Chị Hoàng Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ về câu chuyện chọn thực phẩm cho gia đình và những vướng mắt về giá cả, chất lượng và đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo chị Anh, từ hơn 2 năm nay, nhà chị hạn chế sử dụng thịt heo do nhiều lo ngại về chất tăng trưởng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến giới tính của con cái khi bố mẹ sử dụng nguồn thực phẩm trong thời gian chuẩn bị kế hoạch sinh con. Chính vì thế, thực đơn hằng ngày cũng chỉ loay hoay với cá, thịt bò, gà và rau tươi trong bữa ăn.
“Việc tránh thịt heo trong thực đơn là câu chuyện khó. Hạn chế thì có thể nhưng không thể phủ nhận chỉ khi mua miếng thịt heo về chế biến là nhanh, gọn và rẻ trong thời buổi sáng công việc chiều công việc như bây giờ”, chị Hoàng Anh nói.
Những buổi ăn có thịt chị Hoàng Anh cho biết, hầu như tuyệt đối sử dụng thịt heo của siêu thị, hoặc những đơn vị lớn để giảm thiểu tối đa lo ngại về chất lượng nguồn thịt. Mặc dù giá cả theo chị có đắt hơn gấp rưỡi giá thịt heo bày bán tại sạp ngoài chợ cũng chấp nhận.
Không chỉ riêng chị Hoàng Anh, nhiều chị em tại TP.HCM cũng đang dần chuyển sang dùng những sản phẩm thịt cao cấp, đắt tiền; trong khi vì điều kiện kinh tế vẫn còn số đông khách hàng khác ngày ngày vẫn phải đối mặt với những rủi ro về thực phẩm bẩn khi những quầy thịt heo tạm bợ vẫn được bày bán nhan nhản trên lề đường, góc chợ.
Kênh bán hàng thịt truyền thống chiếm 85%
Đánh giá về thị phần và trị trường thịt heo tại TP.HCM, ông Nguyễn Phúc Khoa – chủ tịch Vissan cho biết, thị phần thịt tươi sống của Vissan chỉ nên đánh giá tại TP.HCM và một vài tỉnh lân cận.
“Bình quân, TP.HCM giết mổ khoảng 10.000 con heo mỗi ngày trong khi của Vissan là 1.500 con. Quy mô chưa thể tạo lợi thế cạnh tranh cho Vissan”, ông Khoa nhận định.
Cũng theo ông Khoa, trong năm 2017 mảng thịt tươi sống của Vissan tăng trưởng 13% về lượng; tuy nhiên, kênh bán hàng truyền thống chiếm 85%.
“Chi phối thị trường truyền thống rất khó. Chúng tôi tăng trưởng tốt gần 30% ở kênh bán lẻ hiện đại nhưng sút giảm thị phần tại kênh bán hàng truyền thống. Những sạp của Vissan ở chợ truyền thống bị bỏ trống bởi chi phí cho từng sản phẩm của Vissan luôn cao hơn các nhà giết mổ nhỏ lẻ”, ông Khoa đánh giá.
|
Hình ảnh cuộc tổng 'giải cứu' thịt heo của bà con nông dân tại khu vực TP.HCM năm 2017. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Về chi phí giết mổ, ông Khoa cho biết doanh nghiệp giết mổ theo dây chuyền luôn chịu chi phí sản xuất cao hơn giết mổ tại nhà hay lò mổ thủ công.
“Chính sách thuế/miếng thịt heo khi bán, phải chịu VAT rất cao. Không chỉ thịt heo của Vissan mà những doanh nghiệp giết mổ bằng dây chuyền đều cao hơn lò mổ truyền thống. Giết mổ công nghiệp khó cạnh tranh với lò mổ thủ công. Phải mất một thời gian dài để thay đổi thói quen thích đến chợ, sờ vào miếng thịt nóng”, ông Khoa cho hay.
Trăn trở trong việc miếng thịt công nghiệp khó tiếp cận được thị trường lớn, mặc dù nhu cầu thịt tại TP.HCM luôn nằm trong top cao nhất cả nước, đại diện Vissan cũng nêu ra một số giải pháp đã được thương hiệu này áp dụng khi muốn mở rộng thị trường, bằng việc mở cửa hàng bán thịt mảng, phù hợp với những quán ăn nhu cầu sử dụng nguồn thịt lớn.
Nông dân nên "cộng sinh" với doanh nghiệp
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Hồng Thắm – giám đốc An Hạ (đơn vị xung phong trong đợt giải cứu thịt heo năm 2017 khi thịt heo rớt giá thảm hại) cho biết, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là một vấn đề bức thiết hiện nay của thị trường.
Theo bà Thắm, chi phí một miếng thịt khi đến tay khách hàng thông qua các kênh bán hàng truyền thống hoặc giết mổ thủ công có rất nhiều bất cập từ giá cả cho đến những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Thắm cũng phân tích thêm, người nông dân chăn nuôi là người chịu thiệt trong chính "canh bạc" của thị trường. Thực tế hiện nay, giá mua heo lên xuống thất thường. Không tái cơ cấu đàn theo nhu cầu thị trường rất dễ rơi vào tình trạng thừa hàng và "kêu cứu" như giai đoạn giữa năm 2017, thịt heo chỉ ở mức đồng giá 25.000 - 35.000 đồng/kg.
“Tuy nhiên, mức giá xuất chuồng cho thương lái thường không chênh lệch nhiều so với việc hợp tác với doanh nghiệp bao tiêu. Ví dụ như trường hợp An Hạ, việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân và liên kết với các hộ chăn nuôi là một trong những cơ sở để giải cứu thịt heo khi giá thị trường rơi vào vùng trũng. So với việc bấp bênh khi bán thịt cho các thương lái, người nông dân sẽ an tâm hơn nhiều khi tăng đàn hay xuất heo”, bà Thắm cho biết.
Chính vì thế, nông dân cần liên kết với doanh nghiệp để giải quyết được vấn đề về giá cả và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía doanh nghiệp, câu chuyện chênh lệch mức giá thịt heo trong cửa hàng và ngoài chợ truyền thống là điều dễ thấy. Tuy nhiên, để nỗ lực đem sản phẩm sạch và an toàn đến người sử dụng thì doanh nghiệp cần phải tính đến nhiều biện pháp để giảm thiểu chi phí, phụ phí trong miếng thịt. Từ đó, người dùng mới nhận được mức giá tốt với chất lượng không nhiều lo ngại.
Cụ thể, việc một con heo thu mua từ nông dân sẽ được đưa đến doanh nghiệp giết mổ, phân phối thịt theo mô hình khép kín của chính doanh nghiệp đó. Tránh những khâu vận chuyển, phân phối, phân loại thịt ra thị trường khó kiểm soát.
“Ngoài ra, nhà nước cũng nên xem xét lại về vấn đề đánh thuế doanh nghiệp. Nếu muốn thị trường có thể đào thải những sản phẩm kém chất lượng thì phải mở đường cho những doanh nhiệp tiên phong hàng sạch, nguồn gốc rõ ràng", bà Thắm nói.
Thái Nguyễn