Doanh nghiệp hành động vì sự bền vững của môi trường

04/11/2023 - 06:21

PNO - Cam kết từ các công ty lớn có thể giúp ích, nhưng để tạo ra sự thay đổi lớn hơn, cần có sự hợp tác của các chính phủ.

Ly cá nhân được rửa sạch sau đó đựng cà phê tại cửa hàng Starbucks ở Arizona, Mỹ - Nguồn ảnh: AP
Ly cá nhân được rửa sạch sau đó đựng cà phê tại cửa hàng Starbucks ở Arizona, Mỹ - Nguồn ảnh: AP

Tại Mỹ, khi Bethany Patton bước vào quán cà phê Starbucks, cô lấy từ trong túi của mình một chiếc ly màu hồng và đặt vào chiếc máy rửa phía trước quầy. Sau 90 giây, một nhân viên pha chế lấy ly ra, lau khô và dùng nó để đựng một phần espresso “double-shot” phục vụ cho cô.

Khi sử dụng ly riêng thay vì chiếc ly màu xanh Starbucks truyền thống dùng 1 lần, Patton được hãng cà phê danh tiếng tặng 1 USD. “Bảo vệ môi trường là điều quan trọng nhất, nhưng có lẽ tôi đến đây nhiều hơn khi biết rằng mình sẽ được giảm 1 USD” - Patton nói.

Ly Starbucks dùng 1 lần đã gần như là một biểu tượng của xã hội tiêu dùng, đầu tiên ở Mỹ và sau đó trên toàn cầu. Nó phổ biến đến mức trở thành một “phụ kiện” của giới trẻ mang thông điệp: “Tôi đang uống thương hiệu cà phê dễ nhận biết nhất thế giới”. Thế nhưng giờ đây, trong thời đại mà mối quan tâm về tính bền vững trở thành đạo đức kinh doanh, chiếc ly dùng 1 lần có thể đang trên đà “tuyệt chủng” do chủ trương của chính hãng.

Đến năm 2030, Starbucks muốn loại bỏ ly dùng 1 lần, vốn chiếm phần lớn tổng lượng chất thải và khí thải nhà kính của công ty. Điều này đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng về việc các doanh nghiệp phải trở thành một phần của các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại quán mà Patton thường đến, ai không mang theo ly riêng sẽ được tặng 1 chiếc có thể tái sử dụng. Starbucks coi sự thay đổi này là tiếng chuông báo động, thúc đẩy các nhà cung ứng vật liệu tái chế và đối tác trong chuỗi sản xuất của mình ý thức bảo vệ môi trường.

Nhằm hướng tới chuỗi cung ứng may mặc bền vững, sự thay đổi mô hình ưu tiên cho các sản phẩm có nguồn gốc thân thiện với môi trường đã thúc đẩy ngành thời trang trị giá 24.000 tỉ USD toàn cầu phải có chiến lược phát triển mới. Năm 2023, ngành thời trang đã tuyển dụng khoảng 300 triệu người trong chuỗi giá trị này. Trong đó, một số đáng kể là phụ nữ độ tuổi 18-35 và sẽ còn mở rộng hơn nữa. Ngành cũng chịu trách nhiệm về 10% lượng khí thải toàn cầu.

Các thương hiệu khách sạn quốc tế cũng đang thực hiện các giải pháp để cứu đại dương, từ việc trồng các vườn ươm san hô đến phục vụ hải sản bền vững. Với hầu hết các khách sạn nằm trên bãi biển, chuỗi khách sạn Iberostar (Tây Ban Nha) đã đưa ra lộ trình du lịch xanh. 78% hải sản tại các khu nghỉ dưỡng của thương hiệu này cam kết được đánh bắt có trách nhiệm, đáp ứng các tiêu chuẩn mang lại lợi ích cho cộng đồng cũng như môi trường.

Sáng kiến kinh doanh có trách nhiệm (RBI) hay Chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đã thúc đẩy việc áp dụng tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Các sáng kiến này nhận được tài trợ từ các quốc gia. Với những ưu đãi ngày càng tăng từ Chính phủ Pháp, các thương hiệu xa xỉ đã chuyển hoạt động về quê hương để có thể giám sát tốt chuỗi cung ứng của mình.

Erin Simon - từ Quỹ Động vật hoang dã thế giới - cho biết cam kết từ các công ty lớn có thể giúp ích, nhưng để tạo ra sự thay đổi lớn hơn, cần có sự hợp tác của các chính phủ. “Không một tổ chức, thậm chí không một lĩnh vực nào có thể tự thay đổi nếu không có sự đồng hành của chính sách” - cô nói. 

Nam Anh (theo AP, Forbes, Afar)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI