Doanh nghiệp chật vật lắm rồi, sao còn gây khó?
Đó là ý kiến chung của hầu hết các doanh nghiệp khi đọc được những quy định trong Dự thảo.
Cụ thể, Dự thảo yêu cầu mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.
Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo. Đợt bán hàng giảm giá sau phải cách đợt bán hàng giảm giá trước ít nhất 30 ngày. Trong đợt giảm giá, phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá.
Các doanh nghiệp cho rằng quy định này đang tước đi quyền tự chủ kinh doanh của đơn vị. Hiện mỗi siêu thị đang kinh doanh khoảng 30.000 – 40.000 mặt hàng, nếu 70% trong số đó được khuyến mại, tức có từ 21.000 – 28.000 mặt hàng mỗi đợt.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Sở Công thương TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2018, chỉ có 32.000 hồ sơ thủ tục hành chính khuyến mại từ các doanh nghiệp được duyệt qua cổng thông tin trực tuyến. Từ đó cho thấy, chắc chắn số lượng doanh nghiệp đạt yêu cầu khuyến mại trong mỗi đợt sẽ không đủ.
|
Mỗi đợt phải có 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị giảm giá là con số quá lớn. |
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) – chủ quản hệ thống Co.opmart, Co.opExtra, Co.opFood… cho rằng, trước đây, mỗi đợt khuyến mại chỉ vài ngàn mặt hàng là siêu thị đã đủ “đuối”, nếu Dự thảo được thông qua, con số mặt hàng khuyến mại mỗi đợt sẽ quá lớn, cung sẽ không đủ cầu, khó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chưa kể, doanh nghiệp sẽ gặp khó nếu bắt họ cùng một lúc phải đẩy khuyến mại với số lượng lớn. Bởi không phải mặt hàng nào cũng phù hợp khuyến mại. Phần lớn khuyến mại thường nghiêng về các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, với ngành công nghệ hay thời trang… khi họ cần giải quyết hàng tồn kho, thu hồi vốn.
Đứng ở góc độ là một doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm vào siêu thị, bà Nguyễn Thị Thu Dung – Giám đốc công ty may mặc Dung Nam, thương hiệu thời trang Dung Nam và LMT 1985 cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã quá chật vật khi cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, nay Bộ Công thương lại đưa ra quy định làm khó doanh nghiệp.
Ở lĩnh vực may mặc, các doanh nghiệp đau đầu vì phải cạnh tranh “khốc liệt” với hàng may mặc Trung Quốc, Thái Lan giá rẻ. Để duy trì chỗ đứng của mình, có doanh nghiệp phải chịu lời ít lại để tự thiết kế cho sản phẩm độc, lạ nhưng phải chất lượng, phù hợp thị hiếu.
Mục đích Nghị định về việc phát triển và quản lý ngành phân phối ra đời là nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng.
Qua đó sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, rõ ràng những quy định trong Dự thảo đang có nhiều bất cập, khó khăn và cần được “thiết kế” lại sao cho phù hợp hơn với thực tế.
|
Ngày xưa các siêu thị ít có chương trình khuyến mại, nhưng thị hiếu khách hàng ngày nay đều thích hàng khuyến mại. Từ đó buộc doanh nghiệp phải có những đơn hàng khuyến mại liên tục nhưng phải đảm bảo sản phẩm không tăng giá, chất lượng ổn định, mẫu mã hợp thời trang. Nếu cứ bắt doanh nghiệp chạy đua khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, vậy doanh nghiệp còn vốn đâu để tồn tại, duy trì và tái sản xuất? Chắc chắn họ phải đành nhường “sân chơi” cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên – Giám đốc công ty Vinamit, với những mặt hàng có hạn sử dụng, hàng mang tính thời vụ (bánh trung thu) việc phải xả hàng khuyến mại trước thời điểm đến hạn là điều cần thiết để doanh nghiệp thu tiền về bù giá sản xuất. Nhưng hãy để doanh nghiệp tự quyết định thời gian khuyến mại như thế nào cho hiệu quả.
“Nếu sản phẩm vừa mới sản xuất nhưng buộc chúng tôi phải tham gia khuyến mại để đủ chỉ tiêu 70% là điều vô lý, chắc chắn không doanh nghiệp nào làm được.” - ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Chợ đã ế, nay còn “ép” tiểu thương!
Ngoài siêu thị, Dự thảo cũng đưa ra những quy định bất cập đối với chợ. Cụ thể, “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công …) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ”.
Trưởng ban quản lý một chợ trên địa bàn Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết, quy định Dự thảo đưa ra không rõ ràng. Những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình, người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt…. mà Dự thảo nhắc đến là những tiểu thương hiện đang kinh doanh trong chợ hay là người buôn bán bên ngoài xung quanh chợ?
Đa phần tiểu thương trong chợ đều kinh doanh mặt hàng không phải do mình sản xuất hoặc làm ra. Còn những tiểu thương tự tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra chủ yếu là ngành hàng ăn uống.
Lâu nay, ngành hàng ăn uống luôn được bố trí ở một khu vực riêng tách biệt với các ngành hàng khác để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không lẽ nay lại bố trí thành một khu vực riêng nữa?
Những người kinh doanh ăn uống đều giống những tiểu thương kinh doanh ngành hàng khác, họ đều tự bỏ tiền đầu tư quầy sạp, nếu nay bố trí họ thành một khu riêng lẻ và xếp vào dạng kinh doanh không thường xuyên, chắc chắn họ sẽ phản ứng gay gắt.
|
Quy định trong Dự thảo chưa rõ ràng, gây tâm lý lo lắng cho tiểu thương. |
Chợ An Đông (Q.5) là nơi tập trung nhiều tiểu thương kinh doanh hàng may mặc do tự mình sản xuất. Nếu những tiểu thương này thuộc đối tượng được bố trí kinh doanh tại khu vực riêng sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh doanh của họ.
Chị Đoàn Thúy Nga – chủ sạp Thùy Nga, chợ An Đông cho biết đã kinh doanh tại chợ hơn 30 năm. Sạp nằm ngay vị trí lối đi bên ngoài nên khá thuận tiện cho việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Nếu giả sử buộc phải vào một khu vực riêng, chị Nga sẽ phản đối vì như thế sẽ mất khách và hơn hết chị đã bỏ số tiền không nhỏ để có được vị trí sạp ưng ý thì không lý gì phải dời đi.
“Còn những người kinh doanh bên ngoài khu chợ đều là kinh doanh tự phát, không thuộc quản lý của chợ. Chợ ế ẩm một phần vì những điểm bán tự phát này. Chính quyền địa phương nhiều năm không dẹp được. Nếu họ thuộc đối tượng Dự thảo nhắc đến thì nay đưa vào họ vào một khu vực riêng tại chợ liệu có khả thi” – Trưởng ban quản lý một chợ tại Q.10 nói.
Thanh Hoa