạt trong việc cho vay vào giai đoạn cao điểm nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu cho dân lúc vào vụ thu hoạch…”.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho hay, doanh nghiệp có 10 nhà máy chế biến gạo với khoảng 2 triệu tấn mỗi năm, phục vụ xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. Năm 2023 này, Lộc Trời cần khoảng 8.000 tỉ đồng đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời sẽ thực hiện 260.000ha lúa chất lượng cao trong đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, Lộc Trời rất cần vốn và cần các ngân hàng đồng hành việc cho vay theo “chuỗi giá trị” ngành hàng lúa gạo.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN khẳng định, sẽ ưu tiên nguồn vốn cho phát triển lúa gạo và thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long, không thể để thiếu vốn cho 2 lĩnh vực quan trọng này. Phía NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để tập trung tín dụng, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân sản xuất lúa gạo và thủy sản trong vùng được tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, phục vụ xuất khẩu...

Tới đây sẽ tiếp tục hạ lãi suất, kể cả cho vay cũ và cho vay mới; giảm lãi suất cả nội tệ và ngoại tệ. Cắt giảm phí không cần thiết và nghiêm cấm việc bán bảo hiểm – kèm điều kiện giải ngân. Bảo hiểm là quyền lựa chọn của khách hàng, không ép khách hàng. Ngoài ra, cần linh hoạt cho vay theo mùa vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường thu mua sản phẩm lúa gạo, thủy sản cho người dân khi tới thời điểm thu hoạch.

Huỳnh Lợi

                                                                                                                          

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI