Doanh nghiệp gặp khó khi xuất hàng sang Nga

14/03/2022 - 06:55

PNO - Trong thời gian diễn ra xung đột Nga - Ukraine, hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam sang Nga để đóng học phí, viện phí vẫn bình thường nhưng hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa với Nga ngưng trệ.

Vẫn chuyển được tiền sang Nga 

Hoạt động chuyển tiền sang Nga để đóng học phí, sinh hoạt phí, khám chữa bệnh… tại các ngân hàng Quân Đội (MB), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công Thương (VietinBank), Việt Nga (VRB)  vẫn bình thường, nhưng do Nga dừng giao dịch ngoại hối nên hiện các ngân hàng chỉ có thể chuyển đồng rúp. 

Một nhân viên VRB cho biết, khách muốn chuyển tiền thì phải cung cấp giấy tờ chứng minh mục đích chuyển. Nếu cha mẹ chuyển học phí cho con thì phải cung cấp các thông tin của người nhận như visa, passport, hình, địa chỉ đang ở, địa chỉ ngân hàng tại Nga, số tài khoản ngân hàng ở Nga, mã số thuế, giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống, xác nhận sinh viên đang theo học ở Nga. Thời gian xét duyệt khoảng một tuần. Mức phí chuyển là 0,22% số tiền chuyển + 550 rúp (khoảng 94.000 đồng).

Còn tại MB Bank, nếu cha mẹ chuyển học phí cho con thì được chuyển 100% hạn mức học phí (từ 25.000-350.000 USD quy đổi qua đồng rúp), với mức phí là 38,5 USD + 0,2%/số tiền chuyển. Một nhân viên MB Bank cho biết, khoảng hai tháng trở lại đây, không có khách nào yêu cầu chuyển tiền sang Nga. Một cán bộ VietinBank chi nhánh Tây Sài Gòn cũng thông tin, nhu cầu chuyển tiền sang Nga hiện nay khá thấp. 

Hiện các ngân hàng vẫn nhận chuyển tiền cho du học sinh đang theo học tại Nga - ẢNH: THANH HOA
Hiện các ngân hàng vẫn nhận chuyển tiền cho du học sinh đang theo học tại Nga - Ảnh: Thanh Hoa

Các dịch vụ chuyển tiền quốc tế ngoài ngân hàng hiện nay cũng chỉ nhận chuyển tiền rúp sang Nga. Trang “Chuyển tiền Việt - Nga” trên Facebook thông báo, không lấy phí chuyển tiền mà chỉ ăn chênh lệch từ tỷ giá với mức 23,3/116, tức 1 USD bằng 23.300 đồng,  đổi lấy 116 rúp. Ở thời điểm ngày 10/3, tỷ giá của Vietcombank 22.980 đồng/USD, điểm dịch vụ này thu chênh lệch mỗi USD là 320 đồng. Một du học sinh đang quản lý trang này cho biết, hiện đồng rúp mất giá liên tục: vào ngày 9/3, tỷ giá USD/rúp còn ở mức là 1 USD đổi 109 rúp nhưng chỉ sau một đêm, tỷ giá là 1 USD đổi 116 rúp. 

Doanh nghiệp khó đưa hàng đến Nga

Đầu tháng Ba, ba hãng tàu biển lớn nhất thế giới là MSC, Maersk, CMA CGM và nhiều hãng tàu khác như ONE, Hapag-Lloyd thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga. Hãng vận chuyển DHL cũng thông báo không vận chuyển bưu kiện, bưu phẩm đến và đi từ Nga. Do đó, doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu của Việt Nam liên quan thị trường Nga đang gặp khó. 

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, vốn xuất khẩu 30 triệu USD nông sản (hạt tiêu, cà phê, điều, dừa) sang Nga mỗi năm - cho biết có khoảng 50% đơn hàng của DN này đưa sang Nga đang bị kẹt lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận chứng từ xuất khẩu sang Nga sau khi Mỹ và EU loại một số ngân hàng Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Với những đơn hàng đã giao thành công nhưng chưa thanh toán được, hai phía đang tìm cách giải quyết. Còn với những đơn hàng đang trên đường đi nhưng chứng từ chưa gửi được thì DN này thông báo hãng tàu cập các cảng trên đường sang Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore để tìm đối tác mua hàng khác. 

“DN có thị trường xuất khẩu rộng như chúng tôi có thể xoay xở tìm đối tác khác được, còn những DN nhỏ, nhất là DN xuất khẩu rau quả, hải sản đông lạnh đang trên đường đi mà phải quay đầu hoặc cập cảng khác sẽ thiệt hại không ít do hàng hư hỏng, chịu chi phí lưu kho bãi vì không dễ gì tìm được đối tác ngay” - ông Phan Minh Thông nói. 

Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm - chuyên xuất khẩu hàng may mặc sang Nga - cũng đang bị ảnh hưởng nặng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do Nga bất ngờ bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nên đơn hàng đã xuất trị giá 4 triệu USD vẫn chưa được thanh toán. Một số đơn hàng khác bị giam lại trên đường sang Nga. Đó là chưa kể, công ty này đã mua 40 container nguyên phụ liệu (khi chuyển sang thành phẩm, chúng trị giá gần 5 triệu USD), phải chờ đàm phán lại với đối tác bên Nga. Ông Nguyễn Duy Ninh - Tổng Giám đốc công ty này - nói: “Đơn hàng đang lưu kho ở nước ngoài, kéo dài ngày nào thì DN phải mất tiền ngày đó. Chúng tôi đang tìm cách giải quyết”. 

Hiện một số DN vẫn nhận được đơn hàng xuất khẩu sang Nga nhưng lo gặp rủi ro. Ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập thương hiệu cà phê Meet More - cho biết Nga cấm giao dịch ngoại tệ khác ngoài đồng rúp trong khi đồng rúp mất giá nên DN Nga không dám nhập khẩu, còn DN Việt cũng không dám xuất khẩu. 

Việc vận chuyển hàng hóa đến Nga cũng không dễ. Toàn bộ container hàng hóa đang trên đường vận tải đến Nga qua các cảng châu Âu đều bị hải quan yêu cầu kiểm tra làm tăng thời gian lưu kho bãi, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và chất lượng hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm. Hiện còn một số hãng tàu của Hàn Quốc và Trung Quốc như KMTC, Sinokor, OOCL nhận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng và TP.HCM đến cảng Vladivostok trong tháng Ba nhưng đều yêu cầu khách hàng cam kết chịu mọi rủi ro trong trường hợp bất khả kháng. 
Tuyến đường sắt vận tải container xuất phát từ ga Gia Lâm (Việt Nam) đi vào nội địa Trung Quốc rồi rẽ ra ba hướng qua Kazakhstan vào Nga, qua Mông Cổ vào Nga và qua Nội Mông (Trung Quốc) vào Nga vẫn đang duy trì nhưng còn hạn chế về số lượng do quy định kiểm soát dịch bệnh cũng như các thủ tục quá cảnh hàng hóa tại Trung Quốc và nước thứ ba khá phức tạp. Hiện không có đường bay vận tải hành khách quốc tế đến và đi từ Nga kể cả quá cảnh ở nước khác. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI