Đơn hàng đã ký nhưng không có vốn để làm
Kỹ sư Trương Quốc Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Tấn Thành - cho biết, trước đây, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu có thể sử dụng bộ chứng từ để thế chấp, vay tiền, nhưng khoảng một tháng nay, các ngân hàng từ chối cho vay bằng hình thức thế chấp này với lý do hết hạn mức tín dụng (room).
Một số ngân hàng thông báo sẽ giải ngân thành nhiều lần, lãi suất rất cao nên nếu DN được cho vay, số tiền cũng không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để sản xuất. Trước đây, DN vay USD trong ba tháng, lãi suất chỉ 3,4%/năm nhưng nay tăng lên 5,7%/năm; lãi suất vay kỳ hạn sáu tháng cũng tăng từ 3,2%/năm lên 5,3%/năm. Trong khi tỷ giá tiền đồng và USD biến động liên tục. Lãi suất nhiều gói vay bằng tiền đồng cũng tăng từ 7%/năm lên 9%/năm.
|
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết phần lớn các doanh nghiệp hội viên khó tiếp cận vốn, không được gia hạn tín dụng trong khi họ rất cần vốn để sản xuất cuối năm (trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH gỗ VAM Furniture trong một công đoạn sản xuất) - Ảnh: H.L |
“Một số DN trong hợp tác xã muốn thế chấp nhà để vay vốn xoay xở nhưng cũng không được duyệt vay. Nhiều ngân hàng từ chối thẳng thừng khi thấy bên vay là hợp tác xã. Có DN phải bán tài sản cá nhân là vàng, USD, nhà đất, vay mượn người thân để lấy vốn sản xuất” - ông Trương Quốc Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM - cho biết, nhiều DN hội viên đã ký hợp đồng đơn hàng nhưng không thực hiện được do không có vốn bởi các ngân hàng yêu cầu muốn vay khoản mới, phải trả bớt nợ cũ. Lãi suất cho vay cũng tăng từ 0,5 - 1%/năm lên 8,8 - 9%/năm. Các gói vay mới hầu như không được các ngân hàng chấp thuận với lý do đã hết room.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, không ít DN đang nằm trong chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng cao su, nhựa cho các dây chuyền lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc ở châu Á và toàn cầu; nếu không đáp ứng đơn hàng đúng hạn thì sẽ phải bồi thường hợp đồng, mất đối tác. Trong khi đó, việc tìm kiếm đối tác mới là không dễ.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - vừa liên hệ vài ngân hàng xin vay vốn nhưng nơi nào cũng từ chối cho vay với lý do hết room. Có ngân hàng báo phải chờ 15-30 ngày nhưng cũng không chắc chắn có thể giải ngân hay không, trong khi DN thì không thể ngưng sản xuất. Đây là lúc các DN cần nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu dịp cuối năm và cả trong quý I/2023. Đặc biệt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng nội địa cuối năm 2022 sẽ tăng, nhiều DN muốn đẩy mạnh sản xuất để đón đầu thị trường. Do đó, DN rất cần vốn.
“Bây giờ, DN không quan tâm lãi suất cao hay thấp nữa, nếu kinh doanh thuận lợi thì lãi suất cao hơn vài phần trăm cũng được. Nhưng dù chấp nhận lãi suất cao, DN cũng khó vay được tiền từ ngân hàng. Xuất khẩu chưa tăng trưởng mạnh do ảnh hưởng của lạm phát, DN đang trông chờ vào thị trường trong nước nhưng với tình hình này thì khó chồng thêm khó” - ông Nguyễn Ngọc Luận bày tỏ.
Theo một khảo sát mới đây của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), phần lớn các DN than khó tiếp cận vốn, số khác than không được gia hạn tín dụng, không được vay nguồn vốn có lãi suất ưu đãi. Do ngân hàng hết hạn mức tín dụng nên thời gian cấp vốn chậm, mức giải ngân cũng chỉ khoảng 50% hạn mức mà ngân hàng duyệt cấp cho DN.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA - cho hay: “Đơn hàng xuất khẩu của các DN ngành gỗ sụt giảm, đối tác liên tục dời ngày xuất hàng hoặc trả tiền chậm hơn so với trước nên vốn kinh doanh càng khan hiếm”.
