Doanh nghiệp làm gì khi bị nói xấu, vu khống trên mạng xã hội?

15/12/2019 - 06:57

PNO - Tình trạng nói xấu, vu khống, bôi nhọ doanh nghiệp (DN) trên mạng xã hội ngày càng gia tăng nhưng việc phối hợp xử lý hiện nay chưa chặt chẽ, hầu hết DN tự chống chọi đơn lẻ, không hiệu quả.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có khoảng 68–70 triệu người sử dụng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Zalo, Instagram…

Song song với phát triển các mạng xã hội thì tình trạng nói xấu, bôi nhọ các cá nhân, tổ chức, DN ngày càng gia tăng. Hiện chỉ có DN đơn lẻ khiếu nại trực tiếp với Google, Facebook nên không không hiệu quả, cần sự phối hợp với cơ quan quản lý để cùng đối phó với tình trạng này.

Tại Tọa đàm “Doanh nghiệp nói không có vu khống trục lợi trên mạng xã hội” tổ chức ngày 14/12 tại TP.HCM, rất nhiều doanh nghiệp lên tiếng vì ít nhất một lần họ từng là nạn nhân của các hoạt động này.

Ông Đỗ Quốc Huy – Giám đốc marketting Saigon Co.op cho biết, nhà bán lẻ này từng là nạn nhân của tình trạng này khi một số đối tượng làm giả facebook, fanpage của Saigon Co.op tuyển dụng nhân sự và lừa tiền của người lao động, nhiều người bị mất tiền. Uy tín, danh dự bị ảnh hưởng không nhỏ. 

Bà Lâm Thúy Ái – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mebipha kể, có đối tượng không hài lòng trong hợp tác làm ăn với công ty bà, đã đưa thông tin không đúng khiến khách hàng của công ty nghĩ là họ bị thiệt thòi. Có rất nhiều nickname gắn tên công ty của bà và đăng toàn thông tin xấu.

“...xác định công ty phải giữ vững tâm lý bình tĩnh xử lý vụ việc và tôi đã khiếu nại với facebook. Nhưng không hiệu quả, tôi phải tìm tới công an để giải quyết. Tôi mong muốn tìm ra được cách để bảo vệ những cá nhân, DN như chúng tôi, có luật nào và khi nào thực thi để bảo vệ chúng tôi, chứ chỉ đơn lẻ DN thì không thể chống lại được”, bà Ái nêu ý kiến.

Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nhiều người lợi dụng sự kết nối, thông tin lan truyền trên mạng xã hội để vu khống DN. Họ lách luật bằng cách tự vu khống về mình để bôi xấu, trục lợi DN. Không  những DN bị thiệt hại mà chính người tiêu dùng trực tiếp bị thiệt hại.

Để nói không với vu khống, trục lợi thì phải có sự nỗ lực xây dựng văn hóa DN, DN phải tự mình có sự quản lý tốt tổ chức của mình; phải tự bảo vệ mình, có lực lượng cập nhật, rà soát thông tin để nắm được DN mình có bị vu khống, nói xấu không và phải báo với cơ quan công an, cơ quan quản lý; có thể thưa ra tòa yêu cầu đối tượng bồi thường thiệt hại, tùy mức độ có thể truy cứu hình sự. Cần kết hợp, đoàn kết giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước và kết hợp với người tiêu dùng để chống lại tình trạng trên.
 

Doanh nghiep lam gi khi bi noi xau, vu khong tren mang xa hoi?
Nhiều ý kiến cho rằng cần chung tay xử lý triệt để các đối tượng nói xấu, vu khống trên mạng gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, doanh nghiệp

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cũng cho rằng, DN phải tự bảo vệ mình trước, lưu lại bằng chứng, lập vi bằng để cung cấp thông tin cho tòa án, cơ quan quản lý. DN cố gắng hạn chế tối đa kẽ hở để đối tượng bôi xấu mình, mình làm đúng thì có thể lật lại, làm rõ vấn đề chứng minh mình đúng.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM, cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thường xuyên nhận được đơn thư, khiếu nại tố cáo của cá nhân, DN bị vu khống, bôi xấu trên mạng xã hội; trong đó, nhiều nhất là nhóm các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám tư nhân, các khiếu nại liên quan đến bất động sản...

Hầu hết DN quyết không thỏa thuận, đàm phán chấp nhận thông tin xấu, mà họ làm việc với cơ quan quản lý yêu cầu xử lý khi bị vu khống, bôi xấu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo không khoan nhượng, không thỏa hiệp khi nhận thông tin về việc bị nói xấu, bôi nhọ, vu khống trên mạng xã hội mà phải xử lý triệt để.

Tuy nhiên, một bất cập hiện nay là khởi kiện thì dễ nhưng việc thi hành án thì khó khi kẻ tung tin đồn thất thiệt lên mạng thường không có nơi ở cố định, muốn phạt họ cũng không biết nơi đâu mà tìm. Mức phạt đối với hành vi tung tin đồn cũng rất thấp, chỉ phạt hành chính tối đa 30 triệu đồng đối với tổ chức và 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Các cơ  quan quản lý đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp giữa DN, cơ quan quản lý và các đơn vị sở hữu mạng xã hội xuyên biên giới để phối hợp xử lý nhanh, có hiệu quả trong trường hợp xuất hiện thông tin sai sự thật, tin giả nói xấu, bôi nhọ DN. Đồng thời, đề xuất Chính phủ có hành lang pháp lý, sửa những văn bản pháp luật hiện hành cho phù hợp và tăng mức phạt cao hơn.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI