PNO - Hiện tại, đa số doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất hàng phục vụ tết Ất Tỵ 2025. Nhưng do dự báo sức mua yếu nên nhiều doanh nghiệp chỉ chuẩn bị lượng hàng bằng với tết năm trước.
Ông Diệp Nam Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) - thông tin, do dự báo sức mua vẫn yếu, công ty chuẩn bị lượng hàng tết Ất Tỵ 2025 bằng với tết Quý Mão năm 2023, tức chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Công ty dự kiến tập trung làm các hộp quà, giỏ quà có đầy đủ sản phẩm chính cho ngày tết với giá phải chăng.
Ông Phạm Thanh Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi - thì cho rằng, sức mua trong dịp tết Ất Tỵ 2025 có thể còn yếu hơn dịp tết Giáp Thìn 2024: “Lúc đầu, chúng tôi dự báo sức mua có thể bằng năm ngoái nhưng sau cơn bão số 3 (bão Yagi), chúng tôi chưa dám chắc. Hiện nay, do ảnh hưởng của xung đột ở các nước, cước phí vận chuyển nguyên liệu tăng. Nhưng do sức mua ảm đạm trên thị trường, các doanh nghiệp chưa thể tăng giá sản phẩm”.
Theo ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - dù bão, lũ làm chết nhiều heo, gà nhưng nhìn chung, tổng đàn gia súc, gia cầm trên cả nước vẫn dồi dào nên không lo thiếu thịt heo, thịt gà dịp tết. Từ đầu năm 2024 đến nay, sức mua trứng gia cầm vẫn bình bình chứ không tăng trưởng, thậm chí hiện tại còn có dấu hiệu chững lại. Nếu so với năm 2023, sức mua trứng gia cầm giảm 10 - 20%. Do đó, công ty chỉ chuẩn bị nguồn hàng tết bằng năm ngoái. Ông nói: “Các doanh nghiệp kinh doanh thịt, trứng gia cầm chỉ mong sức mua trong dịp tết năm nay đừng giảm chứ không dám kỳ vọng sẽ tăng”.
Dự báo sức mua trong dịp tết sắp tới thấp, nhiều doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu tiêu thụ hàng bằng với dịp tết năm ngoái - ẢNH: THANH HOA (chụp ở Công ty Ba Huân)
Ông Phan Liên - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam (VEC) - nhận xét, thông thường, sau bão lũ, người dân và doanh nghiệp cần mua sắm những vật dụng, thiết bị để bù đắp số đã bị hư hại. Thế nhưng, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra quá lớn khiến người dân và doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, giảm khả năng chi tiêu, nên sức mua hàng hóa không thể tăng. Các doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực do phí vận chuyển, giá nguyên liệu đều tăng quá cao, đơn hàng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi, sức mua nội địa vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cố gắng chuẩn bị lượng hàng tết bằng với năm trước bởi họ xác định rằng cung cấp đủ hàng hóa cho người dân là trách nhiệm.
Ổn định giá cả dịp tết
Để tăng kích cầu tiêu dùng, thời gian qua, ngành công thương liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi quy mô lớn, nhất là ở TPHCM và TP Hà Nội. Nhưng theo ông Trương Chí Thiện, sau một thời gian tăng khuyến mãi, tăng quảng cáo, bán hàng qua các kênh online, doanh nghiệp nào cũng đuối về vốn.
Theo ông, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đang rất lớn, kéo theo chi phí kho bãi, nhân công nhiều. Do đó, các doanh nghiệp mong cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thủ tục công nợ, thủ tục vận chuyển, thanh toán; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kết nối trực tuyến thay vì trực tiếp để sớm giải phóng hàng tồn.
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân - cho rằng, doanh nghiệp chăn nuôi cần vốn để dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm trước, trong và sau tết nhưng các ngân hàng chưa có nhiều ưu đãi, không dám cho vay nhiều: “Chúng tôi mong được cho vay với lượng vốn tín dụng nhiều hơn để chuẩn bị nguồn thức ăn từ sớm, giảm được chi phí so với mua thức ăn lúc cận tết”.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TPHCM), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng kéo dài thực hiện cơ cấu, giãn hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp đến cuối năm 2024 thay vì kết thúc vào tháng 6/2024, đã phần nào giúp ích các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhưng trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn như hiện nay, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, tức doanh nghiệp được phép trả nợ tại năm cuối của kỳ hạn vay thay vì phải trả ngay khi hết thời hạn gia hạn cơ cấu nợ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực dòng tiền phải trả trong năm tiếp theo.
Tại hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM với các địa phương năm 2024, do UBND TPHCM phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/9, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu Sở Công Thương TPHCM tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, giải quyết hàng tồn kho; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, sở đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường cuối năm âm lịch và dịp tết Ất Tỵ 2025. Hiện, đã có 70 doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đăng ký tham gia chương trình. Năm 2024, lượng hàng bình ổn thị trường tăng 4 - 6% so với năm 2023, chiếm 21 - 32% thị phần trong tháng thường và 24 - 41% thị phần trong tháng tết. Lượng hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường đủ sức điều tiết thị trường, giữ cho giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sức mua quần áo trong nước vẫn khá ảm đạm; đơn hàng xuất khẩu thì tăng trưởng hơn 20% so với những tháng đầu năm 2024 nên dịp tết, các doanh nghiệp sẽ tập trung làm hàng xuất khẩu, giảm sản xuất hàng phục vụ trong nước.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM
Ngành ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Tại hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỉ đồng, hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng. Trước đó, NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến với hệ thống ngân hàng, UBND 26 tỉnh, thành phố. Tại hội nghị này, 32 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5 - 2%. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỉ đồng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tính toán các phương án hỗ trợ, xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, xây dựng các gói tín dụng mới, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Lượng heo sụt giảm khiến giá thịt heo tăng
Đợt bão, lũ vừa qua khiến nhiều trại chăn nuôi ở miền Bắc bị thiệt hại nặng khiến giá heo hơi ở hầu hết các địa phương trong nước tăng nhanh, trong đó miền Bắc tăng cao nhất, mức tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg so với trước khi bão Yagi đổ bộ, lên mức 65.000-68.000 đồng/kg. Ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, giá heo hơi chạm mốc 70.000 đồng/kg - mức cao nhất tính từ đầu năm 2024.
Giá heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam hiện trong khoảng 63.000-67.000 đồng/kg. Do chênh lệch giá với miền Bắc, các đầu mối kinh doanh heo thịt đang đẩy mạnh thu mua heo từ các tỉnh phía Nam đưa ra Bắc tiêu thụ, khiến giá heo hơi ở miền Nam có xu hướng tăng, có thể lên mức 70.000 đồng/kg trong những tháng cuối năm. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, nguồn cung heo thịt giảm không chỉ do bão, lũ ở miền Bắc mà dịch tả heo châu Phi trước đó ở nhiều địa phương đã khiến số đàn heo giảm.
Ông Lương Trọng Khoa - Nhà sáng lập Công ty cổ phần Sâm Việt Nam (Vinapanax) tìm cách đưa sâm vào nhiều loại thực phẩm với giá thành vài chục ngàn đồng.
Ngày 20/12/2024, MobiFone hợp tác cùng BIDV cho ra mắt sản phẩm Loa Thần Tài tại thị trường phía Nam, thiết bị hỗ trợ quản lý, thông báo giao dịch thành công...