Nên tăng hạn mức cho vay nhóm ngành hàng phục vụ Tết, xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Chính phủ nên xem xét các kiến nghị của DN và ngân hàng. DN đang khó khăn mà không thể vay được vốn thì càng khó khăn hơn. Chính phủ nên giảm các chi phí cố định, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các gói hỗ trợ vốn, giảm bớt tần suất kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM (HBA) - cho hay, suốt ba tháng qua, ông nghe rất nhiều chủ DN than về việc không thể tiếp cận vốn do ngân hàng hết hạn mức tín dụng. Hiện nay, các DN đang phục hồi sản xuất, nếu không kịp thời cấp vốn, họ sẽ khó gượng dậy được. Do đó, nên rà soát để cấp vốn cho những DN đang rất cần vốn.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - vừa qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TPHCM đã làm việc với HUBA để nghe nguyện vọng, phản ánh của các DN. Đại diện các DN cho rằng, NHNN cần nghĩ đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô để điều hành tăng trưởng tín dụng và xem xét nới hạn mức tín dụng từ 14% lên thành 16%. Bởi từ đây đến đầu năm 2023, nhu cầu vay vốn của các DN rất cao, nhất là các DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, hàng xuất khẩu, bất động sản…
Vừa qua, NHNN có tăng hạn mức tín dụng thêm từ 1 - 4% cho một số ngân hàng, nhưng chỉ sau 2-3 ngày, các ngân hàng đã giải ngân hết. Ông Phạm Ngọc Hưng nói: “Chúng tôi hiểu, việc tăng hạn mức tín dụng từ 14% lên mức 16% có thể khó kiềm chế lạm phát, gây hại cho DN. Nhưng không có vốn thì DN cũng chết. Đây là một bài toán khó mà NHNN cần xem xét. Theo tôi, có thể tăng hạn mức cho vay đối với một số nhóm ngành nghề, lĩnh vực sản xuất phục vụ tết, có kế hoạch xuất khẩu cho năm 2023 và hạn chế hạn mức đối với các lĩnh vực khác, như bất động sản, chứng khoán”.
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, một số ngân hàng vừa được tăng hạn mức đã sử dụng hết ngay là do nhu cầu tín dụng đang cao, nền kinh tế đang trong thời gian hồi phục, DN cần vốn mua nguyên vật liệu sản xuất. Một số tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang quá cao, tổng dư nợ tín dụng so với GDP lên 124% - mức rất cao so với các nước trên thế giới. Họ lo ngại điều này dẫn đến lạm phát. Do đó, cần nghiên cứu xem mức trần tín dụng 14% có hợp lý hay không.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng hết room một phần do nhu cầu vay vốn tăng mạnh, nhưng một phần có thể do mức trần tín dụng tương đối thấp. Trong bối cảnh DN cần vốn để tập trung sản xuất dịp cuối năm, cần nâng mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 16%, từ đó tăng thêm hạn mức cho các ngân hàng.
“Cứ đến cuối năm, các ngân hàng lại hết hạn mức tín dụng. Vài năm tới, NHNN nên bỏ trần tín dụng và hạn mức tín dụng để ngân hàng tự điều hành theo khả năng của họ. NHNN có thể kiểm soát theo cách mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm, tức là cho mỗi ngân hàng chủ động lên kế hoạch tăng trưởng mỗi năm và phân bổ cho các ngành nghề. Các cơ quan quản lý chỉ quan sát và yêu cầu giải trình trong trường hợp các ngân hàng tăng trưởng quá nóng” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
“Trong năm 2016 - 2017, kinh tế tăng trưởng 6 - 7% nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ 12% mà vẫn đáp ứng đủ vốn, tại sao bây giờ 14% lại thiếu? Đó là do ngân hàng đã cho vay dài hạn quá nhiều, dòng tiền thu về không đúng tiến độ nên mới không có tiền cho vay tiếp” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định.
Nếu ngân hàng điều phối tốt sẽ không thiếu vốn cho vay Mức tăng trưởng tín dụng 14% đưa ra đầu năm 2022 là phù hợp với tăng trưởng kinh tế, nên nói NHNN siết tín dụng là không đúng. Nếu đầu năm cho tăng trưởng 14%, đến giữa năm hạ xuống còn 12%, mới gọi là siết. Các ngân hàng thương mại thiếu tiền cho DN vay sản xuất, kinh doanh là do lỗi của các ngân hàng. Họ phân bố dòng tiền cho vay không hợp lý, dồn cho vay dài hạn đối với bất động sản quá nhiều nên thu hồi tiền không kịp, dẫn đến thiếu tiền để cho vay. Đây không phải do phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp. DN sản xuất, kinh doanh luôn cần vốn lưu động từ 3-12 tháng. Các ngân hàng đều cấp hạn mức tín dụng cho DN, khi DN bán được hàng thì sẽ trả lại tiền cho ngân hàng. Do đó, về bản chất, vốn vay của DN vẫn nằm trong ngân hàng. Nếu ngân hàng điều phối tốt từ cấp hội sở đến chi nhánh, phòng giao dịch trong việc cho DN vay vốn lưu động thì không xảy ra tình trạng hết tiền cho vay như hiện nay. Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển |
Thanh Hoa